Từ ngày 24.7, do xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong khu vực sản xuất thịt heo, Vissan đã tiến hành sàng lọc, tổ chức cô lập các khu vực, bộ phận có ca nhiễm, tiến hành phun khử khuẩn...

Vissan giảm công suất do có ca COVID-19, TP.HCM khẳng định sẽ không thiếu thịt

Tú Viên | 28/07/2021, 13:04

Từ ngày 24.7, do xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong khu vực sản xuất thịt heo, Vissan đã tiến hành sàng lọc, tổ chức cô lập các khu vực, bộ phận có ca nhiễm, tiến hành phun khử khuẩn...

Công ty Cổ phần Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) vừa có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM; Sở Công thương TP.HCM; Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đề xuất phương án xử lý dịch bệnh và sản xuất tại doanh nghiệp này, đề nghị các cơ quan xem xét.

Theo văn bản do ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan ký, từ ngày 28.6.2021, Công ty Vissan đã bắt đầu thực hiện Phương án “ba tại chỗ”: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ. 

Tính đến nay đã duy trì được một tháng và đã đáp ứng được nhu cầu thịt tươi sống và thực phẩm chế biến cho thị trường, đặc biệt trong thời gian bắt đầu thực hiện chỉ thị 16, chỉ thị 10 tại TP.HCM.

Tuy nhiên, đến ngày 17.7, công ty phát hiện có 4 ca F0 và đã đưa đi cách ly tập trung. Đến ngày 20.7, có thêm 20 ca nhưng các ca này đều cách ly tại công ty. Từ ngày phát hiện ca nhiễm đến nay, có nhiều ca F1 đã thành F0 và F2 chuyển lên F1. Đến ngày 23.7, Vissan có 43 ca nhiễm COVID-19.

văn bản nêu: "Với đặc thù là ngành thực phẩm tươi sống, các sản phẩm phải tiêu thụ trong ngày và phát sinh hàng đổi trả; ngoài ra việc tập trung số lượng lớn nhân viên (gần 1.500 người) tại Công ty, thì các điều kiện ăn ở, sinh hoạt mặc dù có nhiều cố gắng nhưng cũng khó đạt yêu cầu”.

Từ tình hình thực tế trên, Vissan đề xuất các cơ quan chức năng 2 phương án.

Phương án 1: Công ty đã đưa toàn bộ các trường hợp F0 cách ly tập trung theo quy định. Các nhân sự còn lại được thực hiện xét nghiệm sàng lọc, khi có kết quả âm tính, Công ty sẽ bố trí các nhân sự này vào các khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để tiếp tục sản xuất.

Các đối tượng này sẽ được xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần, để tiếp tục bóc tách, phân lập những nhân sự có kết quả âm tính tập trung lại với nhau thành các khu riêng biệt, độc lập để đảm bảo an toàn cho những người lao động. Với phương án này, thuận lợi là Công ty sẽ tiếp tục duy trì sản xuất, có thể giảm sản lượng do thiếu hụt nhân sự bị F0 hoặc cách ly.

Tuy nhiên, khó khăn khi thực hiện phương án này là cần có sự thống nhất của toàn bộ người lao động cùng ở lại Công ty tiếp tục thực hiện phương châm “ba tại chỗ” và cần được sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh trong việc tiến hành xét nghiệm sàng lọc.

Phương án 2: Thực hiện gửi các đối tượng F1 về địa phương sau khi xét nghiệm âm tính và tiến hành cách ly các đối tượng F2 (không được sản xuất) theo quy định.

Công ty đề nghị xin được dừng sản xuất kinh doanh cho đến khi các đối tượng F1, F2 hết thời gian cách ly, đủ điều kiện quay trở lại Công ty làm việc. Nếu thực hiện phương án này, Công ty có khả năng ngừng hoạt động trong thời gian từ 3-4 tuần.

Được biết, Vissan có lượng giết mổ chiếm 9,47% của TP.HCM lúc bình thường và 26,55% - 28,6% khi thực hiện giãn cách nên TP.HCM sẽ điều tiết về các cơ sở giết mổ khác để bù đắp nguồn thịt thiếu hụt.

Trong những ngày cao điểm nửa đầu tháng 7, Vissan đã chủ động thực hiện "3 tại chỗ" ở nhà máy, mỗi ngày giết mổ cung ứng ra thị trường khoảng 1.200 - 1.500 con (tương đương sản lượng 85 -105 tấn), tăng từ 2 - 2,5 lần so với bình thường.

Từ ngày 24.7, do xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong khu vực sản xuất thịt heo, Vissan đã tiến hành sàng lọc, tổ chức cô lập các khu vực, bộ phận có ca nhiễm, tiến hành phun khử khuẩn... và thực hiện các hướng dẫn của HCDC. Cùng với đó, Vissan cũng giảm lượng thịt heo giết mổ hằng ngày xuống còn 500-700 con/ngày, chỉ cung cấp heo mảnh, ngừng cung cấp mặt hàng chủng loại, hàng đóng khay và một số mặt hàng cho hệ thống siêu thị.

Hiện sản lượng thịt heo tươi sống của doanh nghiệp này giảm khoảng 15 - 20% so với trước đây. Công ty cũng đang rà soát tính toán lại năng lực sản xuất, báo cáo Sở Công thương TP.HCM để thành phố kịp thời có phương án chuẩn bị nguồn hàng thay thế khi cần thiết.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp thông tin, Công ty CP Vissan đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm công nhân đã phát hiện các ca dương tính nên buộc phải tạm ngưng một số khâu trong nhà máy, trong đó có khâu pha lóc và đóng khay. Đến nay, hoạt động của nhà máy giết mổ vẫn khá linh động và điều chuyển được công nhân bộ phận này sang bộ phận khác để làm, trước mắt, hoạt động giết vẫn duy trì khá ổn định, chỉ khó khăn bộ phận pha lóc phải tạm ngưng, nên không cung cấp thịt sơ chế ra thị trường.

Theo Sở NN-PTNT, hiện nguồn cung thịt tươi sống cho thị trường TP.HCM đến từ hai nguồn: Từ các lò giết mổ trên địa bàn thành phố, trong đó nguồn thịt heo chiếm gần 79%, thịt gà chiếm hơn 58% và bò khoảng 8,7%. Phần còn lại là từ các tỉnh lân cận cung cấp như Đồng Nai, Long An và cả Tây Ninh.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, khi các lò tại TP.HCM gặp sự số, các nguồn hàng thịt từ Đồng Nai, Long An… sẽ được điều chuyển hỗ trợ, không để thiếu hụt. Hiện tại, ở Đồng Nai có nhà máy lớn của Công ty C.P Việt Nam, ở Long An có máy lớn MeatDeli của Masan. Nên nguồn cung thịt của TP.HCM trong những ngày tới không quá đáng lo ngại, thiếu hụt và khan hàng như xảy ra đối với mặt hàng rau củ quả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vissan giảm công suất do có ca COVID-19, TP.HCM khẳng định sẽ không thiếu thịt