Trong mưa lũ, tàu cá của gia đình ông Cao Văn Hiệp (xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi) vẫn ra biển kiếm cơm như một định mệnh, để rồi mất tích. Sau 7 ngày tìm kiếm, người ta đã thấy con tàu, nhưng 4 người trên tàu vẫn biệt tăm vô vọng. Giữa mưa gió bão bùng, vợ ông khóc ngất: “Xác tàu đây rồi, chồng đâu chồng ơi!”.
Đi viện về mất chồng con
Sau 7 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã trục vớt đưa được xác tàu cá QNg 11150 TS bị chìm vào ngày 8.12 tại vùng biển Quảng Ngãi vào bờ, tuy nhiên thi thể 4 thuyền viên trên tàu vẫn chưa tìm được. Trong đó có thuyền trưởng Cao Văn Hiệp và con trai Cao Thành Nam.
Ở tuổi 26, chị Cao Thị Ry, con gái thuyền trưởng Cao Văn Hiệp bỗng trở thành trụ cột gia đình trong cơn hoạn nạn. Chị Ry kể trong tiếng nấc: “Nhà có 4 chị em, anh cả mới đi xuất khẩu lao động, em trai đang học đại học năm cuối, còn em thì lấy chồng xa. Ba và em út phải chăm mẹ ở bệnh viện gần 1 tháng vì mẹ em bị nhiễm trùng ruột non. Mẹ vừa xuất viện thì 2 người ra khơi từ đó đến nay chưa về”.
Mới thoát khỏi cơn bạo bệnh chưa kịp hồi phục sức khỏe, bà Nguyễn Thị Yến, vợ thuyền trưởng Hiệp đã đối mặt với nỗi mất mát quá lớn khiến bà quỵ ngã. Mỗi lần nhắc đến chồng, con bà lại lên cơn co giật, chân tay cứng đờ, cắn vào lưỡi mình đến bật máu. “Tìm được anh ấy với cháu chưa?”, bà Yến luôn miệng hỏi như người vô hồn suốt 7 ngày qua.
Rồi bà cứ thều thào: "Trời ơi. Ổng nói tui ra viện, tranh thủ đi giã cào kiếm thêm con cá về lấy tiền chữa bệnh thêm. Tui có mượn mô anh ơi. Anh đi còn dắt con đi nữa. Giờ anh với con liệu mà về đi anh ơi. Tui chết mất anh ơi!".
Những ngày qua, trong căn nhà chật chội của thuyền trưởng Cao Văn Hiệp lúc nào cũng có bà con làng xóm túc trực để giúp đỡ chăm sóc bà Yến, lo liệu việc tìm kiếm thi thể 4 thuyền viên.
Nói về nỗi mất mát quá lớn đó, ai cũng nghẹn ngào: “Có ai muốn ra khơi lúc biển động đâu chú, nhưng cái nghề giã cào này là vậy. Khi biển động mới đánh bắt được, chứ trời yên, biển lặng thì thu không đủ chi tiền dầu. Vậy nên chú nó với mọi người mới ra khơi trong đêm đó”, ông Nguyễn Hùng, một người hàng xóm chia sẻ.
Hiện việc tìm kiếm thi thể 4 ngư dân đã được tạm dừng sau 7 ngày nỗ lực. “Sau 49 ngày mà không có thông tin gì thì chúng tôi sẽ giúp gia đình đắp mộ gió, lập bàn thờ. Dù sao cũng phải có nơi để chú ấy và cháu nó quay về”, ông Nguyễn Văn Hiệp cho hay.
Ba vẫn còn đi biển...
Ngồi ôm mẹ, đã như một tượng đá vô hồn, Ry nói thều thào: “Ba và em út em bị nạn nhưng gia đình vẫn chưa dám cho anh em ở Hàn Quốc biết. Mới vay mượn 400 triệu để sang Hàn Quốc 1 năm nay, giờ anh ấy mà bỏ về lại mất hết nên gia đình quyết định giấu. Hôm qua, anh ấy điện về em vẫn bảo ba đi biển rồi anh ạ!”.
Chiều 13.12, nhiều ngư dân xã Tịnh Kỳ tập trung ở cảng cá để giúp một tay tháo dỡxác tàu QNg 11150 TS. Bị chìm khi biển động mạnh, thân tàu rách toạc, máy tàu hư hỏng hoàn toàn, ngư lưới cụ mất trắng.
“Ba em vay mượn trên 500 triệu đồng để nâng cấp công suất tàu lên 350 CV, mới đi được vài chuyến biển thì gặp nạn, mất đi 2 trụ cột trong gia đình, còn nợ nần như vậy, giờ tụi em biết sống sao đây”, chị Ry nói.
Do không còn tiền, gia đình bà Yến phải tìm cách bán gấp chiếc tàu chìm để lấy tiền tìm kiếm người thân. Giúp một tay tháo dỡ, ông Nguyễn Văn Hiệp, người cùng xã cho biết: “Máy tàu có giá trên 350 triệu đồng sử dụng chưa được 2 tháng nhưng bị chìm nên hư hỏng nặng lắm, bây giờ có bán cũng không được bao nhiêu. Máy tàu là thế, thân tàu có giá trên 400 triệu đồng còn thê thảm hơn khi được mua làm củi đốt với giá 2 triệu đồng”.
“Tàu chìm mà chú, mình mua về làm củi thôi, mua giúp gia đình chứ gỗ tàu này không tận dụng được, ván thì trít keo cũng khó cháy lắm. Với lại tàu bị chìm làm 4 người chết thì mọi vật dụng trên tàu cũng chỉ bán phế liệu, không ai sử dụng lại đâu”, người mua xác tàu cá bị nạn chia sẻ.
Ngoài những khoản nợ đó, gia đình thuyền trưởng Hiệp giờ còn lo lắng khoản kinh phí thuê thợ lặn, tàu cứu hộ trục vớt, kéo tàu cá bị nạn vào bờ. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, chi phí cho hoạt động này vào khoản 80 triệu đồng. Nếu bán hết những gì còn lại trên tàu cũng chưa đủ để chi trả khoản chi phí này.
Ông Phan Khánh Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Kỳ cho biết: “Hiểu được hoàn cảnh của gia đình nên chúng tôi kịp thời báo cáo lên cấp trên mong có sự hỗ trợ kịp thời. Đối với địa phương, chúng tôi đã làm việc với đơn vị trục vớt để vận động đơn vị hỗ trợ, không thu khoản kinh phí này. Đồng thời, địa phương đang vận động các nguồn kinh phí hợp pháp để giúp đỡ gia đình hỗ trợ tiền dầu cho các tàu cá tham gia kéo xác tàu bị nạn vào bờ”.
An Nhiên