Công ty Trung Dũng đã không trực tiếp bán hàng cho Công ty TISCO như cam kết với BIDV mà bán lòng vòng qua các công ty của gia đình để bán hàng cho Công ty TISCO nhằm tránh sự quản lý của BIDV...

Vụ BIDV: Công ty Trung Dũng đã ‘né’ sự quản lý của BIDV như thế nào?

Nhã Thanh | 26/10/2020, 18:33

Công ty Trung Dũng đã không trực tiếp bán hàng cho Công ty TISCO như cam kết với BIDV mà bán lòng vòng qua các công ty của gia đình để bán hàng cho Công ty TISCO nhằm tránh sự quản lý của BIDV...

Liên quan đến đại án xảy ra tại Ngân hàng BIDV đang được tiến hành xét xử tại TAND TP.Hà Nội, trong 4 bị cáo bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” có bị cáo Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng). Theo đó, khi đề nghị BIDV mở L/C để đảm bảo thanh toán cho Hợp đồng ngoại thương, Đoàn Hồng Dũng lập phương án kinh doanh và cam kết với BIDV tại Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo là toàn bộ số hàng sau khi nhập về, Công ty Trung Dũng sẽ bán cho Công ty TISCO.

bidv-3-.jpg
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: N.A

Bên cạnh đó, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán hàng sẽ chuyển về tài khoản của BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn. Trên cơ sở cam kết, BIDV - chi nhánh Hà Thành giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý tài sản đảm bảo (hàng hóa hình thành từ vốn vay) kèm điều kiện cụ thể.

Theo cáo trạng, BIDV - chi nhánh Hà Thành và Công ty Trung Dũng đã ký hợp đồng tín dụng phát hành L/C theo món với số tiền 18,87 triệu USD (+/- 5%) và 2,397 triệu USD (+/- 10%) để nhập khẩu phôi thép, thép phế; ký hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai thế chấp toàn bộ lô hàng nhập khẩu hình thành theo Hợp đồng nhập khẩu.

Sau đó, BIDV - chi nhánh Hà Thành đã phát hành L/C có trị giá nêu trên để nhập khẩu phôi thép và thép phế. Sau khi nhập khẩu lô phôi thép, thép phế, lợi dụng việc BIDV - chi nhánh Hà Thành giao cho tự quản lý hàng hóa và không có biện pháp kiểm tra, giám sát việc bán hàng, Công ty Trung Dũng không trực tiếp bán hàng cho Công ty TISCO như cam kết với BIDV.

Thay vào đó, “Công ty Trung Dũng bán hàng lòng vòng qua các công ty gia đình do Dũng đứng ra thành lâp để bán hàng cho Công ty TISCO nhằm tránh sự quản lý của BIDV, không chuyển tiền bán hàng về tài khoản mở tại BIDV”, cáo trạng nêu rõ.

Khi đến hạn thanh toán L/C cho đối tác nước ngoài, Công ty Trung Dũng không có khả năng thanh toán, BIDV - chi nhánh Hà Thành đã phải cho vay bắt buộc để Công ty Trung Dũng thanh toán tiền cho đối tác nước ngoài. Trong thời gian từ 29.5.2012 - 12.7.2012, BIDV đã cho vay bắt buộc 8 khoản vay, với tổng số tiền hơn 350 tỉ đồng. BIDV đã xử lý tài sản đảm bảo, thu nợ được hơn 87 tỉ đồng. Đến nay, dư nợ đối với khoản vay bắt buộc là hơn 263 tỉ đồng.

122786186_1074999749597723_9067581814416028925_n.jpg
Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa - Ảnh: N.A

Theo lời khai của bị cáo Đoàn Hồng Dũng thể hiện trong cáo trạng, bị cáo thừa nhận hành vi lợi dụng sự tin tưởng của BIDV, thông qua pháp nhân của các công ty gia đình bán tài sản đảm bảo không được sự đồng ý của BIDV, sử dụng tiền vào mục đích của công ty và cá nhân, trái với cam kết của BIDV. Đối với khoản vay theo hạn mức để mua phôi thép và thép phế nhưng không thực hiện hợp đồng mua bán là do các đối tác yêu cầu đối trừ công nợ, bị cáo ý thức sẽ dùng tiền bán hàng để trả nợ BIDV nhưng do dư nợ quá nhiều nên không trả được.

Bên cạnh đó, vợ của bị cáo Dũng - bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam - cũng bị truy tố tội danh nêu trên) khai đầu năm 2012, Công ty Trung Dũng được BIDV - chi nhánh Hà Thành phát hành L/C bảo lãnh nhập khẩu phôi thép và thép phế về để bán cho Công ty TISCO. Tuy nhiên, sau khi bán cho Công ty TISCO được 15 tỉ đồng tiền phôi thép thì phía đối tác không đồng ý thanh toán tiền mà đề nghị trừ nợ một phần khoản nợ cũ của Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam.

Vợ của bị cáo Dũng cũng khai, khi đó Đoàn Hồng Dũng có đề nghị BIDV chấp thuận việc thanh toán nêu trên để Công ty Trung Dũng có thể luân chuyển được dòng tiền nhưng BIDV vẫn yêu cầu tất cả hoạt động bán phôi thép, thép phế của Công ty Trung Dũng cho Công ty TISCO thì đều phải thanh toán duy nhất qua tài khoản của Công ty Trung Dũng mở tại BIDV.

Do hàng hóa nhập khẩu về Công ty bị ứ đọng, tăng chi phí thuê kho bãi nên Dũng đã làm việc với Công ty TISCO, đồng ý để Công ty TISCO thu một phần công nợ của Công ty Trung Dũng, Công ty Hà Nam và nhận thanh toán bằng hàng hóa để có thể luân chuyển tiền hàng...

Theo cáo trạng, khi Đoàn Hồng Dũng bàn bạc, trao đổi về việc bán hàng mà không chuyển tiền về BIDV, Nguyễn Thị Thanh Sơn đã đồng ý dùng pháp nhân của Công ty Trung Dũng, Công ty đầu tư Trung Dũng thực hiện việc mua hàng của Công ty Trung Dũng, bán hàng cho Công ty TISCO nhằm tránh sự kiểm soát của BIDV. Bị cáo Sơn đã dùng pháp nhân Công ty Hà Nam ký các hồ sơ, thủ tục hoàn thiện việc mua bán này...

Bài liên quan
Nhiều cựu lãnh đạo BIDV sẽ hầu tòa ngày 26.10
Theo dự kiến, ngày 26.10, TAND TP.Hà Nội sẽ tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong đại án BIDV liên quan đến ông Trần Bắc Hà.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ BIDV: Công ty Trung Dũng đã ‘né’ sự quản lý của BIDV như thế nào?