Sáng 20.6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Xây dựng cơ sở xã, phường là những 'pháo đài' về an ninh trật tự

TTXVN | 20/06/2023, 15:46

Sáng 20.6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cần có cơ chế để huy động toàn bộ hệ thống tham gia

Chú thích ảnh
Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu - Ảnh: TTXVN

Tán thành sự cần thiết ban hành luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, việc xây dựng lực lượng công an nhân dân đã được thực hiện theo hướng "bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở".

Từ năm 2018, Bộ Công an phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện đưa công an chính quy về các xã, đảm bảo hoạt động của lực lượng này đi vào chính quy, hiện đại, thống nhất, hiệu quả, khắc phục tình trạng công chức cấp xã giữ chức danh trưởng công an lại không phải công an chính quy như trước đây.  

Trước diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp của tình hình an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu Đồng mong muốn các vụ việc cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội.

Theo đại biểu Đồng, mặc dù lực lượng công an chính quy hiện cơ bản triển khai ở các xã, phường, thị trấn nhưng vẫn cần sự tham gia của quần chúng nhân dân ở cơ sở, nhất là đội ngũ bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách.

Vì vậy, để bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đạt hiệu quả tốt, cần có luật thống nhất các quy định về xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, luật cần quy định rõ, cụ thể vấn đề biên chế, ngân sách cũng như vị trí, chức năng, địa vị pháp lý đối với lực lượng này; từ đó làm căn cứ cho việc xác định chức năng, nhiệm vụ tổ chức, bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại biểu Đồng đề nghị chú ý đến những người tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, nếu thành lập tổ tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại thôn, tổ dân phố hoặc tại cấp huyện - nơi không có tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, lực lượng tham gia cần được quy định về chế độ, chính sách và các hệ thống bảo vệ an ninh trật tự.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho rằng việc thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở không phải là mới, chỉ là tổ chức lại các lực lượng hiện có, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện có; cần có cơ chế để huy động toàn bộ hệ thống tham gia thực hiện nhiệm vụ này.

Phân tích tỷ lệ dân số/cảnh sát của nhiều nước trên thế giới, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng khái niệm công an rộng hơn khái niệm cảnh sát. Cảnh sát các nước chỉ làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm, không bao gồm an ninh, phòng cháy chữa cháy, cảnh vệ, quản lý giam giữ… "Trong khi đó, Hà Nội có tỷ lệ 500 dân/công an mà phải làm rất nhiều việc", đại biểu Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.

Đại biểu Trung cho biết, trong gần 10 năm nay, công an không được tăng biên chế. Trong khi đó, tại một số nước, không chỉ tỷ lệ số dân/cảnh sát thấp mà trình độ khoa học công nghệ rất phát triển, luật pháp đồng bộ. Do vậy, tại Việt Nam, việc có một lực lượng tăng cường, hỗ trợ cho công an là rất cần thiết.

Đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ băn khoăn về ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đề nghị Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động; Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý về xây dựng, tuyển chọn, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này.

"Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, còn lại gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với các trách nhiệm còn lại", đại biểu Cừ đề xuất.

Phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại tổ, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng nêu rõ mục tiêu xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, mọi người dân đều phải được hưởng niềm hạnh phúc, an toàn, không ai bị đe dọa. Do đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự không chỉ quan tâm đến an ninh, an toàn của quốc gia, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, sự bền vững của chế độ mà còn đặc biệt quan tâm đến an ninh, an toàn của từng con người.

Trên cơ sở quy định cụ thể nhiệm vụ của trung ương, cấp tỉnh, huyện và xã, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết mục tiêu quan trọng nhất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cấp xã là bám vào cơ sở, quan tâm đến từng gia đình, người dân. "Bộ Công an xây dựng cơ sở phường/xã là những pháo đài về an ninh trật tự. Lực lượng công an chính quy tăng cường về xã được phân công nhiều nhiệm vụ, vừa để vận động quần chúng nhân dân, vừa tham gia cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngay tại chỗ", Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định.

Chia sẻ mục tiêu xây dựng xã không có tội phạm, xã không có ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng cơ sở trong nắm bắt, giải quyết các vấn đề an ninh. Dự kiến, mỗi xã sẽ có một cán bộ an ninh để nắm được tất cả những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: "Bản chất nhiệm vụ của công an là làm công tác dân vận, vận động, tập hợp lực lượng, tích cực tham gia các phong trào Vì an ninh Tổ quốc với phong trào thi đua khác. Với người dân và với cơ sở, điều này càng thể hiện rõ".

Theo đó, lực lượng công an cấp xã phải giải thích, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn người dân thực thi pháp luật. "Đây chính là công tác dân vận, phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở", Bộ trưởng Lâm cho biết.

Thực tế hiện nay, tỷ lệ vi phạm pháp luật, phạm tội về công nghệ cao, lừa đảo, ma túy… ở lứa tuổi thanh niên đang là mối lo ngại lớn nhất. Do đó, những ngày đầu về cơ sở ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, nhiều công an xã chính quy "chưa làm công an" mà tập trung tập hợp lực lượng thanh niên, sau đó mới lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động. "Không chỉ tập hợp lực lượng thanh niên, lực lượng an ninh cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong giải quyết công việc hằng ngày, hằng giờ, thay vì đã xảy ra sự vụ và giải quyết hậu quả. Công tác vận động, tập hợp thanh niên phải đi từ trước, từ sớm, từ xa để xây dựng một xã hội lành mạnh, kỷ cương, an ninh, an toàn", Bộ trưởng Tô Lâm nêu.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, kinh phí cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không phải là vấn đề trở ngại khó khăn. Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tham gia cùng trung ương để tổng kết Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là một trong hai nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng, đảm bảo ổn định để phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng cơ sở xã, phường là những 'pháo đài' về an ninh trật tự