Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) định giá tổng tài sản doanh nghiệp cũng như tổng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thiếu hàng nghìn tỉ đồng trước thềm cổ phần hóa.
Vicem là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Xây dựng và nằm trong số 93 tập đoàn, tổng công ty phải cổ phần hóa xong trước năm 2021, theo chỉ đạo cách đây nửa tháng của Thủ tướng.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định tổng giá trị phần vốn nhà nước tại Vicem tăng khoảng 1.169 tỉ đồng khi xác định lại giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản. Cụ thể, giá trị tài sản Vicem thời điểm tháng 10.2018 khoảng 28.227 tỉ đồngvà giá trị vốn nhà nước khoảng 27.803 tỉ đồng.
Trong khi đó, với phương pháp xác định giá trị Vicem theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, KTNN khẳng định tổng giá trị vốn nhà nước tại Vicem đạt 25.127 tỉ đồng, tăng khoảng 1.747 tỉ đồng so với con số báo cáo của Vicem.
Nguyên nhân chênh lệch cả nghìn tỉ đồng khi xác định tài sản, giá trị vốn nhà nước tại Vicem trước cổ phần hóa được KTNN chỉ ra là khi xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa, Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập quên giá trị quyền khai thác khoáng sản của một số công ty con trực thuộc Vicem và tính toán chưa đầy đủ giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp.
Vicem hiện là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. KTNN cho biết tại thời điểm ngày 1.10.2018, các công ty TNHH MTV thuộc Vicem được cấp 9 giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi, đá sét để sản xuất xi măng.
Trong đó, Vicem Hoàng Thạch được cấp 4 giấy phép, Vicem Hải Phòng được cấp 3 giấy phép, Vicem Tam Điệp được cấp 2 giấy phép. Thời gian được cấp phép từ 2-30 năm, tùy theo từng giấy phép.
Tổng trữ lượng khoáng sản được cấp phép khai thác hàng năm khoảng 9,56 triệu tấn đá vôi, 1,91 triệu tấn đá sét. KTNN căn cứ vào giá mua bán đá, mức thuế tài nguyên, nhân với sản lượng khai thác hàng năm theo giấy phép, giá thành khai thác khoáng sản của các đơn vị để xác định giá trị quyền khai thác các mỏ đá vôi, đá sét của các công ty con thuộc Vicem khoảng 1.193 tỉ đồng.
Cụ thể, giá trị quyền khai thác các mỏ khoáng sản của Vicem Hoàng Thạch khoảng 325,8 tỉ đồng, Vicem Hải Phòng khoảng 523,6 tỉ đồng, Vicem Tam Điệp khoảng 344,4 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, khi xác định phần vốn nhà nước tại Vicem, đơn vị kiểm toánchỉ căn cứ theo báo cáo tài chính - giá trị sổ sách của Vicem khi góp vốn đầu tư dài hạn vào các Công ty Xi măng Chinfon, Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam, Công ty Xi măng Nghi Sơn nên chưa bảo đảm đúng giá thị trường của các khoản đầu tư.
Theo KTNN, giá trị các khoản đầu tư của Vicem vào các công ty con khoảng 3.660 tỉ đồng, tăng khoảng 1.239 tỉ đồng so với kết quả kiểm toán.
Bên cạnh đó, một loạt thiếu sót khác cũng được KTNN chỉ ra trong báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa do Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện. Đó là việc tính toán chưa đầy đủ giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp.
Hiện Vicem và các công ty con đang sở hữu nhiều lô đất, tài sản trên đất có giá trị tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An. KTNN đã đề nghị Vicem và đơn vị kiểm toán xác định đầy đủ giá trị các lô đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Với những thiếu sót trên, KTNN kiến nghị Vicem phối hợp với đơn vị kiểm toán điều chỉnh kết quả xác định giá trị doanh nghiệp. Hội đồng thành viên Vicem cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện các kiến nghị và báo cáo kết quả cho KTNN trước ngày 30.9.
Tuyết Nhung