Anh Lê Xuân Diệu (sinh năm 1991, quê huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đang làm chủ nông trại sản xuất nấm đông trùng hạ thảo có quy mô sản xuất 100.000 hộp (mỗi hộp 180gr) đông trùng hạ thảo tươi mỗi tháng.
Khoa học - công nghệ

9X mày mò nghiên cứu, sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo

V.K.K - Bình Minh 12/10/2024 07:30

Anh Lê Xuân Diệu (sinh năm 1991, quê huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đang làm chủ nông trại sản xuất nấm đông trùng hạ thảo có quy mô sản xuất 100.000 hộp (mỗi hộp 180gr) đông trùng hạ thảo tươi mỗi tháng.

Điều đáng ghi nhận ở chàng trai trẻ 9X là vừa sản xuất anh vừa nghiên cứu lai tạo được nguồn giống, không ngừng cải tiến quy trình công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tự nghiên cứu thành công nguồn giống

dieu-1.jpg
Anh Lê Xuân Diệu với các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo - Ảnh: Bình Minh

Theo anh Diệu, để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, đầu tiên phải có được nguồn giống chất lượng tốt. Sau đó là tạo môi trường dinh dưỡng (phôi). Kế tiếp là nhân sinh khối để tăng mật độ giống gốc. Tiếp theo, cấy con giống vào phôi, rồi đưa vào ủ đông. Sau ủ đông thì đưa vào phòng nuôi trồng.

Với điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, oxy thích hợp, sau khoảng 60 ngày thì cây nấm phát triển hoàn chỉnh có thể thu hoạch. Sau khi thu hoạch, cây nấm có thể được bán để tiêu thụ dạng tươi như ăn lẩu, pha trà… nhưng chủ yếu vẫn là sấy khô (sấy thăng hoa) để có thể bảo quản, vận chuyển đi xa.

dieu-3.jpg
Kiểm tra nấm trong môi trường ủ đông - Ảnh: Bình Minh

“Cả quá trình sản xuất nấm sẽ chiếm khoảng 3 tháng. Trong các công đoạn này, con giống có chất lượng tốt quyết định đến 70% sự thành công, sau đó mới là yếu tố nhiệt độ, ánh sáng…”, anh Diệu nói về yếu tố quyết định sự thành công của sản xuất nấm đông trùng hạ thảo.

Do đó, đối với nguồn giống, trước đây anh chọn loại nhập khẩu về từ Nhật Bản. Sau nhiều năm vừa sản xuất vừa nghiên cứu, anh đã chọn lọc để tiến hành lai tạo cho ra nguồn con giống có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập. Do không phải nhập con giống từ hơn 1 năm nay nên chi phí giá thành giảm rất đáng kể. Điều đáng nói, chất lượng nấm của nông trại của anh Diệu rất đồng đều, có thể đạt đến 70% sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.

dieu-2.jpg
Đóng gói nấm đông trùng hạ thảo đã sấy khô - Ảnh: Bình Minh

Hiện nay, nông trại của anh Lê Xuân Diệu có nhiều sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo như: nấm tươi, nấm khô, rượu, trà thảo mộc, tổ yến chưng… Đặc biệt, sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi và đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa được UBND tỉnh Long An công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài ra, các sản phẩm tổ yến chưng với đông trùng, rượu đông trùng ngâm sâm Bố Chính, trà detox thảo mộc được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Anh Diệu cũng không ngừng nghiên cứu cải tiến công nghệ để nâng cao tỷ lệ thành công của quá trình sản xuất. Những ngày đầu, tỷ lệ nấm đạt chất lượng rất thấp. Mỗi hộp nấm tươi (khoảng 180gr) sau khi tách lấy cây nấm sấy khô chỉ cho ra được 3gr. Hiện nay, năng suất nấm khô từ mỗi hộp tươi đã tăng từ 3- 4 lần (khoảng 12 - 16gr).

dieu-5.jpg
Rượu đông trùng ngâm sâm Bố Chính từ cơ sở anh Lê Xuân Diệu - Ảnh: Bình Minh

Từ đây, giá thành của nấm đông trùng hạ thảo đã giảm đi rất nhiều so với mấy năm trước. Hiện, mỗi ký nấm khô giá chỉ còn từ 12 - 15 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 1/4 - 1/5 so với trước (khoảng 70 triệu đồng/kg). Do đó, nhiều người tiêu dùng có thu nhập trung bình cũng có thể tiếp cận mặt hàng từng rất cao cấp này.

Tâm huyết với nấm đông trùng hạ thảo

Kể về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Diệu cho biết anh quê huyện Bến Lức, tỉnh Long An; có chuyên môn ngành công nghệ sinh học. Năm 2014, anh biết đến nấm đông trùng hạ thảo nên vừa học anh vừa nghiên cứu về nấm này. Nhờ thầy cô giáo ở trường tận tình chỉ dẫn, cung cấp nguồn giống nên anh có thêm điều kiện nghiên cứu.

Đến năm 2017, anh đã nghiên cứu thành công trên phòng thí nghiệm. Trong 9 tháng liên tiếp sau đó, anh quyết tâm dồn lực vào nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm với chất lượng cao hơn và ổn định với 3 mặt hàng ban đầu là đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy khô và rượu đông trùng hạ thảo.

Khi có sản phẩm, anh chào hàng từ người thân quen đến đối tác mới gặp lần đầu và được mọi người đánh giá cao về sản phẩm. Khi đó, quy mô sản xuất của anh mới đạt 3.000 hộp tươi mỗi tháng. Từ năm 2020, anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất lên đến 100.000 hộp/tháng.

Hiện nay, cơ sở của anh Lê Xuân Diệu đi vào hoạt động ổn định, doanh thu từ 2 - 3 tỉ đồng/tháng, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động, trong đó tại tỉnh Long An là 30 người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
9X mày mò nghiên cứu, sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo