Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, thống kê cho thấy từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giải trình loạt vấn đề nóng liên quan Luật Nhà ở (sửa đổi)

Hoài Lam | 19/06/2023, 15:52

Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, thống kê cho thấy từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không lớn.

Số lượng nhà ở người nước ngoài sở hữu tại Việt Nam không lớn

Thảo luận về chính sách sở hữu nhà ở tại Quốc hội, một số ý kiến đề nghị phải có quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, tờ trình trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 2 phương án: Phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn và phương án không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.

Tuy nhiên, dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.

Về ý kiến đề nghị xem xét quy định điều kiện, số lượng loại nhà ở người nước ngoài được sở hữu, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng, ông Nghị cho hay, đây là những ý kiến liên quan đến chính sách về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được quy định từ năm 2008.

nghi-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Cụ thể, tại Nghị quyết số 19 của Quốc hội và được bổ sung luật hóa tại Luật Nhà ở năm 2014 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) kế thừa các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có quy định điều kiện được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài. Thống kê cho thấy, từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không lớn. Ngoài ra, Luật Nhà ở năm 2014 và nay là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã quy định chặt chẽ về loại nhà, khu vực được mua, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu.

Do đó, quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước như chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Ưu đãi với chủ đầu tư nhà ở xã hội?

Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho hay, liên quan đến quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, mỗi địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau, nguồn ngân sách khác nhau. Do đó, việc để UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ trích từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn là phù hợp với thực tế cũng như pháp luật có liên quan, như pháp luật về ngân sách, pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ tiếp thu và sẽ bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật theo hướng chỉ quy định tỷ lệ nhất định trong ngân sách địa phương, không quy định tỷ lệ thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

“Việc quy định dành quỹ đất 20% tại Luật Nhà ở hiện hành có nhiều bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn, như nhu cầu nhà ở xã hội tại địa phương, đặc điểm vùng miền, địa hình, loại hình dự án có thể ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan, thậm chí lãng phí nguồn lực đất đai. Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi nội dung quy định này là phù hợp, nhằm tháo gỡ những bất cập nêu trên”, ông Nghị nói.

nghi-3.jpg
Các đại biểu thảo luận tại Quốc hội

Liên quan đến ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho rằng việc xác định cụ thể về tỷ lệ quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội phải được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.

“Quy định về lợi nhuận định mức 10% chỉ đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ bất cập hiện nay là lợi nhuận định mức được tính chung cho toàn bộ dự án. Ngoài ra, dự thảo luật cũng đã quy định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội có tính đến các chi phí hợp lý, hợp lệ khác của doanh nghiệp là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Mặt khác, chủ đầu tư cũng được hưởng ưu đãi phần diện tích kinh doanh dịch vụ thương mại và chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận của phần diện tích này, như vậy về tổng thể chủ đầu tư có thể có lợi nhuận lớn hơn 10% lợi nhuận định mức của cả dự án như quy định tại Luật Nhà ở hiện hành”, ông Nghị nhấn mạnh.

Đối với việc phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, ông Nghị cho rằng, quy định hiện nay cơ bản giống với nhà ở xã hội bán cho các đối tượng khác như được xây dựng trên đất ở, bán cho đối tượng công nhân và gia đình ở lâu dài; có thể cấp quyền sử dụng đất, được hưởng các hỗ trợ ưu đãi, trình tự đầu tư xây dựng thủ tục mua bán cũng tương tự như nhà ở xã hội.

“Nhà lưu trú công nhân theo dự thảo luật là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê, lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó”, ông Nghị nêu.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, việc bố trí nhà lưu trú công nhân trên đất dịch vụ khu công nghiệp giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp như thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn do đồng bộ với khu công nghiệp; chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân sẽ giảm do giảm được chi phí hạ tầng; thuận tiện cho công nhân trong sinh hoạt; tiết kiệm thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông; đảm bảo về môi trường sinh hoạt an ninh, an toàn và đảm bảo đầy đủ các khu chức năng, không gian phục vụ cho nhu cầu lưu trú.

Bài liên quan
Ông Trump đổi ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ
Đài CNN đưa tin Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa lựa chọn quan chức tư pháp bang Florida Pam Bondi giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, thay thế ứng viên Matt Gaetz rút lui.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giải trình loạt vấn đề nóng liên quan Luật Nhà ở (sửa đổi)