Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ quyết định vào ngày 23.6 liệu có tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không, gây ra những chỉ trích từ các nhà khoa học hàng đầu châu Phi.

WHO bị châu Phi chỉ trích nếu gọi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu

Sơn Vân | 23/06/2022, 21:18

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ quyết định vào ngày 23.6 liệu có tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không, gây ra những chỉ trích từ các nhà khoa học hàng đầu châu Phi.

Lý do vì những người châu Phi nói rằng đây là một cuộc khủng hoảng trong khu vực của họ nhiều năm.

Việc cân nhắc và giám sát phản ứng của WHO với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đến sau những lo ngại về cách cơ quan Liên Hợp Quốc cùng các chính phủ trên toàn thế giới xử lý COVID-19 vào đầu năm 2020.

Bệnh đậu mùa khỉ không lây lan dễ dàng như COVID-19 và có vắc xin cùng phương pháp điều trị, khác với SARS-CoV-2 khi mới xuất hiện. Dù vậy, bệnh này vẫn làm dấy lên sự báo động trên thế giới.

Theo thống kê của Reuters, số ca bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát hiện tại bên ngoài châu Phi đã lên đến 3.000 ở hơn 40 quốc gia kể từ khi được báo cáo lần đầu tiên hồi tháng 5, phần lớn là ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới, song đến nay chưa có trường hợp tử vong nào.

Có các triệu chứng giống cúm và tổn thương trên da, bệnh đậu mùa khỉ từng lưu hành ở các vùng của châu Phi. Lục địa đen ghi nhận hơn 1.500 ca bệnh đầu mùa khỉ và nghi ngờ kể từ đầu năm 2022, trong đó 66 người chết.

Khi một căn bệnh ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, nó không phải là trường hợp khẩn cấp. Nó chỉ trở thành trường hợp khẩn cấp khi các nước phát triển bị ảnh hưởng", là nhận định của Giáo sư Emmanuel Nakoune, quyền Giám đốc Viện Pasteur ở Bangui (thủ đô Cộng hòa Trung Phi), người đang điều hành một cuộc thử nghiệm điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, Emmanuel Nakoune cho biết nếu WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu - mức báo động cao nhất - thì đó vẫn sẽ là bước quan trọng.

Ông nói: “Nếu có ý chí chính trị để chia sẻ công bằng các phương tiện phản ứng giữa các nước phát triển và đang phát triển... thì mỗi nước sẽ có thể được hưởng lợi”.

WHO cho biết đang làm việc trên một cơ chế chia sẻ các vắc xin và phương pháp điều trị.

Cuộc họp khẩn cấp của ủy ban ngày 23.6 (theo giờ Thụy Sĩ) gồm nhiều chuyên gia từ các khu vực bị ảnh hưởng nhất, cũng đã tham khảo ý kiến ​​của những nhà khoa học, trong đó có Emmanuel Nakoune. Họ sẽ đưa ra khuyến nghị với Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên gọi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu không.

Bước này chủ yếu có chức năng phát ra lời báo động và có thể nhắc nhở WHO hướng dẫn thêm, cũng như tập hợp sự chú ý của các quốc gia thành viên.

who-bi-chau-phi-chi-trich-neu-goi-benh-dau-mua-khi-la-tinh-trang-suc-khoe-toan-cau.jpg
Đã có 3.000 ca bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 40 quốc gia trong đợt bùng phát gần đây bên ngoài châu Phi

Hầu hết chuyên gia đồng ý rằng bệnh đậu mùa khỉ đáp ứng kỹ thuật các tiêu chí cho định nghĩa của WHO về trường hợp khẩn cấp. Đây là một sự kiện đột ngột và bất thường lan rộng trên phạm vi quốc tế, cần có sự hợp tác xuyên quốc gia.

Clare Wenham, trợ lý giáo sư y tế tại Trường Kinh tế London (Anh), cho biết WHO đang ở trong một vị trí bấp bênh sau COVID-19.

Theo bà, nếu WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp và các quốc gia không hành động, điều đó có thể làm suy yếu vai trò của cơ quan này trong việc kiểm soát dịch bệnh toàn cầu.

"Họ sẽ bị khiển trách nếu làm vậy và cũng bị chỉ trích nếu không làm thế", Clare Wenham nói thêm.

Trước đó, Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo nguy cơ đậu mùa khỉ bùng phát ở các quốc gia từng không lưu hành vi rút này là có thật.

