Về phía gia đình Hồ Duy Hải, ngày 10.5, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải, cho biết đã gửi đơn đến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bày tỏ mong muốn cơ quan giám sát này tiếp tục kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét lại vụ án.

Vụ án Hồ Duy Hải: Gia đình tiếp tục kêu cứu đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

11/05/2020, 15:45

Về phía gia đình Hồ Duy Hải, ngày 10.5, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải, cho biết đã gửi đơn đến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bày tỏ mong muốn cơ quan giám sát này tiếp tục kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét lại vụ án.

Mẹ tử tù Hồ Duy Hải tiếp tục kêu oan cho con - Ảnh: Người Lao Động

Như Một Thế Giới đã thông tin, theo kháng nghị của Viện KSND tối cao, trong vụ án Hồ Duy Hải, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.

Từ đó, Viện KSND tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã xét xử bị cáo Hồ Duy Hải về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Viện KSND tối cao đề nghị thực nghiệm lại điều tra hiện trường; xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi; trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết; làm rõ cơ chế gây thương tích; xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án; bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.

Viện kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ và đủ cần thiết để kháng nghị 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng. Những vấn đề này cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.

Ngày 8.5, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, người bị kết án về hành vi giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) vào năm 2008. Tuy nhiên, việc bác kháng nghị của Viện KSND tối cao của Hội đồng Thẩm phán gây ý kiến khác nhau trong dư luận.

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) cho rằng vụ án có tầm quan trọng vì quan hệ đến sinh mạng con người của nạn nhân và bị cáo Hồ Duy Hải. Do đó, cần phải điều tra, xét xử nghiêm minh, phải đúng người, đúng tội.

Theo đại biểu Nghĩa, những vụ oan sai như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và một số án oan sai khác có đặc trưng là chủ yếu dựa vào lời nhận tội của bị can và những chứng cứ gián tiếp. Những kinh nghiệm đó cho thấy việc dựa chủ yếu vào bản cung của các bị can, vào chứng cứ gián tiếp thì có nguy cơ oan sai.

Cũng theo đại biểu Nghĩa, quyền kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao căn cứ trên hai nhiệm vụ được Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện KSND giao là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Việc kháng nghị thể hiện quyền con người, quyền công dân, căn cứ Bộ luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự, và Hiến pháp. Để đạt được nền tư pháp cẩn trọng chặt chẽ, hạn chế oan sai thì TAND tối cao nên tiến hành điều tra lại.

Còn đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng phiên giám đốc thẩm do Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tiến hành đã khép lại, với phán quyết bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tính mạng của tử tù Hồ Duy Hải là vô cùng mong manh.

Theo ông Vân, nỗi oan khuất của 2 cô gái chết trẻ phải được làm rõ để thân nhân của họ tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật. "Kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng, nhưng phải đúng người đúng tội; không thể kết án oan sai. Đó là mong muốn chung của tất cả mọi người có lương tri", ông Lê Thanh Vân nói.

Ông Vân cũng nêu quan điểm khi xét án phải dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội để tránh hàm oan cho đương sự.

Đáng chú ý, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân nhìn nhận phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chưa thực sự thuyết phục trước nhiều vấn đề bất minh mà xã hội đang rất quan tâm trong vụ án này.

"Việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết. Tôi nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy công việc ấy", đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ.

Về phía gia đình Hồ Duy Hải, ngày 10.5, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải cho biết đã gửi đơn đến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bày tỏ mong muốn cơ quan giám sát của Quốc hội tiếp tục kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét lại vụ án.

Theo bà Loan, gia đình bà "suy sụp" sau khi Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao bác kháng nghị của Viện KSND tối cao, giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Bà Loan cũng đề nghị xem xét các tình tiết quan trọng được luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM, người hỗ trợ pháp lý) đưa ra mà bà cho rằng chưa được Hội đồng Thẩm phán xem xét khách quan.

"Thời gian qua, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ khắp nơi. Trong đó, phải cảm ơn đến bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Nhiều năm trước, bà Nga cùng đoàn giám sát đã đến tận nhà đọc kỹ các tình tiết trong hồ sơ. Bà Nga cũng nhiều lần kiến nghị đến các đơn vị và góp phần vào việc tổ chức phiên xét xử giám đốc thẩm", bà Loan nói.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà hội đồng không biết được khi ra quyết định đó. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ án Hồ Duy Hải: Gia đình tiếp tục kêu cứu đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội