Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT từng cảnh báo về sự phát triển nóng của cây sầu riêng ở Tây Nguyên và ĐBSCL: “Không nên tự phát mở rộng diện tích sầu riêng”.

Xuất khẩu nông sản ĐBSCL - Bài 2: Sầu riêng được giá cao, vừa mừng vừa lo

Văn Kim Khanh | 02/04/2023, 10:00

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT từng cảnh báo về sự phát triển nóng của cây sầu riêng ở Tây Nguyên và ĐBSCL: “Không nên tự phát mở rộng diện tích sầu riêng”.

z4137355387642_1bf564bcc4a7aca6fcba6bd8d4010e1b.jpg
Cần Thơ là một trong những địa phương tăng nhanh diện tích sầu riêng - Ảnh: LHV

Theo ông Nguyễn Như Cường, trong đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, Bộ NN-PTNT định hướng cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000 - 950.000 tấn. Tuy nhiên hiện nay, diện tích sầu riêng cả nước đã khoảng 110.000ha, vượt 35.000ha so với định hướng. Nguyên nhân diện tích sầu riêng tăng đột biến là Việt Nam được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Giá sầu riêng xuất khẩu tăng gấp 3 - 4 lần so với bán trong nước. Điều này làm cho nhiều người lên vườn trồng sầu riêng, chặt bỏ những cây trồng khác, đầu tư trồng sầu riêng.

ri-6.jpeg
Giá sầu riêng hiện nay hấp dẫn nông dân, vì vậy diện tích sầu riêng tăng nóng - Ảnh: L.H.V

Tại Cần Thơ, diện tích sầu riêng tăng rất nhanh. Năm 2015 diện tích sầu riêng của Cần Thơ là 537ha, nay đã lên gần 3.000ha. Vùng trồng tập trung ở 3 địa phương: Huyện Phong Điền, huyện Thới Lai và quận Ô Môn. Sầu riêng vẫn là cây trồng được người dân Cần Thơ ưu tiên lựa chọn, phần lớn là giống Ri 6.

Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Trường Phát, ông Lưu Văn Thương cho biết hiện HTX có 20 hội viên, tổng diện tích sầu riêng khoảng 30ha. HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn với giá thu mua từ bằng đến cao hơn giá thị trường. Sầu riêng xuất khẩu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn của Chi cục Bảo vệ thực vật, cách ly theo đúng thời hạn để bảo đảm an toàn thực phẩm. Các thành viên của HTX đã qua những khóa đào tạo và nắm được kỹ năng kiểm soát chi phí sản xuất và xuất khẩu.

Cần Thơ làm được điều này nghe ra phấn khởi nhưng nghĩ sâu thì cũng đáng lo. Toàn TP.Cần Thơ có 3.000ha sầu riêng, nhưng mới có 30ha được bao tiêu sản phẩm xuất khẩu, con số chỉ đạt 1% diện tích sầu riêng của Cần Thơ hiện nay. Tuy nhiên, đây là bước khởi đầu cho các xã viên HTX làm việc theo sự vận hành của nông nghiệp hiện đại và kinh tế thị trường.

Tiền Giang là tỉnh trồng nhiều sầu riêng nhất ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết hiện nay diện tích sầu riêng của tỉnh lên đến 17.655ha, trong đó diện tích sầu riêng đã cho sản phẩm hơn 10.000ha, sản lượng hiện khoảng 290.597 tấn/năm. Trong mấy tháng qua, giá sầu riêng tăng mạnh, một phần do xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, phần còn lại tiêu thụ nội địa. Người trồng sầu riêng ở Tiền Giang được hưởng lợi nhờ giá sầu riêng tăng cao.

Từ lâu, sầu riêng Ngũ Hiệp (H.Cai Lậy) được nhiều người biết đến, nhiều nhà vườn ở đây làm giàu từ trồng sầu riêng. Ông Dương Văn Đây ở ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp, một lão nông trồng sầu riêng cho biết: “Tôi trồng 2,7ha sầu riêng. Sầu riêng của tôi là giống Monthong, vườn cây nay đã được 15 năm. Với sầu riêng, tuổi 15 là tuổi cây đang sung sức. Tháng 2 vừa qua, tôi bán 8 tấn sầu riêng Monthong, bán mão cho thương lái đóng hàng xuất khẩu đi Trung Quốc. Giá bán 78.000 đồng/kg, thu được hơn 600 triệu đồng. Với giá này, nếu làm bông cho trái và đầu tư cho đúng mức, một năm thu lãi 1ha sầu riêng khoảng 1 tỉ đồng. Đó là số tiền lãi tính khiêm tốn”.

z4137354586710_9e124d98358a2daacd3e3e316fca37c3.jpg
Sầu riêng Ngũ Hiệp (tỉnh Tiền Giang) - Ảnh: Mỹ Tho

Chính vì lợi nhuận hấp dẫn như vậy nên người dân ĐBSCL đang đua nhau trồng sầu riêng, bất chấp cảnh báo của ngành NN-PTNT.

Tại ĐBSCL hiện nay, theo số liệu thống kê của các tỉnh, diện tích trồng sầu riêng tăng rất mạnh. Tỉnh Bến Tre có 2.500ha, trong đó có 1.700ha đang cho trái. Tỉnh Vĩnh Long có khoảng 3.500ha sầu riêng, trong đó 70% diện tích đang cho trái. Tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 2.380ha sầu riêng, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Tháp Mười, gần 70% diện tích đang cho trái. Tỉnh Sóc Trăng hiện có 1.250ha sầu riêng. Các tỉnh như Hậu Giang, An Giang, Long An diện tích trồng sầu riêng không nhiều bằng các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu.

thu-hoach-sau-rieng-mua-dich-my-tho.jpg
Sầu riêng xuất khẩu giá cao đang được dư luận quan tâm - Ảnh: M.T

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, nhiều địa phương ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế, chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng.

Trước sự phát triển bất thường diện tích sầu riêng, ngày 23.2, Cục Trồng trọt có công văn về việc phát triển cây sầu riêng tại các tỉnh thành phía nam. Công văn nhấn mạnh: ngày 30.11.2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Tuy nhiên, hiện nay tại các địa phương thuộc vùng ÐBSCL, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên cây sầu riêng vẫn đang phát triển nóng, mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng... Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.

z4194356984634_43689eaeeeb749d1cfcb5f2526b58e66.jpg
Nhiều vườn sầu riêng được đầu tư mạnh ven sông Tiền, sông Hậu - Ảnh: Mỹ Tho

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, tập trung tuyên truyền để người dân nhận thức về việc phát triển cây trồng theo định hướng của ngành nông nghiệp. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý. Cần tổ chức lại sản xuất, liên kết, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu nông sản ĐBSCL - Bài 2: Sầu riêng được giá cao, vừa mừng vừa lo