Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) vừa chính thức được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp Giấy phép vận chuyển thương mại hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ. Đây là một trong nhiều điều kiện cần thiết để một hãng hàng không được phép bay đến Mỹ.
Cụ thể, VNA được phép thực hiện các chuyến bay giữa Hà Nội, TP.HCM tới một số điểm đến của Mỹ, có thể thông qua các điểm trung chuyển tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Osaka, Nagoya (Nhật Bản). Các điểm đến tại Mỹ sẽ bao gồm Los Angeles, San Francisco (California); New York (New York), Seattle (Washington) và Dallas/Fort Worth (Texas). Hãng cũng có thể thực hiện các chuyến bay đi tiếp từ Mỹ đến các thành phố Vancouver, Montreal và Toronto của Canada.
Ngoài ra, VNA cũng được cấp phép khai thác các đường bay từ điểm ngoài Việt Nam, qua Việt Nam và các điểm trung chuyển khác tới 25 điểm đến tại Mỹ dưới hình thức liên danh (codeshare). Đồng thời, giấy phép này cũng cho phép VNA được thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) giữa hai nước.
Ngoài Giấy phép đã được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp, Hãng sẽ cần tiếp tục thực hiện thủ tục xin cấp phép tại các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ, gồm Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Tổ chức An ninh vận tải Mỹ (TSA), Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTBS) và một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác trước khi chính thức khai thác các chuyến bay đến Mỹ.
Vào đầu năm 2019, sự kiện FAA cấp chứng nhận CAT 1 cho Cục Hàng không Việt Nam được coi là bước tiến mới của quan hệ hợp tác hàng không Việt - Mỹ. Đây là điều kiện tiên quyết về mặt kỹ thuật để các hãng hàng không Việt Nam có thể thiết lập dịch vụ bay thẳng đến Mỹ và liên danh với các hãng hàng không Mỹ.
Sau khi Cục Hàng không Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn, FAA sẽ tiếp tục đánh giá năng lực của từng hãng hàng không tại Việt Nam. Trong thời gian này, sự kiện VNA được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp giấy phép bay đến Mỹ đã góp phần khẳng định chất lượng dịch vụ và năng lực đảm bảo an toàn bay của hàng không Việt Nam.
P.V