Thủ tướng Anh - Boris Johnson hôm 29.12 cảnh báo rằng phần lớn bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc đặc biệt chưa tiêm mũi vắc xin tăng cường.

Thủ tướng Anh: 90% F0 được chăm sóc đặc biệt chưa tiêm mũi vắc xin thứ 3

Sơn Vân | 29/12/2021, 20:55

Thủ tướng Anh - Boris Johnson hôm 29.12 cảnh báo rằng phần lớn bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc đặc biệt chưa tiêm mũi vắc xin tăng cường.

Khi đến thăm trung tâm vắc xin ở khu định cư Milton Keynes, hạt Buckinghamshire (Anh), Boris Johnson nói ông đã được một số bác sĩ thông báo có tới 90% bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt chưa tiêm mũi vắc xin tăng cường.

"Tôi rất tiếc phải nói điều này, nhưng phần lớn những người đang phải chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện là những người chưa nhận mũi vắc xin tăng cường. Tôi đã nói chuyện với các bác sĩ. Họ nói rằng con số lên đến 90%", Thủ tướng Anh chia sẻ.

Hôm 28.12, Anh ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục (129.471), chủ yếu do biến thể Omicron gây ra. Có thông tin nhiều người phải tranh giành để được xét nghiệm COVID-19.

Số liệu nhập viện hàng ngày do COVID-19 ở Anh đã tăng lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng mà các bệnh viện phải trải qua hồi đầu năm nay. Khoảng 1.000 người đang nhập viện hàng ngày do COVID-19 so với 4.000 vào tháng 1.2021.

Ông Boris Johnson nói: “Biến thể Omicron tiếp tục gây ra những vấn đề thực sự. Bạn đang thấy các ca COVID-19 gia tăng trong bệnh viện, nhưng dường như gây bệnh nhẹ hơn so với Delta”.

thu-tuong-anh-90-f0-duoc-cham-soc-dac-biet-chua-tiem-mui-vac-xin-thu-3.jpg
Thủ tướng Boris Johnson trong chuyến thăm trung tâm tiêm vắc xin COVID-19 trong khuôn viên Đại học Mở ở Milton Keynes - Ảnh: Getty 

Thủ tướng Boris Johnson nói thêm rằng người dân nên ăn mừng đêm giao thừa một cách thận trọng sau khi ông quyết định không đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế sự lây lan của vi rút.

"Nếu không tiêm vắc xin COVID-19, bạn có khả năng phải nhập viện cao gấp 8 lần. Vì vậy, đó là điều nên làm. Nó rất quan trọng. Tôi nghĩ mọi người nên tận hưởng năm mới nhưng một cách thận trọng và hợp lý. Hãy xét nghiệm, nghĩ về thông gió, nghĩ về những người khác nhưng trên tất cả, hãy nhận mũi vắc xin tăng cường", ông nói.

Gần 90% dân số Anh từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên nhưng chỉ 56,9% nhận mũi thứ ba. Chính phủ Anh đã nhắn tin kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường ngay bây giờ và nhấn mạnh các nơi có sẵn vắc xin trong thời gian lễ hội.

Tuy nhiên, chính phủ đã ngừng cung cấp hộ chiếu vắc xin ở Anh, thay vào đó giới thiệu thẻ COVID-19 cho phép mọi người tùy chọn xuất trình bằng chứng nhận tiêm vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính gần đây để vào một số địa điểm lớn trong nhà.

Số ca mắc COVID-19 trung bình hàng ngày ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục

Số ca mắc COVID-19 trung bình hàng ngày ở Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong 1 tuần qua (258.312), theo một cuộc kiểm kê của Reuters. Số ca COVID-19 trung bình trong 1 tuần cao nhất trước đó ở Mỹ là 250.141, được ghi nhận vào ngày 8.1.

Các bang Mỹ có số ca COVID-19 hàng ngày cao nhất gồm New York (40.780), California (hơn 30.000), Texas (hơn 17.000) và Ohio (hơn 15.000).

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Omicron được ước tính chiếm 58,6% ca COVID-19 đang lưu hành ở nước này tính đến ngày 25.12.

Trong nỗ lực để ngăn chặn tình trạng thiếu lao động hàng loạt trong bùng dịch mới, CDC hôm 27.12 đã cắt giảm thời gian cách ly với các trường hợp không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày.

Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch với 54.148.544 ca mắc COVID-19 và 842.161 người chết đến nay.

Hôm 28.12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng biến thể Omicron có thể dẫn đến quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe dù các nghiên cứu ban đầu cho thấy nó có thể gây bệnh nhẹ hơn.

Sự phát triển nhanh chóng của Omicron... ngay cả khi kết hợp với căn bệnh nhẹ hơn một chút, vẫn sẽ dẫn đến số lượng lớn trường hợp nhập viện, đặc biệt là ở các nhóm chưa được tiêm vắc xin, gây ra gián đoạn rộng rãi cho hệ thống y tế và các dịch vụ quan trọng khác”, Catherine Smallwood, Giám đốc phụ trách về COVID-19 của WHO ở châu Âu, cảnh báo.

Để kìm hãm đợt bùng phát dịch do Omicron, các quốc gia châu Âu đã đưa ra biện pháp có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội.

Đối mặt với tình trạng mắc COVID-19 cao kỷ lục, Pháp kêu gọi chủ doanh nghiệp yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà 3 ngày một tuần nếu có thể.

Thụy Điển và Phần Lan yêu cầu xét nghiệm âm tính với những khách du lịch không cư trú từ 28.12, một ngày sau khi Đan Mạch (quốc gia hiện có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trên đầu người cao nhất thế giới) áp dụng biện pháp tương tự.

Ngoài xung đột xã hội, đại dịch COVID-19 tác động xấu đến nền kinh tế, đặc biệt là với lĩnh vực du lịch. Hơn 11.500 chuyến bay đã bị hủy trên toàn thế giới kể từ 24.12 và hàng chục ngàn chuyến khác bị hoãn, vào một trong những khoảng thời gian du lịch bận rộn nhất năm. Nhiều hãng hàng không đã đổ lỗi cho tình trạng thiếu nhân sự do số ca nhiễm Omicron tăng đột biến.

Bài liên quan
 Trung Quốc kín tiếng về số ca nhiễm Omicron gia tăng, người dân Tây An trải qua 6 ngày bị cấm rời nhà
Trung Quốc đưa thêm hàng trăm ngàn người ở thành phố Tây An vào diện cách ly khi số ca COVID-19 trong cộng đồng tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Anh: 90% F0 được chăm sóc đặc biệt chưa tiêm mũi vắc xin thứ 3