Lượng cát được bồi đắp và trôi ra biển Đông mỗi năm của sông Tiền và sông Hậu là tương đương. Trong khi đó mỗi năm, gần 40 triệu m³ cát ở 2 con sông này bị đào lên. Chuyên gia dự báo, 40% diện tích của ĐBSCL sẽ biến mất trong gần 100 năm nữa.

Cảnh báo tương lai ĐBSCL khi gần 40 triệu m³ cát bị khai thác mỗi năm

Nguyên Việt | 23/12/2022, 11:28

Lượng cát được bồi đắp và trôi ra biển Đông mỗi năm của sông Tiền và sông Hậu là tương đương. Trong khi đó mỗi năm, gần 40 triệu m³ cát ở 2 con sông này bị đào lên. Chuyên gia dự báo, 40% diện tích của ĐBSCL sẽ biến mất trong gần 100 năm nữa.

Đó là những con số đáng báo động được các chuyên gia của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam phát đi trong một tọa đàm về vấn đề quản lý cát bền vững ở ĐBSCL tổ chức mới đây, tại TP.Cần Thơ.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, việc khai thác cát không bền vững đang tác động nhiều đến hình thái của sông Tiền và sông Hậu, 2 hệ thống sông chính ở ĐBSCL. 40% diện tích ĐBSCL sẽ biến mất vào năm 2100 vì thiếu hụt trầm tích mà việc khai thác cát quá mức là một trong những nguyên nhân.

Theo WWF, tình trạng khai thác cát quá mức đã làm cho những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng càng trầm trọng hơn, đặc biệt là việc đối mặt với sạt lở bờ sông ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

anh-13-1-.jpg
Khai thác cát trên sông Hậu, đoạn thuộc huyện Bình Tân, Vĩnh Long - Ảnh: Nguyên Việt

Báo cáo tham vấn của WWF và Tổng cục Phòng chống thiên tai (thuộc Bộ NN-PTNT) cho thấy, sạt lở đã bủa vây khắp cả đồng bằng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 500 ha đất. Trong 3 năm từ 2018 - 2020, sạt lở gây thiệt hại hơn 200 tỉ đồng tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau.

Riêng năm 2020, An Giang có 53 điểm sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm với chiều dài trên 171.000m, khiến khoảng 20.000 hộ phải di dời; Đồng Tháp mất khoảng 329 ha đất do sạt lở, di dời khoảng 8.000 hộ dân; Cần Thơ nằm ở giữa đồng bằng nhưng vào cuối năm 2020 cũng đã có 30 điểm sạt lở, 1.400m sông bị xói mòn, thiệt hại hơn 16 tỉ đồng. Mới đây nhất vào ngày 5.12, vụ sạt lở dài khoảng 350m, rộng khoảng 160m trên sông Cổ Chiên ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã làm mất hơn 4 ha đất, khiến 22 hộ dân với 109 nhân khẩu bị ảnh hưởng, có 12 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở này xuất phát từ việc khai thác nước ngầm quá mức và việc xây dựng hàng loạt các đập thủy điện ở thượng nguồn, đặc biệt là việc khai thác cát sông ngày càng tăng. Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông.

Giai đoạn 1998 - 2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5m nhưng ở giai đoạn 2009 - 2016 độ sâu này tăng thêm 5 - 10m và kéo theo 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn.

anh-7.jpg
Cát ở ĐBSCL đang bị khai thác quá mức - Ảnh: Nguyên Việt

Theo ông Hà Huy Anh - Quản lý dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL thuộc WWF, hiện nay, khối lượng cát đổ về ĐBSCL từ 6 -7 triệu tấn/năm và khoảng 6,5 triệu tấn cát đổ ra biển Đông. Trong khi đó, lượng cát được khai thác từ các con sông ở khu vực này là từ 28-40 triệu tấn/năm. Điều này có nghĩa, mỗi năm, ĐBSCL đang bị thâm hụt một lượng cát từ 27,5 - 39,5 triệu tấn.

PGS-TS Nguyễn Nghĩa Hùng - Phó viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, cát lòng sông là tài nguyên đặc biệt cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, ở ĐBSCL, cát lòng sông được khai thác và sử dụng khá lớn với mục đích chủ yếu là làm vật liệu xây dựng, san lấp nền. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề khai thác cát ở khu vực này đang phải đối mặt với các thách thức như giảm lượng cát hàng năm do ảnh hưởng của xây dựng đập thượng nguồn; biến đổi khí hậu; khai thác quá mức làm mất cân bằng sinh thái, mất ổn định hình thái sông; sạt lở, xói lở, bồi lắng mất kiểm soát ở hạ lưu; chưa cân đối cung cầu, dựa trên quy hoạch, trữ lượng thăm dò.

Theo ông Hùng, hiện nay có khá nhiều các đề tài nghiên cứu về quy hoạch chỉnh trị sông, quy hoạch thủy lợi. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến quy hoạch khai thác cát bền vững vẫn chưa nhiều.

Góp phần quản lý cát, WWF đã triển khai dự án Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công – tư trong khai thác cát bền vững ĐBSCL (gọi tắt là Dự án quản lý Cát bền vững). Dự án thực hiện từ tháng 7.2019 – 5.2024.

Hiện tại, dự án đã hoàn thành các hoạt động khảo sát đo đạc trên hiện trường của hai gói công việc chính là gói "Ngân hàng cát" và gói "Kế hoạch Duy trì hình thái sông." Dự kiến, các kết quả chính thức sẽ được công bố vào tháng 3.2023 tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo tương lai ĐBSCL khi gần 40 triệu m³ cát bị khai thác mỗi năm