Nếu liên minh đăng cai World Cup 2030 với Ả Rập Saudi – Ai Cập – Hy Lạp thiết lập thành công thì họ sẽ nhận được hậu thuẫn từ châu Á, châu Phi và châu Âu.
Theo Bộ trưởng Du lịch Ả Rập Saudi Ahmed Al Khateeb, nước này đang xem xét hình thành một liên danh xin đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới 2030 cùng với Ai Cập và Hy Lạp.
Trong một cuộc phỏng vấn ở Riyadh, Al Khateeb cho biết: “Chúng tôi đang xem xét xin đăng cai cùng với Hy Lạp và Ai Cập và chúng tôi mong rằng đó sẽ là một thắng lợi. Chắc chắn ba nước sẽ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và chắc chắn sẽ sẵn sàng. Và tôi biết sau đó Ả Rập Saudi sẽ xây dựng các sân vận động và khu vực dành cho người hâm mộ hiện đại”
Việc Ả Rập Saudi đăng cai tổ chức World Cup sẽ bổ sung vào danh sách các sự kiện thể thao mà nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đang tiến hành vì nước này có vẻ sẽ mở cửa nền kinh tế của mình cho khách du lịch và đa dạng hóa khỏi sự phụ thuộc vào việc bán năng lượng. Họ cũng đã đảm bảo tổ chức Thế vận hội mùa đông châu Á vào năm 2029, cuộc đua Công thức 1 hàng năm và một số trận đấu quyền Anh đỉnh cao.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman, đã tham dự lễ khai mạc World Cup tại Qatar vào tuần trước cùng với Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và có lẽ ý tưởng đăng cai đã được trình bày. Tờ Times của Anh vào tháng 9 cũng đưa tin rằng vương quốc này có khả năng sẽ xin đăng cai chung với Ai Cập và Hy Lạp theo một nguồn tin giấu tên.
Trước đó, 4 quốc gia Nam Mỹ là Argentina, Chile, Uruguay và Paraguay đã thành lập một Ủy ban chung để vận động đăng cai World Cup 2030. Đây sẽ là giải đấu kỷ niệm tròn 100 năm kể từ kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức tại Uruguay. Bởi vậy, việc đưa World Cup trở lại với Nam Mỹ sẽ càng trở nên có ý nghĩa hơn.
Dự kiến, 4 quốc gia này sẽ cho tu sửa và xây mới 18 sân vận động để phục vụ cho World Cup 2030. Trong đó có sân Centenario, nơi diễn ra trận chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử. Ông Milad - chủ tịch LĐBĐ Chile cho biết mặc dù cơ sở hạ tầng tại Nam Mỹ không thể so sánh được với châu Âu song điều đó sẽ không cản trở các nước trong khu vực này nỗ lực cải thiện ngay từ giờ để đáp ứng các quy định của FIFA.
Kể từ World Cup 2026, FIFA nâng số đội dự vòng chung kết lên 48 đội và vòng bảng có đến 16 bảng đấu. Do vậy, rất ít các quốc gia đơn lẻ tổ chức riêng được một giải đòi hỏi nguồn lực hạ tầng lớn như vậy. Tại World Cup lần tới, giải cũng tiến hành trên 3 quốc gia là Mỹ, Mexico và Canada.
Dù ý nghĩa của 100 năm để đưa World Cup trở lại Nam Mỹ rất quan trọng nhưng dù sao thì nó chỉ nhận được sự tán thưởng của 10 LĐBĐ thành viên ở Nam Mỹ và cùng lắm là thêm các LĐBĐ Bắc Trung Mỹ. Còn nếu liên minh đăng cai World Cup 2030 với Ả Rập Saudi – Ai Cập – Hy Lạp thiết lập thành công thì họ sẽ nhận được hậu thuẫn từ châu Á, châu Phi và châu Âu. Đây có lẽ cũng là cách hay nhất để Ả Rập Saudi tìm cách đăng cai World Cup, nhất là sau bối cảnh giải năm nay tổ chức tại Qatar chịu nhiều chỉ trích về thời điểm tổ chức lẫn các vấn đề chính trị, văn hóa khác.
Nếu kế hoạch của Ả Rập Saudi thành công thì đây sẽ là lần đầu tiên VCK World Cup tổ chức trên các châu lục khác nhau. Trước đó, World Cup 2002 đã tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng đều thuộc châu Á. Tuy Ả Rập Saudi ở châu Á, Ai Cập ở châu Phi và hy Lạp ở châu Âu nhưng khoảng cách địa lý của 3 nước không quá chênh lệch , thậm chí World Cup tổ chức trên các quốc gia có lãnh thổ rộng lớn như Mỹ, Nga hay Brazil thì khoảng cách giữa các địa điểm đăng cai còn lớn hơn.