Ngày 5.6.2017, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã có văn bản số 181/BTV-LĐLSVN gửi Quốc hội góp ý về khoản 3 Điều 19 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015).

2 phương án nào được LĐ luật sư VN đề xuất với Quốc hội về khoản 3 Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự?

1 | 09/06/2017, 10:24

Ngày 5.6.2017, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã có văn bản số 181/BTV-LĐLSVN gửi Quốc hội góp ý về khoản 3 Điều 19 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015).

Đây là những nội dung đã được LĐLSVN thảo luận, thống nhất trên cơ sở tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và nhiều Đoàn luật sư địa phương. Theo đó, LĐLSVN đã nêu quan điểm và đề nghị hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

Phương án thứ nhất: Sửa lại nội dung quy định về khoản 3 Điều 19 trong dự thảo. Cụ thể như sau:

“3. Người bào chữa chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tiết lộ thông tin tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại các Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc), Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 112 (Tội bạo loạn), Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) và tội giết người quy định tại Điều 123 của Bộ luật này khi có căn cứ rõ ràng cho thấy tội phạm đó đang thực hiện hoặc đang chuẩn bị thực hiện.”

Sở dĩ đề xuất như vậy, bởi theo LĐLSVN thì:

Thứ nhất, Dự thảo Luật quy định, người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 do người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện là không phù hợp. Bởi các trường hợp này tội phạm đã được thực hiện, hậu quả đã xảy ra, việc luật sư có tố giác tội phạm cũng không ngăn chặn được hậu quả của tội phạm. Còn nếu xác định trách nhiệm phát hiện tội phạm là nghĩa vụ của luật sư thì không phù hợp, vì luật sư đang làm bổn phận của người bào chữa gỡ tội.

Thứ hai, Phạm vi các tội danh trong dự thảo Luật quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 BLHS số 100/2015/QH13 là quá rộng, trong đó có rất nhiều tội phạm thuộc trường hợp bào chữa chỉ định (với mức án từ 20 năm tù trở lên), không phù hợp với đặc thù của nghề luật sư, vì những trường hợp này sẽ đặt luật sư vào tình thế vừa tố giác tội phạm lại vừa bào chữa gỡ tội.

Thứ ba, Theo thông lệ quốc tế về pháp luật hình sự và quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, họ rất cân nhắc sử dụng cụm từ “tố giác tội phạm” đối với luật sư mà thường dùng cụm từ “tiết lộ thông tin tội phạm” cho các cơ quan có thẩm quyền. Điều này không chỉ hiểu là nghĩa vụ của luật sư mà còn có thể hiểu là “quyền được vi phạm nghĩa vụ bảo mật của luật sư” để ngăn chặn kịp thời các tội phạm đang thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện là cần thiết. Tuy vậy, luật sư cũng cần nhận thức rằng, đối với một số tội phạm đang thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện trực tiếp đe dọa đến sự an nguy độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và sinh mạng con người thì với trách nhiệm công dân cũng cần thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn không để cho hậu quả có thể xẩy ra.

Từ các lý do trên, quan điểm của LĐLSVN là cần giới hạn lại phạm vi về các tội mà luật sư phải tiết lộ thông tin với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phù hợp với thực tế hành nghề luật sư và thông lệ quốc tế.

Qua rà soát, đánh giá từng tội danh quy định tại chương XIII “Các tội xâm phạm an ninh Quốc gia” và các tội quy định trong Điều 389 BLHS năm 2015, LĐLSVN nhận thấy chỉ có 05 tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các Điều 108 (Tội phản bội Tổ quốc), Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 112 (Tội bạo loạn), Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) và Điều 123 (Giết người). Nếu những tội phạm này đang được thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện trực tiếp đe dọa đến sự an nguy độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và tính mạng con người thì với trách nhiệm công dân cũng cần quy định như là một ngoại lệ luật sư có trách nhiệm thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn không để cho hậu quả có thể xảy ra.

Phương án thứ hai: Loại bỏ khoản 3 Điều 19 ra khỏi dự thảo BLHS 2015.

Lý do đề xuất phương án này, theo LĐLSVN là bởi, nếu giữ nguyên như dự thảo sẽ tạo ra xung đột trong các quy định pháp luật, không phù hợp với thông lệ quốc tế, không phù hợp với chức năng của luật sư bào chữa. Cụ thể:

Thứ nhất, Quy định tại khoản 3 Điều 19 BLHS số 100/2015/QH13 của dự thảo sẽ tạo ra sự xung đột pháp luật với quy định tại điểm g khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa: “g) Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Nếu không bỏ khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 thì phải sửa quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Điều này làm giảm đi tính khả thi của quá trình thi hành pháp luật trong xã hội do Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự vừa được thông qua, chưa thực hiện đã phải sửa cho phù hợp với Bộ luật hình sự.

Thứ hai, Không phù hợp với thông lệ quốc tế quy định về luật sư phải có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng, đồng thời không bảo đảm quyền bào chữa, nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Điều này ảnh hưởng đến quá trình hội nhập tư pháp quốc tế và đi ngược lại các thông lệ quốc tế với việc quy định trong BLHS số 100/2015/QH13 luật sư phải tố giác thân chủ của mình phạm tội.

Thứ ba, Không phù hợp với chức năng của luật sư bào chữa là gỡ tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng của mình. Nếu luật sư biết được thông tin của khách hàng mà mình nhận bào chữa lại đi “tố giác” chính khách hàng của mình thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nghề luật sư, sự tin cậy của khách hàng và thân nhân của họ cũng như niềm tin về khả năng tiếp cận công lý, công bằng trong hoạt động tư pháp sẽ bị suy giảm. Điều đó là trái với Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, có thể dẫn đến vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.

B.H (Luật sư VN)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 phương án nào được LĐ luật sư VN đề xuất với Quốc hội về khoản 3 Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự?