Thông tin báo chí về việc phát hiện có dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, điều tra, nếu có sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ 500 giáo viên mất việc: Bộ Nội vụ đề nghị làm rõ yếu tố ‘chạy việc’

26/03/2018, 17:20

Thông tin báo chí về việc phát hiện có dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, điều tra, nếu có sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Hàng trăm giáo viên có nguy cơ mất việc - Ảnh: DT

Chiều 26.3, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì.

Liên quan đến vụ việc 500 giáo viên tại huyện Krông Păc Đăk Lăk sắp mất việc làm, Bộ Nội vụ cho biết đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Đăk Lăk khẩn trương rà soát, kiểm tra, báo cáo.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đăk Lăk, tổng biên chế sự nghiệp giáo dục được giao năm 2016 là 3.571 biên chế. Trong đó bậc mầm non là 606, bậc tiểu học là 1.776, bậc THCS là 1.189 biên chế.

Tổng biên chế đã tuyển dụng tính đến ngày 24.11.2017 là 3.393 biên chế. Trong đó, bậc mầm non là 554/606 biên chế; tiểu học là 1.696/1.776 biên chế; THCS là 1.143/1.189 biên chế. Còn tổng biên chế chưa tuyển dụng là 178, trong đó có 157 giáo viên.

Trong khi đó, tình hình hợp đồng lao động đến tháng 2.2018 là 578 giáo viên. Trong đó có tới 421 người là hợp đồng ngoài chỉ tiêu.

Qua rà soát UBND huyện Krông Pắc xác định trong số 578 trường hợp hợp đồng lao động, có 370 trường hợp đủ điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng: 208 trường hợp không có vị trí việc làm để nộp hồ sơ tuyển dụng (do không đủ điều kiện nộp hồ sơ).

Theo phương án tuyển dụng viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc UBND huyện Krông Pắc năm 2017 đã được phê duyệt, đối với những giáo viên không đủ điều kiện nộp hồ sơ hoặc không có vị trí tuyển dụng, UBND huyện Krông Pắc thực hiện việc chấm dứt hợp đồng theo quy định (Công văn số 232/UBND-NV ngày 6.3.2018 của UBND huyện Krông Pắc).

Vì vậy, căn cứ phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk khẩn trương xử lý vụ việc theo thẩm quyền, đồng thời đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với nội dung báo chí nêu là phát hiện có dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại địa bàn huyên Krông Pắc, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, điều tra, nếu có sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, để giải quyết các vấn đề trước mắt nhằm ổn định tình hình địa phương, đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu UBND huyện Krông Pắc tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017.

Đồng thời, rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh nghiên cứu việc xét tuyển bổ sung đối với các giáo viên đã có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí việc làm để tuyển dụng.

UBND huyên Krông Pắc cũng đã tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp không đủ điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển và không có vị trí tuyển dụng.

Bộ Nội vụ nêu rõ quan điểm là kiên trì chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đến năm 2021 không tăng tổng biên chế. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khi thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh… có thể bổ sung biên chế nhưng phải quản lý chặt chẽ.

Bộ này cũng dẫn Kết luận số 17-KL/TW ngày 11.9.2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015- 2016 nêu rõ, dừng việc bổ sung biên chế giai đoạn 2017-2021; thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2021 giảm ít nhất 10%, bình quân phải giảm 2,5%/năm biên chế của hệ thống chính trị.

Đối với lĩnh vực giáo dục phổ thông, do số lượng học sinh tăng mà cần thiết phải thành lập trường mới, lớp mới thì ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế được giao… Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã sử dụng hết số biên chế sự nghiệp được giao, không được thực hiện hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế công chức, biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng đã được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định.

Các Bộ, ngành, địa phương chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015.

Tại Công văn số 2882 của Văn phòng Chính phủ về triển khai kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấm dứt việc phê duyệt và giao biên chế công chức, biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng do Bộ Nội vụ đã giao hoặc thẩm định. Đồng thời có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số công chức, viên chức vượt quá số biên chế được Bộ Nội vụ giao.

Trịnh Giang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ 500 giáo viên mất việc: Bộ Nội vụ đề nghị làm rõ yếu tố ‘chạy việc’