Khi Mỹ thắt chặt hạn chế với ngành bán dẫn của Trung Quốc, các hãng sản xuất công cụ dùng để tạo ra chip của quốc gia châu Á đang được hưởng lợi, với đơn đặt hàng từ tăng nhanh những tháng gần đây.

Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Trung Quốc hưởng lợi khi Mỹ thắt chặt hạn chế

Sơn Vân | 18/10/2023, 22:22

Khi Mỹ thắt chặt hạn chế với ngành bán dẫn của Trung Quốc, các hãng sản xuất công cụ dùng để tạo ra chip của quốc gia châu Á đang được hưởng lợi, với đơn đặt hàng từ tăng nhanh những tháng gần đây.

Nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip ở Trung Quốc, chẳng hạn Naura và AMEC, đang giành được tỷ lệ thắng thầu cao hơn nhiều từ các nhà máy Trung Quốc so với những năm trước. Điều này diễn ra khi Trung Quốc chạy đua để thay thế thiết bị nước ngoài bằng sản phẩm trong nước.

Theo phân tích trên 182 hồ sơ dự thầu của hãng Huatai Securities vào tháng trước, 47,25% công ty Trung Quốc thắng các cuộc đấu thầu thiết bị sản xuất chip của các nhà máy địa phương từ tháng 1 đến tháng 8.2023.

Theo các nhà phân tích, 62% các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Trung Quốc thắng thầu từ tháng 7 đến tháng 8.2023, so với chỉ 36,3% từ tháng 3 đến tháng 4.2023.

Điều đó đánh dấu bước ngoặt với ngành, phản ánh thực tế rằng các hạn chế của Mỹ với nhập khẩu công nghệ khó có thể giảm bớt mà trở nên tồi tệ hơn và sự tự lực là con đường phía trước, như Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình thúc giục.

Chính quyền Biden hôm 17.10 đã mở rộng các biện pháp nhắm vào ngành công nghiệp chip Trung Quốc nhằm tìm cách ngăn chặn nước này nhận các công nghệ tiên tiến từ Mỹ để tăng cường quân đội. Các biện pháp này dự kiến sẽ được cập nhật hàng năm.

Hôm 18.10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra lời chỉ trích với những hạn chế mới nhất về chip của Mỹ, nói rằng chúng vi phạm các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng.

Một nguồn tin từ các công ty nói với Reuters: “Trước lệnh trừng phạt, các nhà máy sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc sẽ sử dụng một lượng nhỏ máy móc từ các nhà cung cấp Trung Quốc và chỉ thử nghiệm thiết bị mới khi mở rộng khả năng sản xuất. Bây giờ, các nhà máy chip này đang thử nghiệm thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc để thay thế mọi máy móc nước ngoài mà họ sở hữu và nếu thấy rằng đáp ứng được nhu cầu thì họ sẽ thay thế tất cả chúng. Họ muốn càng ít máy móc nước ngoài càng tốt”.

AMEC và Naura nói riêng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn từ các nhà máy sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC và Hua Hong Semiconductor.

AMEC, Naura, SMIC và Hua Hong Semiconductor không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận.

cac-nha-cung-cap-thiet-bi-san-xuat-san-xuat-chip-trung-quoc-huong-loi-khi-my-that-chat-han-che.jpg
Các hãng sản xuất công cụ tạo ra chip của Trung Quốc đang được hưởng lợi khi Mỹ thắt chặt hạn chế với ngành bán dẫn của nước châu Á này - Ảnh: Internet

Doanh thu tăng

Theo báo cáo từ hãng CINNO Research, doanh thu liên quan đến thiết bị sản xuất chip của 10 công ty hàng đầu Trung Quốc về lĩnh vực này đã tăng 39% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022, đạt doanh thu 2,2 tỉ USD.

Các công ty Trung Quốc đang dự trữ thiết bị chip sản xuất từ Nhật Bản và Hà Lan, nhưng "con đường đó cũng sắp đóng lại" khi hai quốc gia này dự kiến sẽ cùng Mỹ ban hành các hạn chế trong những tháng tới.

Các nhà phân tích cho biết những công ty Trung Quốc đang ngày càng sản xuất thiết bị tốt hơn trong các lĩnh vực như ăn mòn và làm sạch, nơi họ cạnh tranh toàn cầu với đối thủ Mỹ như Applied Materials và Lam Research Corp.

Một số máy AMEC đã được đưa vào dây chuyền sản xuất chip tiên tiến như những máy sử dụng công nghệ 5 nanomet. Thiết bị khắc của AMEC được sử dụng để loại bỏ vật liệu dư thừa khỏi bề mặt tấm silicon.

Nhà phân tích bán dẫn tại Trung Quốc, từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông, cho biết chất lượng thiết bị chip do Trung Quốc sản xuất đang cải tiến nhanh hơn ông dự đoán, ước tính rằng chúng đã đi trước hai năm so với suy nghĩ ban đầu của ông.

Ông nói: “Chắc chắn có sự tiến bộ to lớn đang diễn ra trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn của Trung Quốc, thể hiện qua các chỉ số tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ”.

Vẫn còn một số điểm khó khăn, đặc biệt là kỹ thuật in thạch bản, đòi hỏi quang học cực kỳ phức tạp và độ chính xác của quy trình. Trung Quốc vẫn chưa thể mua được máy in thạch bản cực tím (EUV) cần thiết để chế tạo những chip tiên tiến nhất và Mỹ hiện đã cấm xuất khẩu một số hệ thống máy quang khắc cực tím sâu (DUV) kém tiên tiến hơn EUV đến Trung Quốc.

Báo cáo của Huatai Securities tiết lộ rằng trong 8 tháng đầu năm 2023, chỉ có một gói thầu máy in thạch bản được trao cho một công ty Trung Quốc trong số rất nhiều hồ sơ dự thầu.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, việc Trung Quốc nhập khẩu máy in thạch bản và linh kiện được sử dụng trong các máy đó từ Hà Lan đã tăng 81,2% trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 8.2023 so với cùng kỳ năm trước lên mức 3,3 tỉ USD.

ASML (Hà Lan), hãng công nghệ lớn nhất châu Âu và là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, hôm 18.10 đã báo cáo rằng doanh số bán hàng sang Trung Quốc chiếm gần một nửa doanh thu của họ trong quý 3/2023.

Thế nhưng, thách thức về in thạch bản không thể ngăn các công ty Trung Quốc đạt được một số bước đột phá. Các nhà phân tích tin rằng Huawei và SMIC đã có thể tạo ra chip tiên tiến Kirin 9000s cho dòng smartphone Mate 60 Pro bằng cách tinh chỉnh các DUV mà họ vẫn có thể mua từ ASML.

Nori Chiou, Giám đốc đầu tư tại công ty White Oak Capital, nhận định: “Các công ty địa phương vẫn thiếu khả năng cung cấp một bộ thiết bị đầy đủ, chẳng hạn như EUV”, đồng thời nói rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đang tập trung vào việc cung cấp các thiết bị nút trưởng thành.

Còn một chặng đường dài để thấy được thiết bị bán dẫn tiên tiến được sản xuất tại Trung Quốc”, Nori Chiou nói.

Theo các biện pháp mở rộng được công bố hôm 17.10 và sẽ có hiệu lực sau 30 ngày, Mỹ  đã hạn chế một lượng lớn chip tiên tiến và công cụ sản xuất chip với nhiều quốc gia hơn, gồm cả Iran và Nga, đồng thời đưa các nhà thiết kế chip Trung Quốc như Moore Threads và Biren vào danh sách đen thương mại.

Chính quyền Biden có kế hoạch tạm dừng vận chuyển các chip AI tiên tiến hơn do Nvidia và các công ty khác thiết kế đến Trung Quốc, một phần trong loạt biện pháp được công bố hôm 17.10 nhằm tìm cách ngăn quốc gia châu Á tiếp nhận các công nghệ tiên tiến của Mỹ để tăng cường quân đội.

Gina Raimondo - Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ nói với các phóng viên vào cuối ngày 16.10 rằng các biện pháp mới này sẽ lấp đầy những lỗ hổng trong các quy định được ban hành vào tháng 10.2022 và có thể sẽ được cập nhật “ít nhất là hàng năm”.

Bà nói mục tiêu là hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với “các chất bán dẫn tiên tiến có thể tạo ra những đột phá về AI và các máy tính phức tạp vốn rất quan trọng với các ứng dụng quân sự (Trung Quốc)”, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Biden không tìm cách làm tổn thương Trung Quốc về mặt kinh tế.

Gina Raimondo cho biết Trung Quốc vẫn sẽ nhập khẩu chất bán dẫn trị giá hàng trăm tỉ USD của Mỹ.

Các biện pháp mới chứng tỏ chính quyền Biden đang nỗ lực làm chậm dòng chip và công cụ sản xuất chip vào Trung Quốc, khi ngày càng có nhiều lo ngại về vai trò của công nghệ Mỹ trong việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Vào tháng 6, Reuters đưa tin những chip AI bị cấm theo các quy định trước đó có thể được mua từ các nhà cung cấp ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.

Thông qua báo cáo tháng 6.2022, Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết trong số 97 chip AI riêng lẻ được mua thông qua các cuộc đấu thầu của quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian 8 tháng vào năm 2020, gần như tất cả chúng đều được thiết kế bởi các công ty Mỹ là Nvidia, Xilinx, Intel và Microsemi.

Bài liên quan
Cộng đồng RISC-V Trung Quốc phớt lờ lời đe dọa kiểm soát tiêu chuẩn chip nguồn mở từ Mỹ
Cộng đồng RISC-V Trung Quốc phần lớn đã phớt lờ các động thái tiềm tàng từ Mỹ nhằm hạn chế cường quốc châu Á tiếp cận công nghệ thiết kế chip nguồn mở. Trong khi các chuyên gia Trung Quốc hạ thấp tác động có thể xảy ra của một hành động như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Trung Quốc hưởng lợi khi Mỹ thắt chặt hạn chế