Tính bền vững (tốt cho môi trường) đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong đánh giá thiết bị điện tử trong vài năm gần đây.

3 tiến bộ ‘xanh’ trong công nghệ

Cẩm Bình | 31/12/2021, 11:00

Tính bền vững (tốt cho môi trường) đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong đánh giá thiết bị điện tử trong vài năm gần đây.

Ở phương diện trên, không ít hãng công nghệ đã đạt tiến bộ đáng kể khi ngày càng nhiều sản phẩm dùng vật liệu tái chế. Chẳng hạn toàn bộ iPad và máy tính của Apple cũng như điện thoại thông minh Pixel 6 của Google đều dùng nhôm tái chế, loạt thiết bị mang thương hiệu riêng của Amazon như máy tính bảng Fire HD 10 hay loa Echo, chuột máy tính Ocean Plastic của Microsoft, bàn tính MX Keys Mini của Logitech sử dụng nhựa tái chế.

Ngoài ra, các hãng còn tung ra dịch vụ thu thiết bị cũ - kể cả sản phẩm mua từ bên thứ 3 - khi người dùng mua thiết bị mới. Tiến bộ này đạt được nhờ nhận thức của người dùng nâng cao kết hợp với sức ép từ nhà đầu tư.

Một vài đơn vị lớn như Apple, Microsoft, Google chấp nhận công bố đánh giá tác động môi trường, nhưng không phải với tất cả sản phẩm và thường công bố khá hạn chế.

3tpixel6.jpg
Nhiều thiết bị sử dụng vật liệu tái chế - Ảnh: The Verge

Cải thiện hỗ trợ phần mềm

Việc sử dụng thiết bị lâu hơn thay vì thường xuyên đổi thiết bị mới tốt cho ví tiền người dùng lẫn cho môi trường. Phương diện này cũng đạt tiến bộ.

Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến thời gian sử dụng điện thoại thông minh là hỗ trợ phần mềm hết hạn. Việc kết thúc cập nhật bảo mật khiến thiết bị không an toàn khi sử dụng, một số đơn vị - chẳng hạn Oppo - chỉ cung cấp cập nhật trong 2-3 năm.

Nhưng không ít đơn vị khác đã học theo chính sách cho phép cập nhật iPhone trong 5-7 năm của Apple: Samsung mở rộng thời gian cập nhật cho vài sản phẩm lên ít nhất 4 năm, Google cam kết cho phép Pixel 6 cập nhật ít nhất 5 năm.

3tiphone-ios-15-2-update-hero.jpg
Hỗ trợ cập nhật lâu hơn có lợi cho ví tiền người dùng lẫn cho môi trường - Ảnh: Tech Crunch

Sửa chữa và bán lại

Khả năng sửa chữa của thiết bị điện tử tiêu dùng cũng đang dần cải thiện. Hãng điện thoại Hà Lan Fairphone ra mắt sản phẩm có thể được sửa chữa tại nhà chỉ với một tua vít. Điện thoại Fairphone 4 dùng nhiều vật liệu tái chế, tháo lắp dễ dàng với hỗ trợ phần mềm 6-7 năm. Công ty khởi nghiệp Framework của Mỹ cũng thử nghiệm máy tính xách tay có thể tháo lắp tự sửa chữa.

3t3021_wired_phonehero_vtoo.jpeg
Điện thoại Fairphone 4 dễ dàng tháo lắp - Ảnh: Getty Images

Trước áp lực từ công chúng lẫn cổ đông, Apple và Microsoft gần đây đã tăng cường nỗ lực sản xuất linh kiện cùng công cụ cho phép người dùng tự sửa chữa. Kyle Wiens - giám đốc điều hành trang thương mại điện tử về sửa chữa thiết bị công nghệ iFixit - cho biết: “Chúng tôi đã thấy thay đổi từ những nhà sản xuất lớn, chẳng hạn Microsoft thiết kế lại máy tính Surface để chúng dễ sửa chữa hơn. Tuy nhiên vài đơn vị khác như Samsung lại hành động rất ít. Chúng ta còn một chặng đường dài phía trước”.

Tuy một số “ông lớn” sẵn sàng thay đổi, các hãng nhỏ hơn vẫn chưa theo kịp. Ông Wiens nhận định sản phẩm rẻ tiền dùng một lần mới là vấn đề thực sự. Nhiều thiết bị nhỏ như tai nghe hay thiết bị đeo rất khó sửa chữa và chứa pin không thay được.

Một tin tốt nữa là khả năng tiếp cận thiết bị cũ chất lượng tốt (được tân trang ngày càng tốt hơn) cũng cải thiện. Cùng với việc sửa chữa dễ dàng hơn và thời gian hỗ trợ phầm mềm dài hơn, vòng đời thiết bị đã tăng lên đáng kể.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 tiến bộ ‘xanh’ trong công nghệ