Việt Nam hôm nay đã yêu cầu Trung Quốc rút ngay các máy bay chiến đấu ra khỏi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và không tái diễn các hành động tương tự, sau khi báo chí Mỹ “tố” Bắc Kinh đưa 16 máy bay chiến đấu J-11 tới đảo Phú Lâm.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay máy bay chiến đấu ra khỏi Hoàng Sa

Dân Trí | 14/04/2016, 18:32

Việt Nam hôm nay đã yêu cầu Trung Quốc rút ngay các máy bay chiến đấu ra khỏi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và không tái diễn các hành động tương tự, sau khi báo chí Mỹ “tố” Bắc Kinh đưa 16 máy bay chiến đấu J-11 tới đảo Phú Lâm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã đưa ra các bình luận trên trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào chiều nay 14.4.

“Một lần nữa chúng tôi khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu tới khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình và sự ổn định của khu vực”, ông Lê Hải Bình tuyên bố.

Người phát ngôn nói thêm, Việt Nam mạnh mẽ phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự.

“Là thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và là nước có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và xây dựng theo hướng duy trì hòa bình, ổn định của khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế dựa trên công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, ông Bình nhấn mạnh.

Trước đó, báo chí Mỹ dẫn lời một quan chức quốc phòng nước này cho hay Trung Quốc đã trắng trợn triển khai số lượng máy bay chiến đấu lớn chưa từng có tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Quan chức Mỹ giấu tên nói với tờ Stars and Stripes rằng Trung Quốc đã đưa 16 máy bay chiến đấu tiên tiến J-11 tới đảo Phú Lâm hôm 7/4. Theo ông này, việc triển khai số lượng lớn như vậy là “chưa có tiền lệ”, mặc dù đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh trái phép đưa máy bay chiến đấu tới Phú Lâm.

Trung Quốc gần đây liên tiếp có các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, trong đó có việc đưa máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên án Trung Quốc về các hành động bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các công trình phi pháp và triển khai vũ khí ở Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng các động thái này cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và xem thường các nỗ lực ngoại giao của các bên nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.

Hoan nghênh tuyên bố của G7 về Biển Đông

Cũng liên quan tới tình hình Biển Đông, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 vừa qua đã ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại về các diễn biến trên Biển Đông và Hoa Đông thời gian gần đây, ông Lê Hải Bình cho hay Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của các ngoại trưởng G7 theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

“Việt Nam đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”, người phát ngôn nói.

Trước việc báo chí nước ngoài đưa tin rằng giới chức quốc phòng Việt Nam và Philippines trong tuần này sẽ gặp nhau để thảo luận khả năng tuần tra và tập trận chung trên biển Đông, ông Lê Hải Bình cho hay đến nay ông chưa nhận được thông tin này. Tuy nhiên, ông Bình nói thêm, trong thời gian này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đang có chuyến thăm Philippines. Với chính sách đối ngoại cũng như chính sách quốc phòng hoà bình, độc lập, tự chủ của mình, bất cứ hợp tác nào của Việt Nam với các bên đối tác cũng đều nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Bình luận về việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây nói rằng các bên liên quan trên Biển Đông nên tự giải quyết tranh chấp và không nên quốc tế vấn đề này, ông Bình đã nhấn mạnh rằng lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán và đã được nhắc lại nhiều lần.

“Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và trên tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến 2 nước thì giải quyết song phương. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như vấn đề quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan. Đối với những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực như vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung quan tâm”, ông Bình nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự G7 mở rộng

Ông Lê Hải Bình hôm nay cũng cho biết thêm về quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam tới đây. Theo ông Bình, hai bên vẫn đang tiếp tục thu xếp cho chuyến thăm và sự kiện này dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng 5.

Người phát ngôn còn cho hay, tân Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng được tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng 5 tới.

An Bình/Dân Trí

Ảnh:Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Bài liên quan
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trở thành điểm sáng trên thế giới
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, từ những bước đầu tiên, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã vươn lên trở thành điểm sáng không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay máy bay chiến đấu ra khỏi Hoàng Sa