Chuyên gia cho rằng giá nông sản xuất khẩu Việt Nam tăng cao ở những tháng đầu năm 2024 là cơ hội vàng cho sản xuất nông nghiệp.
Thị trường và chính sách

Xuất khẩu nông sản tăng mạnh là 'cơ hội vàng' cho sản xuất nông nghiệp

Lam Thanh 05/07/2024 12:50

Chuyên gia cho rằng giá nông sản xuất khẩu Việt Nam tăng cao ở những tháng đầu năm 2024 là cơ hội vàng cho sản xuất nông nghiệp.

Xuất khẩu nông sản được giá

Xuất khẩu nông sản là thế mạnh của kinh tế Việt Nam. 6 tháng đầu 2024, nhiều báo cáo cho thấy giá xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước tăng cao.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy giá bán hầu hết sản phẩm cây ăn quả tăng, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá cam, quýt, cây có múi tăng 5,03%; giá nhãn, vải, chôm chôm tăng 8,98%...

Tổng giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,43 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ (chỉ số giá xuất khẩu hàng rau quả bình quân 6 tháng cũng tăng 1,97% so với cùng kỳ năm 2023).

Ví dụ, cây sầu riêng năm nay sản lượng tăng mạnh (20,3%) lại có giá ở mức khá cao. Đơn cử tại Tiền Giang, từ cuối tháng 3.2024 là vào kỳ thu hoạch chính thì thời điểm đầu mùa, sầu riêng thu mua tại vườn đã có giá từ 140.000 - 215.000 đồng/kg.

Đối với ngành hàng cà phê, xuất khẩu của Việt Nam trong cả quý 2/2024 sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu thế giới tăng cao. Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) dự báo tiêu thụ cà phê niên vụ 2023/2024 sẽ tăng 2,2% so với niên vụ 2022/2023, đạt 117 triệu bao.

nong-san-1.jpg
Xuất khẩu nông sản tăng mạnh

Đáng chú ý, giá bán gạo Việt Nam cũng ở mức cao, trung bình gần 650 USD/tấn. Mặt khác, thị trường xuất khẩu gạo cũng dần rộng mở hơn, không chỉ tập trung vào các nước truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia mà đã thâm nhập ngày càng sâu vào thị trường EU, Mỹ và các thị trường châu Á khác.

Ví dụ như tại Singapore, trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường này trong giai đoạn gần đây. Ngoài ra, sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được đón nhận tích cực từ thị trường châu Âu, châu Mỹ. Năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 64 triệu USD, tăng 50%.

Có thể thấy, khác với tình trạng trước đây thường là “được mùa thì mất giá”, trong 6 tháng đầu năm nay nhiều sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp “được cả mùa và giá”, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thu nhập của người sản xuất.

Cơ hội vàng cho sản xuất nông nghiệp

PGS-TS Lê Văn Ái cho rằng giá nông sản xuất khẩu Việt Nam tăng cao ở những tháng đầu năm 2024 là cơ hội vàng cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để nắm bắt, duy trì được cơ hội vàng đó ở những tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, đòi hỏi hoạt động xuất khẩu nông sản phải vượt qua được nhiều thách thức vốn đã tồn tại khá lâu ở các nước nhập khẩu nông sản.

Theo ông Ái, cần thực hiện đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Ngoài ra, thực hiện nghiên túc truy xuất nguồn gốc nông sản xuất khẩu, bởi truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng quyết định nông sản có thể tham gia vào chuỗi liên kết, cung ứng nông sản an toàn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Từ đó, tạo ra niềm tin tiêu dùng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

“Điều quan trọng để thực hiện nghiêm túc, có kết quả việc truy xuất nguồn gốc nông sản xuất khẩu là phải xây dựng và thực hiện cấp mã vùng trồng trọt, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời các cơ quan chức năng có kế hoạch và tổ chức thực hiện mã vùng trồng trọt, mã số cơ sở đóng gói một cách nghiêm túc”, ông Ái nêu.

ai-1.jpg
PGS-TS Lê Văn Ái, nguyên giảng viên Học viện Tài chính

Ông Ái cũng nhấn mạnh một vấn đề quan trọng là cần xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu.

Tuy vậy, theo ông, chủ trương xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết, chiến lược ở cấp quốc gia và chương trình, đề án ở cấp bộ, ngành nhưng thực tế triển khai vẫn còn những vướng mắc, bất cập, nhất là vấn đề kinh phí xây dựng và tổ chức thực hiên.

Để hiện thực hóa xây dựng và tổ chức thực hiện thương hiệu nông sản Việt Nam, ông Ái cho rằng Chính phủ cần có nghị định về thương hiệu nông sản, trong đó tập trung vào xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thương hiệu nông sản.

Ví dụ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu trong và ngoài nước; chính sách hỗ trợ các hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu nông sản. Hỗ trợ, nâng cao năng lực các hiệp hội trong xây dựng, quản trị và bảo vệ thương hiệu nông sản cấp quốc gia. Hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.

Logistics phải thành điểm tựa cho nông sản xuất khẩu

Chuyên gia Lê Văn Ái cũng đề nghị đưa logistics trở thành điểm tựa cho nông sản xuất khẩu. Làm tốt logistics chính là bảo đảm cho nông sản đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất.

“Đối với ngành nông nghiệp, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng và được xác định là lực đẩy để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay logistics nông sản tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, chính sách, đặc biệt là vấn đề thiếu chuỗi cung ứng nông sản để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu”, ông Ái nêu và nhấn mạnh chính điều này dẫn tới tỷ lệ hao hụt nông, thủy sản trong quá trình vận chuyển, xử lý và bảo quản lớn.

ai-3.jpg
Cần chú trọng mạng lưới hạ tầng logistics

Theo đó, để đưa logistics vào nông sản xuất khẩu cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics và đầu tư hạ tầng vận tải kết nối đầu nguồn thu hoạch - hạ tầng trung tâm logistics phục vụ nông sản; chú trọng đến ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chuỗi logistics để rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các đường cao tốc, quốc lộ…

“Dù các các giải pháp ở tầm nào đều hướng tới việc nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam để thỏa mãn yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng ở các nước. Có như vậy mới có thể giữ cơ hội vàng về giá xuất khẩu nông sản Việt Nam ở những tháng đầu năm 2024”, ông Ái chia sẻ.

Bài liên quan
Tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm nghẽn
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nhiều tiềm năng, cần nguồn vốn đầu tư lớn trên đường phát triển, tuy nhiên tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu nông sản tăng mạnh là 'cơ hội vàng' cho sản xuất nông nghiệp