Đó là thông tin được TS.BS Lê Trần Quang Minh – Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) cho biết tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Bệnh viện tai Mũi Họng vào sáng nay (16.12).
Theo bác sĩ Minh trong khoảng 16 năm qua, Bệnh viện Tai Mũi Họng đã thực hiện cấy ốc tai điện tử đa kênh cho 300 bệnh nhân điếc, nghe kém, kết quả có đến 284 (chiếm 94,7%) trường hợp ốc tai trở lại bình thường, người bệnh nghe và giao tiếp bình thường.
“Các bệnh nhân trên sau 3 tháng đến 1 năm kể từ ngày cấy ốc tai điện tử đa kênh sẽ đạt được ngưỡng nghe trong vùng ngôn ngữ; còn sau 1 đến 2 năm bệnh nhân điếc sẽ giao tiếp một cách lưu loát”, bác sĩ Minh cho hay.
Đối với những trường hợp trẻ nghe kém bẩm sinh (điếc trước ngôn ngữ) theo đánh giá của bác sĩ Minh khi thực hiện cấy ốc tai điện tử đa kênh sau khoảng 2 đến 3 năm tiến hành trị liệu ngôn ngữ thì hầu hết các em có thể giao tiếp tốt và hòa nhập được với các trường học cho trẻ bình thường.
“Phần lớn các trẻ bị điếc, câm bẩm sinh là do không nghe được. Khi giúp trẻ nghe được thì trẻ sẽ bước vào hòa nhập với cuộc sống bình thường, đi học và theo học các trường bình thường như mọi trẻ khác”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đánh giá cao thành tựu mà tập thể đội ngũ cán bộ nhân viên Bệnh viện Tai Mũi Họng đã đạt được trong 30 năm qua. Đặc biệt đánh giá cao kỹ thuật cấy ốc tai điện tử, không chỉ giúp bệnh nhân trở lại nghe bình thường mà còn có một ý nghĩa nhân văn.
“Đây là một kỹ thuật cần được nhân rộng và phát triển hơn nữa để giúp cho những người câm điếc trở lại hòa nhập với cuộc sống bình thường”, bà Thu đề nghị.
Hồ Quang