Trước việc Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 6 năm thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và tiến hành hàng hoạt các hoạt động phi pháp, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các việc làm này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Việt Nam phản đối Trung Quốc kỷ niệm 6 năm thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa'

11/08/2018, 06:30

Trước việc Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 6 năm thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và tiến hành hàng hoạt các hoạt động phi pháp, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các việc làm này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Yêu cầu trên được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh trong tuyên bố chính thức vừa phát đi hôm 10.8.

Cụ thể, gần đây Trung Quốc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 6 năm thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, lắp đặt và đưa vào sử dụng phao đèn quan trắc sóng biển ở Phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam; Kênh Thiếu nhi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc tổ chức chương trình truyền hình thực tế cho thiếu nhi ở Quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam; Đại học Trung Sơn Trung Quốc thực hiện một loạt các khảo sát khoa học tổng hợp ở Quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo bà Hằng, các hành động nêu trên của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực.

“Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực.” - bà Hằng nêu rõ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết, đại diện Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam giao thiệp về vấn đề này.

Hôm 3/8, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Singapore, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thẳng thắn trao đổi về vấn đề Biển Đông.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam nêu rõ, cần kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm đạt được COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc.

Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 mới đây, ASEAN và các đối tác chia sẻ quan ngại về diễn biến, tình hình Biển Đông, với các hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin và gây nguy hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

theo Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam phản đối Trung Quốc kỷ niệm 6 năm thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa'