Sự xuất hiện của các nhà đầu tư Thái Lan và tình trạng thừa cung... đang trở thành áp lực lớn, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xi măng trên sân nhà.

Xi măng VN bế tắc trước sự hiện diện của doanh nghiệp Thái Lan

tuyetnhung | 21/08/2017, 13:46

Sự xuất hiện của các nhà đầu tư Thái Lan và tình trạng thừa cung... đang trở thành áp lực lớn, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xi măng trên sân nhà.

Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa đưa ra dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2017 với triển vọng không mấy khả quan.

Cụ thể, Tổng công ty cho biết thị trường xi măng trong khu vực hiện đang tăng cung do tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm, tình trạng dư thừa sắt thép, xi măng, bất động sản... dẫn đến đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker ra thế giới và khu vực.

Trong khi đó, Indonesia, Bangladesh có nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động, thị trường Phillipine tăng trưởng nóng nhưng đầy rủi ro... khiến giá xuất khẩu clinker và xi măng trong nước năm 2017 khó có thể tăng hơn 2016, thậm chí có thể giảm 27-28 USD/tấn clinker. Mức giảm này sẽ khiến cho doanh nghiệp không có lợi nhuận khi xuất khẩu.

"Chính vì vậy, khả năng cao là xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước tiếp tục đà suy giảm. Điều này thực sự tăng sức ép cho các doanh nghiệp trong ngành", Vicem cho biết.

Đáng chú ý, trong dự báo nàyVicem nhấn mạnh sự xâm nhập của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Thái Lan như: Siam Cement Group (SCG), Siam City Cement (SCC)... đã và đang mua nhiều nhà máy của Việt Nam như: Xi măng Sông Gianh, Holcim Việt Nam... và mở rộng hệ thống phân phối, thị trường bán lẻ, bê tông tươi ở Việt Nam...

Đây thực sự trở thành một áp lực lớn đối với Vicem và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xi măng, bê tông, vật liệu xây dựng của Việt Nam. Ngoài ra, chênh lệch tỷ giá các khoản vay USD, Eur... cũng ảnh hưởng lớn tới tình hình tài chính và xuất khẩu của Vicem.

Trước những khó khăn trên, Vicem dự kiến năm nay sẽ sản xuất clinker 19.728 tấn, xi măng 24.797, tiêu thụ 2 sản phẩm này là 27.163 tấn. Tổng doanh thu là 38.178 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt vỏn vẹn 2.656 tỉ đồng.

Tình trạng thừa cung tại thị trường xi măng Việt Nam đã manh nha từ những năm 2010, và ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối đối với doanh nghiệp kinh doanh.

Tính chung 6 tháng đầu năm, có đến 7/9 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh ghi nhận tăng trưởng âm, 1 doanh nghiệp báo lỗ và chỉ có 1 đơn vị tăng trưởng so với cùng kỳ. Điều đặc biệt là, hầu hết doanh nghiệp giảm lãi đều xuất thân từ Vicem.

Giới chuyên gia đánh giá sự thất bại của doanh nghiệp xi măng trong nước là bắt nguồn từ việc quy hoạch chưa hiệu quả, công nghệ lạc hậu khiến giá trị khấu hao lớn, đồng thời không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ.

Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu đối với xi măng hiện đạt 5% là mức khá cao, khiến sản phẩm xi măng Việt Nam có giá cao hơn so với sản phẩm từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan...

Mới đây, theo Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 có hiệu lực từ ngày 1.7.2017 thìthuế suất thuế tài nguyên tăng. Kết quả là, khó khăn chồng chất khó khăn, nửa đầu năm 2017 nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận tăng trưởng âm.

Đưa ra báo cáo tổng quan về ngành xi măng trong quý 3/2017 mới đây, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BSI) nhận định thị trường tiêu thụ xi măng chưa có tín hiệu khả quan. Theo đó, xuất khẩu xi măng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quy định về thuế.

Trước bối cảnh trên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới đây đã đề xuất giảm thuế để giải cứu cho xi măng thừa. Cụ thể, Bộ này đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét, báo cáo Chính phủ giảm thuế xuất khẩu xi măng xuống thấp hơn mức 5% đang áp dụng, và cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào với ngành sản xuất chế biến nguyên liệu từ khoáng sản.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xi măng VN bế tắc trước sự hiện diện của doanh nghiệp Thái Lan