Năm nào cũng thế, khi gần cuối năm học là các giáo viên lại “đau đầu” với điểm số của học sinh. Ngày nào đến lớp thầy cô cũng nhắc nhở các em học để làm bài kiểm tra lại. Hết nhẹ nhàng đến căng thẳng mà các em chẳng có động tĩnh gì.

Cuối năm học, giáo viên lại 'đau đầu' với điểm số học sinh

26/03/2018, 07:20

Năm nào cũng thế, khi gần cuối năm học là các giáo viên lại “đau đầu” với điểm số của học sinh. Ngày nào đến lớp thầy cô cũng nhắc nhở các em học để làm bài kiểm tra lại. Hết nhẹ nhàng đến căng thẳng mà các em chẳng có động tĩnh gì.

Học sinh mệt mỏi vì thi cử - Ảnh: Zing

Trước đây, khi chưa áp lực chỉ tiêu thi đua thì giáo viên chẳng lo gì cả. Học sinh nào điểm yếu hoặc không làm bài thì cuối năm ở lại lớp. Còn bây giờ các em không làm bài thì thầy cô lo hơn học sinh. Thầy cô phải nghĩ trăm phương ngàn kế để đủ chỉ tiêu đã giao đầu năm. Chỉ tiêu đưa ra năm nào cũng ở mức cao, năm sau cứ phải cao hơn năm trước. Nếu giáo viên có phản đối thì trường lại bảo trên giao xuống như thế thầy cô thông cảm đi. Cuối cùng giáo viên lại ngậm ngùi phấn đấu cho đạt chỉ tiêu.

Cũng vì chỉ tiêu đưa ra quá cao mà các giáo viên cứ "mắt nhắm mắt mở" nâng điểm số. Nhiều học sinh bây giờ hư cũng bắt nguồn từ đây. Có em biết rằng nếu mình không học thì cuối năm vẫn được lên lớp, vậy thì cần gì phải cố gắng. Có em đến lớp giờ kiểm tra chẳng thèm làm bài. Khi gọi lên bảng thì cứ điệp khúc em chưa học bài. Nhất là những em học cuối cấp, các em chẳng lo nghĩ gì về điểm số. Bởi vì các em chẳng học vẫn tốt nghiệp bình thường. Chỉ tiêu các trường đưa ra là tốt nghiệp 100% nên giáo viên phải bằng mọi giá cho đạt chỉ tiêu. Thế mới có hiện tượng thầy cô ngó lơ khi coi thi hoặc dặn trò giúp nhau khi làm bài là vì thế.

Một cô giáo dạy Toán lớp 9, nhà ở thành phố Tây Ninh tâm sự: “Học sinh bây giờ ngộ lắm, chúng chẳng bao giờ quan tâm đến điểm số. Một số em đi học nhưng chẳng chịu học bài. Nhìn điểm số của các em mà chán vô cùng. Năm nay mình đăng kí Chiến sĩ thi đua cơ sở. Tình hình này mình sẽ không được xét vì không đạt chỉ tiêu. Mà nâng điểm thì thấy sai quy định với lại rất bất công cho các học sinh khác. Thôi thì cứ làm đúng lương tâm của mình.”

Bản thân tôi là một giáo viên dạy Văn lớp 9 cũng luôn lo lắng điểm số của học sinh. Năm nào dạy ở lớp có học sinh khá giỏi nhiều còn đỡ, chứ dạy ở lớp học sinh yếu nhiều thì buồn vô cùng. Nhiều em vừa quậy phá, vừa lười học. Khi kiểm tra các em chẳng chịu học bài.

Giáo viên chủ nhiệm thì cứ nhắc nhở: “Thôi rộng rãi cho các em có cái bằng tốt nghiệp để học nghề. Chứ em mà để nguyên điểm là các em ấy rớt tốt nghiệp đấy. Rồi không kể ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của trường. Nguyên tắc quá cũng không hay em ạ.” Nhìn chị đồng nghiệp nhắc nhở mà tôi chẳng biết nói gì. Ôi, bao giờ ngành mình bỏ được tiêu chí "lấy học lực học sinh xếp thi đua giáo viên" đây.

Vì lí do chỉ tiêu mà các giáo viên cứ đắn đo điểm số của học sinh. Nhiều thầy cô cuối năm gặp trò phải "dỗ ngọt" để học sinh làm bài kiểm tra lại. Một số cô thì rộng cửa cho luôn về nhà làm rồi nộp sau. Thế mà các em còn chẳng thèm làm mới sợ chứ. Nỗi khổ điểm số cho học sinh khiến nhiều giáo viên cảm thấy đau đầu.

Nhiều thầy cô mong ước được đánh giá theo đúng thực chất của các em. Thế nhưng có ai chịu như vậy? Các sếp luôn mong những con số đẹp. Cuối cùng thì giáo viên đành phải làm trái lương tâm của người thầy là nâng điểm số cho học sinh.

Chúng tôi cứ tự hỏi bao giờ ngành mình bỏ được tiêu chí thi đua cho giáo viên bớt khổ đây?

Loát Trần/Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuối năm học, giáo viên lại 'đau đầu' với điểm số học sinh