Nếu những đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này không được ngăn chặn, vi rút sẽ có được chỗ đứng ở các khu vực mới. Số ca đậu mùa khỉ cũng có thể tăng lên thành dịch ở một số nơi, có nghĩa là sẽ  có một số lượng lớn người sẽ nhanh chóng bị lây bệnh.

Khi bạn tiếp tục tiến về phía trước trong tương lai và ngày càng có nhiều cá nhân nhiễm bệnh, bạn bắt đầu lo lắng”, theo Amira Albert Roess, Giáo sư về dịch tễ và sức khỏe toàn cầu của Đại học George Mason (Mỹ).

Liệu có phải căn bệnh này sẽ tiếp tục truyền từ người này sang người khác và sau đó chúng ta sẽ không thể kiểm soát nó?

Nhiều ca bệnh trên thế giới sẽ tạo thành một đại dịch. Thế nhưng, các chuyên gia đồng ý rằng không quá muộn để đảo ngược xu hướng.

Vẫn có cơ hội để ngăn chặn sự lây lan bệnh đậu mùa khỉ ở những người có nguy cơ cao nhất ngay bây giờ”, Tiến sĩ Rosamund Lewis, người đứng đầu văn phòng bệnh đậu mùa thuộc Chương trình khẩn cấp của WHO, nói trong cuộc họp ngắn ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ).

Vắc xin đậu mùa có thể là chìa khóa cho nỗ lực phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Mỹ và nhiều nước đang đặt mua vắc xin Jynneos của hãng dược phẩm Bavarian Nordic (Đan Mạch).

Đây là một trong những bệnh hiếm gặp mà bạn có thể tiêm vắc xin cho ai đó sau khi họ nhiễm bệnh, trước khi họ có triệu chứng và ngăn chặn bệnh này”, theo tiến sĩ Eric Toner, học giả cao cấp của Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ).

Trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện tại, con đường lây truyền chính dường như là tiếp xúc với vùng da bị tổn thương của người người mắc bệnh

Ngay bây giờ, chúng ta có nguy cơ mắc căn bệnh có thể trở thành đặc hữu do truyền từ người sang người đang diễn ra và không có khả năng ngăn chặn chu kỳ truyền tải”, Amira Albert Roess nhận định.

Một số yếu tố liên quan đến chu kỳ đó. Trong nhiều trường hợp, phát ban đậu mùa khỉ bắt đầu ở vùng sinh dục, điều này có thể khiến một số bác sĩ chẩn đoán nhầm nó là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến hơn như herpes hoặc giang mai.. Còn trong một số trường hợp, tổn thương chỉ giới hạn ở khu vực sinh dục khiến việc phát hiện khó khăn hơn.

Thứ hai, các chuyên gia lo lắng không xử lý các xét nghiệm đủ nhanh để xác định các ca bệnh đậu mùa khỉ một cách kịp thời.

Vẫn mất vài ngày kể từ khi ai đó được xác định danh tính đến thời điểm chúng tôi có thể ghi nhận kết quả chẩn đoán của họ.”, Amira Albert Roess nói.

who-bi-chau-phi-chi-trich-neu-goi-benh-dau-mua-khi-la-tinh-trang-suc-khoe-toan-cau1.jpg
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ trên tay bệnh nhân - Ảnh: Getty Images

Tiến sĩ Stuart Isaacs, Phó giáo sư y khoa của Đại học Pennsylvania, cho biết đậu mùa khỉ có thể có khả năng trở thành dịch bệnh ở Mỹ, đồng nghĩa sẽ có một sự gia tăng lớn các trường hợp, nếu một người nhiễm bệnh lan truyền cho nhiều hơn một người khác.

Vẫn còn quá sớm để thực sự nói một cách dứt khoát rằng sự bùng phát này sẽ không bùng nổ, dù khả năng này vẫn còn rất thấp. Lý do đây là bệnh đặc hữu ở châu Phi với các ổ chứa từ động vật. Vi rút đang lây lan giữa các động vật, sau đó có thể nhảy vào người hoặc các loài linh trưởng không phải là con người bất cứ lúc nào”, Amira Albert Roess cho hay.

Trong quá khứ, các quốc gia bên ngoài châu Phi đã nhanh chóng chấm dứt các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ thông qua xét nghiệm và truy vết liên lạc, nhưng sự bùng phát hiện tại lớn và rộng rãi.

Các chuyên gia vẫn chưa biết liệu quy mô của nó có phải là manh mối cho thấy bệnh đậu mùa khỉ đã phát triển để trở nên hiệu quả hơn trong việc lây truyền từ người sang người không, hay liệu các quốc gia chỉ đơn giản là tìm thấy những ca bệnh chưa phát hiện trong một thời gian.

Hiện tại, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có thể đáp ứng định nghĩa chính thức về một đại dịch: Vi rút này đang lây lan từ người sang người ở ít nhất hai quốc gia và có những đợt bùng phát cấp cộng đồng tại một số nơi trên thế giới.

Eric Toner nói: “Nhưng nhìn chung, khi nói về đại dịch, chúng ta nói về những căn bệnh mà mọi người đều có nguy cơ mắc phải ở mọi quốc gia hoặc hầu hết quốc gia. Đến nay, con số này vẫn chưa đạt đến ngưỡng đó và tôi không nghĩ là sẽ có”.

Amira Albert Roess cho biết thực tế đại dịch COVID-19 không có khả năng kết thúc khiến các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu cảnh giác với một tuyên bố khẩn cấp. Bà nói: “Có rất nhiều sự do dự khi tuyên bố đây (bệnh đậu mùa khỉ - PV) là một đại dịch”.

Tuy nhiên, một lý do để lạc quan là biến thể bệnh đậu mùa khỉ này (chủng Tây Phi) thường không nguy hiểm đến tính mạng. Dù phát ban đậu mùa ở khỉ có thể gây đau đớn và sẹo, các chuyên gia nói các bác sĩ biết cách điều trị chúng bằng thuốc kháng vi rút đậu mùa và chăm sóc hỗ trợ. Đến nay chưa có ca tử vong nào được báo cáo ở các nước bên ngoài châu Phi thường không lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Stuart Isaacs nói: “Chúng ta nên báo động, nghiên cứu điều này và hiểu điều này. Thế nhưng, chúng tôi vẫn chưa ở giai đoạn hoảng sợ".

Tìm ra DNA vi rút đậu mùa khỉ trong tinh dịch có chứng minh bệnh lây qua quan hệ tình dục?

Các mảnh vi rút đậu mùa khỉ đã được phát hiện trong tinh dịch một số bệnh nhân ở Ý, đặt ra câu hỏi liệu có khả năng lây truyền bệnh qua đường tình dục hay không.

Vi rút đậu mùa khỉ được hiểu là lây lan qua tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh. Người này có thể làm lây lan vi rút qua các vết thương trên da hoặc các giọt đường hô hấp lớn. Nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận trong đợt bùng phát hiện nay là giữa các bạn tình đã tiếp xúc gần gũi như vậy.

Trong khi các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS, chlamydia và giang mai được hiểu là do mầm bệnh truyền từ người này sang người khác, cụ thể là trong tinh dịch, dịch tiết âm đạo hoặc các chất dịch cơ thể khác.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Spallanzani, bệnh viện và cơ sở nghiên cứu bệnh truyền nhiễm có trụ sở tại thủ đô Rome (Ý), lần đầu tiên nêu rõ bằng chứng về vi rút đậu mùa khỉ trong tinh dịch 4 bệnh nhân ở Ý trong một báo cáo hôm 2.6.

Kể từ đó, họ đã xác định được một số bệnh nhân đậu mùa khỉ tại cơ sở có tinh dịch chứa vật liệu di truyền (DNA) của vi rút này. Đặc biệt, mẫu thử trong phòng thí nghiệm từ một bệnh nhân cho thấy vi rút đậu mùa khỉ được tìm thấy trong tinh dịch của anh ta có khả năng lây nhiễm sang người khác và nhân lên.

Francesco Vaia, Tổng giám đốc Viện Spallanzani, nói với Reuters rằng dữ liệu này đang được đệ trình để công bố, không đủ bằng chứng để chứng minh rằng các đặc điểm sinh học của vi rút thay đổi dẫn đến phương thức lây truyền đã phát triển.

Ông nói: “Tuy nhiên có một loại vi rút lây nhiễm trong tinh dịch là yếu tố ủng hộ giả thuyết rằng lây truyền qua đường tình dục là một trong những con đường lây truyền vi rút này”.

Francesco Vaia nói Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã được thông báo về những phát hiện mới nhất.

Bài liên quan
Hàng loạt bệnh nguy hiểm mới có thể xuất hiện sau COVID-19 và đậu mùa khỉ
Với bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan trên khắp thế giới theo gót COVID-19, có những lo ngại rằng sự bùng phát ngày càng tăng các bệnh lây truyền từ động vật sang người có thể gây ra đại dịch khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO bị châu Phi chỉ trích nếu gọi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu