VKS nhận định vụ án này là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm, sự cấu kết của doanh nghiệp với người có thẩm quyền nhằm trục lợi, xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

VKS: Vụ án AIC là một minh họa điển hình của sự cấu kết, trục lợi

Nhã Thanh | 24/12/2022, 11:10

VKS nhận định vụ án này là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm, sự cấu kết của doanh nghiệp với người có thẩm quyền nhằm trục lợi, xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

Sáng 24.12, HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Trước khi tranh luận, đại diện VKS tiến hành nêu quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị mức án đối với 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Vụ án có 36 bị cáo bị đưa ra xét xử; tuy nhiên có 8 bị cáo hiện đang bị quy kết là bỏ trốn, trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC).

Theo VKS, trong những năm qua, việc phòng chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, việc phát hiện các vụ án chống tham nhũng là không có vùng cấm, nhằm giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân. Nhiều vụ án nghiêm trọng được phát hiện, nhiều người phạm tội có chức vụ cao được đưa ra xét xử, xử lý nghiêm minh.

VKS nhận định vụ án này là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm, sự cấu kết của doanh nghiệp với người có thẩm quyền nhằm trục lợi, xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

nguyen-thi-thanh-nhan.png
Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh: Internet

Đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC), theo VKS, hành vi phạm tội được chứng minh qua các tài liệu, lời khai của các nhân viên Công ty AIC, lời khai của các bị cáo khác. Theo đó, Nhàn yêu cầu các nhân viên thực hiện “Quy trình 70 bước”, có nội dung thực hiện thông thầu, trái quy định của Luật Đấu thầu.

Trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp và nhờ Trần Đình Thành (khi đang là Bí thư Tỉnh ủy) mời lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho Công ty tham gia các dự án của tỉnh.

Nhàn còn giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga (khi đó là Trưởng Ban quản lý Dự án phụ trách khu vực phía Nam của Công ty AIC) với Trần Đình Thành để phối hợp thực hiện. Sau đó, Nhàn và Nga đã nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh và đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.

Trần Đình Thành giới thiệu Công ty AIC và nói Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) tạo điều kiện thuận lợi cho phía Công ty tham gia đấu thầu thiết bị y tế. Trần Đình Thành biết việc giới thiệu như vậy là tạo điều kiện để AIC được trúng thầu, còn việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu thầu là do Phan Huy Anh Vũ phối hợp với Công ty AIC thực hiện, biết Công ty AIC đã trúng 16 gói thầu thiết bị y tế.

Quá trình Công ty AIC tham gia và trúng thầu, từ năm 2010 – 2015, Trần Đình Thành 6 lần nhận tiền với tổng số tiền là 14,5 tỉ đồng do Nhàn trực tiếp đưa tại Hà Nội và Đồng Nai.

VKS cũng trích dẫn lại lời khai của Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), thể hiện việc biết Nguyễn Thị Thanh Nhàn qua sự giới thiệu của Trần Đình Thành. Sau đó, Nhàn nhiều lần gặp, nhờ Đinh Quốc Thái tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia và trúng các gói thầu của Dự án.

Thái biết bà Nhàn đã hỗ trợ, giúp UBND tỉnh xin tăng vốn đầu tư Dự án, quen thân với Trần Đình Thành nên phải tạo điều kiện cho Công ty của bà Nhàn trúng thầu. Quá trình thực hiện Dự án, Đinh Quốc Thái đã 14 lần nhận tổng số tiền 14,5 tỉ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà tại Đồng Nai hoặc Hà Nội.

vks.png
VKS tại phiên tòa - Ảnh: TTXVN

Phan Huy Anh Vũ khai được ông Thành chỉ đạo tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật 16 gói thầu thiết bị y tế, và nhận 14,8 tỉ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Tại phiên tòa, bị cáo Vũ thừa nhận những nội dung khai báo nêu trên.

Qua lời khai của các bị cáo cùng các tài liệu, chứng cứ khác, VKS còn xét thấy quá trình đấu thầu, Nhàn chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013), tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu. Mục đích đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định.

Bằng các chứng cứ và lời khai của các bị cáo, VKS có đủ cơ sở xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo nhân viên thực hiện “Quy trình 70 bước”, chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu cho công ty “quân đỏ” và “quân xanh”, nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định, giúp Công ty AIC trúng toàn bộ 16 gói thầu, gây thiệt hại hơn 152 tỉ đồng.

VKS xác định hành vi nêu trên của Nhàn đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; hành vi đưa tiền cho những người có chức vụ của Nhàn đã phạm vào tội “Đưa hối lộ”.

Hiện phiên tòa đang tạm nghỉ trước khi VKS tiếp tục tiến hành phần luận tội.

Bài liên quan
Xét xử vụ AIC: Phía Công ty AIC chấp nhận bồi thường thiệt hại
Đại diện Công ty AIC nói “đồng ý bồi thường thiệt hại” và mong Tòa xem xét thành tích của các nhân viên Công ty AIC đang là bị cáo trong vụ án này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VKS: Vụ án AIC là một minh họa điển hình của sự cấu kết, trục lợi