Nhà Trần sau khi nối ngôi nhà Lý thì ổn định được cục diện để truyền ngôi gần 2 thế kỷ trước khi rơi vào tay nhà Hồ còn nhà Hồ thì chỉ được vài năm ngắn ngủi thì diệt vong. Điểm khác biệt ở đây là thời gian khiến nhà Hồ không thể ổn định cục diện như nhà Trần.

Nếu có thời gian, Hồ Quý Ly có thể thành công như nhà Trần

26/03/2018, 12:04

Nhà Trần sau khi nối ngôi nhà Lý thì ổn định được cục diện để truyền ngôi gần 2 thế kỷ trước khi rơi vào tay nhà Hồ còn nhà Hồ thì chỉ được vài năm ngắn ngủi thì diệt vong. Điểm khác biệt ở đây là thời gian khiến nhà Hồ không thể ổn định cục diện như nhà Trần.

Người Việt đã đánh bại quân Nguyên Mông thì cũng có thể hạ được quân Minh - Ảnh: Internet

Trong dòng chảy lịch sử, các triều đại thịnh rồi suy, triều đại sau nổi triều đại trước vốn là chuyện rất bình thường. Thế nhưng, có triều đại khi thay thế lại tạo được chiến công vang dội như nhà Trần nhưng lại có triều đại vừa làm mất nước, vừa khiến đời sau chê trách như nhà Hồ.

Nhiều người chê trách việc Hồ Quý Ly chủ mưu giết vua Trần Thuận Tông (cũng là con rể của mình) để dọn đường mở triều đại nhà Hồ. Sau khi Trần Thuận Tông truyền ngôi cho con là An (tức Trần Thiếu Đế và cũng là cháu ngoại của Hồ Quý Ly), Hồ Quý Ly vẫn không yên tâm mà ngầm cho người giết.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Kỷ Mão, Thiếu Đế năm Kiến Tân thứ 2 (1399). (Minh, năm Kiến Văn thứ 1). Quý Ly giết Thượng hoàng ở quán Ngọc Thanh.

Sau khi đã truyền ngôi vua, Thuận Tông dời ra ở quán Ngọc Thanh. Quý Ly ngầm sai nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đi theo để trông nom coi sóc. Thuận Tông hỏi Cẩn: "Anh đi theo ta, ý muốn làm gì?". Cẩn không nỡ nói rõ. Quý Ly làm thơ bảo Cẩn rằng: "Nếu nguyên quân (vua cũ) không chết, thì nhà ngươi phải chết". Cẩn dâng thuốc độc, Thuận Tông không chết, lại dâng nước dừa và không cho ăn, cũng không chết. Quý Ly bèn sai Xa kỵ thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh đem thắt cổ cho chết”.

Việc này khiến người ta liên tưởng đến hành động của Trần Thủ Độ khi tận sát vua Lý Huệ Tông gần 2 thế kỷ trước đó. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép:

"Bính Tuất (1226), giáng truất Thượng hoàng nhà Lý làm Huệ Quang Đại sư. Thượng hoàng nhà Lý đã truyền ngôi cho Chiêu Hoàng, ra ở chùa Chân Giáo, do đấy Thủ Độ và vợ vua Huệ Tông mới tự tiện chuyên quyền, để ngầm chuyển dời ngôi vua nhà Lý. Đến đây, truất bỏ danh hiệu Thượng hoàng đi, cho làm thầy chùa.

Thượng hoàng nhà Lý ở chùa Chân Giáo, thường ngồi xổm nhổ cỏ ở trước cửa chùa. Thủ Độ đi qua trông thấy, nói: "Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ sâu". Thượng hoàng đứng dậy, xoa tay, nói: "Lời của anh nói, ta đây biết rồi". Sau Thượng hoàng ra chơi chợ cửa Đông, nhân dân ganh nhau chạy ra xem, có người động lòng thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người tưởng nhớ đến vua cũ, sẽ sinh ra sự biến loạn chăng, nên lại càng canh giữ dò xét nghiêm mật hơn trước. Đến nay, Thủ Độ sai người đem hương hoa đến dâng và nói rằng: " Quan Thượng phụ có lời trần thỉnh". Lý Thượng hoàng giận lắm, nói rằng: "Ta tụng kinh xong sẽ tự tử". Rồi vào buồng ngủ, khấn rằng: "Thiên hạ nhà ta đã bị mày cướp mất, nay lại còn hãm hại ta, mai sau con cháu nhà mày cũng phải chịu như thế". Nói rồi liền thắt cổ ở vườn sau chùa. Thủ Độ bắt các quan đến khóc viếng, đào tường phía nam thành để làm cửa, di chuyển cữu ra phường An Hoa, dùng phép hỏa hóa, còn hài cốt thì đem chôn cất ở tháp chùa Bảo Quang".

Quả đúng là có tính tương đồng trong 2 câu chuyện lịch sử này thật. Lý Huệ Tông và Trần Thuận Tông bị ép nhường ngôi cho con rồi đi tu (chỉ khác là Lý Huệ Tông đi tu ở chùa còn Trần Thuận Tông đi tu ở đạo quán). Thế nhưng, cả hai vị vua đi tu cũng đều bị ép phải tuyệt mạng.

Việc Lý Huệ Tông đưa lời nguyền với nhà Trần: “Thiên hạ nhà ta đã bị mày cướp mất, nay lại còn hãm hại ta, mai sau con cháu nhà mày cũng phải chịu như thế" và việc Hồ Quý Ly sau này sát hại Trần Thuận Tông có mang tính chất quả báo hay không thì chúng tôi không dám lạm bàn nhưng hậu quả của 2 hành động thì lại khác nhau.

Nhà Trần sau khi nối ngôi nhà Lý thì ổn định được cục diện để truyền ngôi gần 2 thế kỷ trước khi rơi vào tay nhà Hồ còn nhà Hồ thì chỉ được vài năm ngắn ngủi thì diệt vong. Điểm khác biệt ở đây là thời gian khiến nhà Hồ không thể ổn định cục diện như nhà Trần.

Sau khi nhà Trần bắt đầu với sự kiện Lý Chiêu Hoàng nhương ngôi cho Trần Thái Tông năm 1225, nhà Trần cũng đối mặt với bất ổn trong nước. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Lúc nhà Trần mới thay nhà Lý, nhân thế suy yếu triều Lý, giặc cướp tụ tập nhiều. Người Man ở vùng núi Tản Viên, vùng Quảng Oai xâm phạm lẫn nhau. Nguyễn Nộn chiếm cứ Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu, Thủ Độ điều động các quân đi đánh dẹp.

Bấy giờ Nộn và Thượng binh thế còn mạnh, chưa dễ hàng phục được, mới phong cho Nộn làm Hoài Đạo Vương, chia cho các huyện Bắc Giang Thượng, Bắc Giang Hạ, Đông Ngạn cũng hẹn phong làm vương cho Thượng định ngày đến thề, nhưng Thượng không đến. Lại đưa các cung nhân và con gái họ hàng nhà Lý Huệ Tông gả cho các tù trưởng người Man. Đến tháng 12 năm 1228, Nguyễn Nộn đánh được Đoàn Thượng, gộp cả quân của Thượng lại, thanh thế lừng lẫy. Thủ Độ lo lắm, chia quân chống giữ và sai sứ đem thư đến chúc mừng, gia phong Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, đưa công chúa Ngoạn Thiềm gả cho hắn để ngầm dò la tin tức. Nộn cũng chia nha tướng riêng cho công chúa ở. Vì thế công chúa không thể báo được tin gì. Đến năm sau Nguyễn Nộn ốm chết, từ đây thiên hạ thu về một mối.

Có thể nói việc Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng tự tan là phúc cho nhà Trần. Cái phúc hơn là lúc đó thế lực bên ngoài chưa thể nhòm ngó. Nhà Tống bị áp lực từ nhà Kim đến quân Mông cũng không dám vọng động xuống phía Nam. Thậm chí, năm 1241, Trần Thái Tông dẫn quân đánh sang đất Tống dẹp loạn mà nhà Tống cũng không dám nói gì. Do Kim – Tống rồi Mông – Tống căng thẳng nên nhà Trần được yên ổn trong hơn 30 năm để thu phục nhân tâm, ổn định xã hội và đó chính là nền móng quan trọng để đánh bại vó ngựa Nguyên Mông.

Hồ Quý Ly lại không có nhiều thời gian như vậy. Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần năm 1400, tuy không gặp nhiều loạn như Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng thời Trần nhưng lại mệt mỏi với cuộc chiến với thế lực bên ngoài như với Chiêm Thành năm 1402, 1403. Đặc biệt, đến năm 1406 nhà Minh đã sai Trương Phụ mang quân xuống đánh và kết cục thì như đã đề cập trong các phần trước. Dù Hồ Quý Ly dùng nhiều biện pháp ngoại giao để câu giờ nhưng chỉ có vỏn vẹn 6 năm thì rõ ràng là quá ít để thu phục nhân tâm, ổn định xã hội. Nếu như Hồ Quý Ly có thêm thời gian để thi hành chính sách vỗ về dân chúng, xác lập dần tính chính danh của triều đại thì có thể đã không chịu kết cục bi thảm. Nhưng trong lịch sử thì lại không có chữ Nếu.

Anh Tú

Các cải cách kinh tế của Hồ Quý Ly không đủ thời gian để phát huy hiệu quả

Từ năm 1396, trước khi lên ngôi, Hồ Quý Ly đã cho phát thứ tiền giấy gọi là Thông bảo hội sao. In xong, ra lệnh cho dân cả nước đến đổi 1 quan tiền đồng lấy 1 quan 2 tiền giấy. Cấm tiêu riêng, chứa riêng tiền đồng; số tiền đồng thu hồi chứa ở kho Ngao trì kinh thành và trị sở các huyện. Phạm tội chứa tiền đồng hình phạt cũng như làm tiền giả. Thể thức tiền giấy: tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ nào làm tiền giả bị xử tử, tài sản bị tịch thu. Lại cho đánh thuế các thuyền buôn, chia ra 3 mức, thượng, trung, hạ.

Theo Phan Huy Chú bình trong sách Lịch triều hiến chương loại chí:tiền giấy chẳng qua chỉ là mảnh giấy vuông, phí tổn chỉ đáng 5, 3 đồng tiền mà đổi lấy vật đáng 5, 6 trăm đồng của người ta, có nhiên không phải là cái đạo đúng mức. Vả lại, người có tiền giấy cất giữ cũng dễ rách nát, mà kẻ làm giả mạo sinh ra không cùng, thực không phải là cách bình ổn vật giá mà lưu thông của cải vậy. Quý Ly không xét kỹ đến cái gốc lợi hại, chỉ ham chuộng hư danh sáng chế, để cho tiền của hàng hóa thường vẫn lưu thông tức là sinh ra ứ đọng, khiến dân nghe thấy đã sợ, thêm mối xôn xao, thế có phải chế độ bình trị đâu!

Năm 1401, đặt ra kho thường bình, nghĩa là luôn luôn cân bằng, phát tiền giấy cho các lộ, theo giá cả mua thóc chứa vào kho, nhằm bình ổn giá thóc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bây giờ số quan lại ở các phủ, châu, huyện có sự thay đổi nên không làm được.

Năm 1403, đặt ra chức thị giám tức người coi chợ, ban hành các đồ đo lường (cân, thước, đấu, thưng, định giá tiền giấy cho mua bán với nhau. Bây giờ phần nhiều người buôn bán chê tiền giấy, lại đặt ra luật lệ để xử tội ai không tiêu tiền giấy.

Định lại các lệ thuế và tô ruộng, triều trước mỗi mẫu thu 3 thăng thóc nay thu 5 thăng. Bãi dâu, triều trước mỗi mẫu thu 9 quan hoặc 7 quan, nay thu hạng thượng đẳng mỗi mẫu 5 quan tiền giấy; hạng trung 4 quan tiền giấy, hạng hạ đẳng 3 quan tiền giấy. Tiền nộp hằng năm của đinh nam trước thu 3 quan, nay chiểu theo số ruộng, người nào chỉ có 5 sào thì thu 5 tiền giấy; từ 6 sào đến 1 mẫu thì thu 1 quan; 1 mẫu 1 sào đến 1 mẫu 5 sào thu 1 quan 5 tiền; từ 1 mẫu 6 đến 2 mẫu thu 2 quan; từ 2 mẫu 1 sào đến 2 mẫu 5 sao thu 2 quan 6 tiền, từ 2 mẫu 6 trở lên thu 3 quan. Đinh nam không có ruộng, trẻ mồ côi, bà góa dẫu có ruộng cũng được miễn trừ.

Các bài viết cùng chủ đề

Hồ Quý Ly và 2 lần diễn kịch hòng che mắt nhà Minh​

Hồ Quý Ly và mưu kế dùng độc trị độc với nhà Minh​

Hồ Quý Ly xử lăng trì vua bù nhìn do nhà Minh dựng​

Hồ Quý Ly đường cùng không giữ khí tiết là điều đáng thẹn

Hồ Quý Ly và cơ hội ghi điểm danh dự khi chạm mặt vua Minh

Hồ Quý Ly đầu hàng vì hèn nhát hay muốn bắt chước Việt vương Câu Tiễn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu có thời gian, Hồ Quý Ly có thể thành công như nhà Trần