Với bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan trên khắp thế giới theo gót COVID-19, có những lo ngại rằng sự bùng phát ngày càng tăng các bệnh lây truyền từ động vật sang người có thể gây ra đại dịch khác.

Hàng loạt bệnh nguy hiểm mới có thể xuất hiện sau COVID-19 và đậu mùa khỉ

Sơn Vân | 10/06/2022, 23:01

Với bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan trên khắp thế giới theo gót COVID-19, có những lo ngại rằng sự bùng phát ngày càng tăng các bệnh lây truyền từ động vật sang người có thể gây ra đại dịch khác.

Các chuyên gia cho biết, dù những căn bệnh như vậy - được gọi là bệnh truyền nhiễm từ động vật - đã xuất hiện trong nhiều thiên niên kỷ, nhưng chúng đã trở nên phổ biến hơn những thập kỷ gần đây do nạn phá rừng, chăn nuôi gia súc hàng loạt, biến đổi khí hậu và những biến động do con người gây ra với thế giới động vật.

Các bệnh khác có thể lây nhiễm từ động vật sang người gồm HIV, Ebola, Zika, Sars, Mers, cúm gia cầm và bệnh dịch hạch.

Hôm 9.6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn đang điều tra nguồn gốc COVID-19, nhưng “bằng chứng mạnh nhất vẫn là về sự lây truyền từ động vật sang người”.

Với hơn 1.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên toàn cầu trong tháng qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo có nguy cơ thực sự mà căn bệnh này có thể bùng phát ở hàng chục quốc gia.

Hôm 1.6, Mike Ryan, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, cảnh báo rằng sự bùng phát các bệnh đặc hữu như đậu mùa khỉ, sốt Lassa đang trở nên dai dẳng và thường xuyên hơn.

Ông Mike Ryan nói: “Số lần những căn bệnh này lây sang người ngày càng tăng và khi đó khả năng khuếch đại căn bệnh đó, lây lan trong cộng đồng của chúng ta ngày càng tăng”.

Khi biến đổi khí hậu góp phần làm thay đổi nhanh chóng các điều kiện thời tiết (chẳng hạn như hạn hán), động vật và cả con người đang thay đổi hành vi tìm thức ăn. Do đó, các bệnh thường lưu hành ở động vật đang ngày càng lây lan sang con người, theo ông Mike Ryan.

Ông Mike Ryan nói thêm: "Thật không may khả năng khuếch đại căn bệnh đó và lan truyền trong cộng đồng của chúng ta đang tăng lên. Do đó, cả sự xuất hiện của bệnh và các yếu tố khuếch đại bệnh đều tăng lên".

Bệnh đậu mùa khỉ trước đây ít lây sang người. Trường hợp đầu tiên ở người được xác định tại Cộng hòa Congo vào năm 1970 và kể từ đó chỉ giới hạn ở các khu vực ở Trung và Tây Phi.

Olivier Restif, nhà dịch tễ học tại Đại học Cambridge (Anh), nói: “Bất chấp tên gọi của nó, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ mới nhất không liên quan gì đến khỉ”.

Dù lần đầu tiên được phát hiện ở khỉ nhưng “sự lây truyền từ động vật sang người thường từ các loài gặm nhấm và các đợt bùng phát bệnh xảy ra khi tiếp xúc giữa người với người”, Olivier Restif nói.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, khoảng 60% các bệnh lây nhiễm ở người được biết đến do lây từ động vật sang người, cũng như 75% các bệnh truyền nhiễm mới và đang phát sinh.

chuyen-gia-canh-bao-cac-moi-de-doa-dich-benh-tu-dong-vat.jpg
Phá rừng làm giảm đa dạng sinh học và chúng ta mất đi các loài động vật tự nhiên điều chỉnh vi rút - Ảnh: Shutterstock

Olivier Restif nói số lượng mầm bệnh và sự bùng phát dịch từ động vật đã tăng lên trong vài thập kỷ qua do “sự gia tăng dân số, gia tăng gia súc và xâm lấn vào môi trường sống của động vật hoang dã”.

Ông nhận định: “Các loài động vật hoang dã thay đổi đáng kể hành vi của chúng để đáp ứng với các hoạt động từ con người, di cư khỏi môi trường sống đã cạn kiệt của chúng. Động vật có hệ thống miễn dịch suy yếu quanh quẩn gần người và động vật nuôi trong nhà là một cách chắc chắn để lây truyền mầm bệnh nhiều hơn".

Benjamin Roche, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ động vật tại Viện Nghiên cứu Phát triển của Pháp, nói rằng nạn phá rừng có ảnh hưởng lớn.

Ông nói với AFP: “Phá rừng làm giảm đa dạng sinh học: Chúng ta mất đi các loài động vật tự nhiên để điều chỉnh vi rút, cho phép chúng lây lan dễ dàng hơn”.

Điều tồi tệ hơn có thể sẽ xảy ra, với một nghiên cứu lớn được công bố vào đầu năm nay, cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ bùng phát đại dịch khác.

Khi các loài động vật chạy trốn khỏi môi trường sống tự nhiên đang ấm lên, chúng sẽ gặp các loài khác lần đầu tiên - có khả năng lây nhiễm cho chúng với một số trong 10.000 vi rút lây truyền từ động vật được cho là “lưu hành âm thầm” giữa các loài động vật có vú hoang dã, chủ yếu là trong các khu rừng nhiệt đới, nghiên cứu cho biết.

Greg Albery, nhà sinh thái học về bệnh tật tại Đại học Georgetown (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu, nói với AFP rằng “mạng lưới vật chủ - mầm bệnh sắp thay đổi đáng kể”.

Ông nói: “Chúng ta cần cải thiện việc giám sát cả ở đô thị và động vật hoang dã để có thể xác định khi nào mầm bệnh đã chuyển từ loài này sang loài khác. Nếu vật chủ tiếp nhận ở đô thị hoặc gần con người thì chúng ta nên đặc biệt quan tâm”.

Eric Fevre, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Liverpool (Anh) và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế ở Kenya, nói rằng “một loạt các bệnh nguy hiểm mới có thể xuất hiện - chúng ta phải sẵn sàng”.

Điều này bao gồm “tập trung sức khỏe cộng đồng của các quần thể ở những môi trường xa xôi và nghiên cứu tốt hơn hệ sinh thái của những khu vực tự nhiên này để hiểu cách các loài khác nhau tương tác”.

Olivier Restif nói rằng “không có viên đạn bạc (giải pháp dễ dàng và nhanh chóng cho vấn đề nào đó – PV), đặt cược tốt nhất của chúng tôi là hành động ở mọi cấp độ để giảm rủi ro”.

Ông cho hay: “Chúng tôi cần đầu tư lớn vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tuyến đầu và năng lực xét nghiệm cho các cộng đồng thiếu thốn trên khắp thế giới, để các đợt bùng phát có thể được phát hiện, xác định và kiểm soát mà không bị chậm trễ”.

Bài liên quan
WHO nêu lý do các bệnh như đậu mùa khỉ sẽ bùng phát thường xuyên hơn
Hôm 1.6, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo rằng sự bùng phát các bệnh đặc hữu như đậu mùa khỉ, sốt Lassa đang trở nên dai dẳng và thường xuyên hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt bệnh nguy hiểm mới có thể xuất hiện sau COVID-19 và đậu mùa khỉ