Hãng tin Bloomberg đã đưa ra kết quả khảo sát về tốc độ tăng trưởng kinh tế 2016, trong đó Việt Nam đạt 6,6% GDP, xếp thứ hai thế giới chỉ sau Ấn Độ với mức 7,4%.

Việt Nam được dự báo tăng trưởng cao thứ hai thế giới 2016: Tại sao không phải là thứ nhất?

Một Thế Giới | 13/01/2016, 06:00

Hãng tin Bloomberg đã đưa ra kết quả khảo sát về tốc độ tăng trưởng kinh tế 2016, trong đó Việt Nam đạt 6,6% GDP, xếp thứ hai thế giới chỉ sau Ấn Độ với mức 7,4%.

Việc nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây được xem là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy nền kinh tế đất nước đã thực sự hồi phục trở lại.
Và có lẽ đó cũng là lý do vì sao tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 đang được các chuyên gia kinh tế trên thế giới đánh giá cao. Đến mức một hãng tin có tiếng trên thế giới là Bloomberg đã đưa ra kết quả khảo sát về tốc độ tăng trưởng kinh tế 2016, trong đó Việt Nam đạt 6,6% GDP, xếp thứ hai thế giới chỉ sau Ấn Độ với mức 7,4%. Dĩ nhiên, đây là một tín hiệu vui cho nền kinh tế. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào câu chuyện, chúng ta không thể tự đặt ra câu hỏi: tại sao thứ nhất lại không phải là Việt Nam?
Mức tăng trưởng hiện tại chưa phản ánh đúng tiềm năng
Nhìn vào kết quả khảo sát tăng trưởng của Bloomberg, thì tốc độ được dự báo của Việt Nam trong năm 2016 đạt mức 6,6% GDP, thấp hơn một chút so với con số được các chuyên gia trong nước kỳ vọng là khoảng 6,8-6,9%. So với quốc gia đứng đầu bảng là Ấn Độ với mức tăng trưởng được dự báo 7,4%, khoảng cách giữa Việt Nam và Ấn Độ là không quá lớn. Việc Việt Nam có thể vượt qua Ấn Độ để giữ vị trí số một là hoàn toàn có thể, nếu như chúng ta hiểu rõ rằng mức tăng trưởng 6,6% được dự báo mới chỉ là phản ánh một phần tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại mà thôi.
Trên thực tế, con số tăng trưởng 6,6% mà Bloomberg dự báo cũng không phải là điều gì quá bất ngờ đối với kinh tế Việt Nam từ trước đến nay. Trong suốt giai đoạn 1990 – 2014, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam lên tới 6,9%. Với một nền kinh tế mới nổi và được đánh giá là có nhiều tiềm năng như Việt Nam, thì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7% mỗi năm là điều không có gì khó hiểu. Hầu hết các quốc gia mới nổi, khi mới mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài thì việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn đầu là việc bình thường, từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay nhỏ hơn như Việt Nam, Myanmar.
Dĩ nhiên, việc Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng 6,6% trong giai đoạn nền kinh tế thế giới đang suy trầm hiện nay hoàn toàn khác với việc Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn trước đó. Trong suốt 4 năm qua, Việt Nam luôn có mức tăng trưởng dưới 6,7% do những khó khăn của nền kinh tế. Nhưng cần nhìn nhận một thực tế là Việt Nam rơi vào trì trệ trong 4-5 năm qua chủ yếu là do những vấn đề nội tại của nền kinh tế, chứ không phải là do ảnh hưởng từ sự trì trệ của nền kinh tế thế giới.
Đó là lý do vì sao, trong khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục thì Việt Nam lại phục hồi được tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2015, vì các khó khăn nội tại với nền kinh tế Việt Nam đã được kiểm soát tốt trong năm này, nên bất chấp kinh tế thế giới còn trì trệ thì Việt Nam vẫn hồi phục. Nói cách khác, sức bật của nền kinh tế Việt Nam hiện tại vẫn nằm ở nội lực khá dồi dào và ít bị ảnh hưởng bởi tác động từ bên ngoài.
Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng trên 6,5% mà Bloomberg đang dự báo mới chỉ là tốc độ tăng trưởng trung bình mà Việt Nam vẫn đạt được trong suốt giai đoạn trước khủng hoảng mà thôi. Nó chưa phản ánh hết các tiềm năng và lợi thế mà Việt Nam đang sở hữu, nhất là trong giai đoạn kể từ năm 2015, khi Việt Nam đang là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn chưa từng có do tác động của việc các hiệp định thương mại như TPP và FTA được ký kết. Trong giai đoạn đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất, GDP của Việt Nam luôn cao hơn mức 7,4% mà Ấn Độ được dự báo, chẳng hạn như năm 2004 GDP Việt Nam đạt 7,8% còn trong năm 2005 là 8,4%. Đó là giai đoạn trước khủng hoảng 2007.
Và điều đáng nói ở đây là khi đó các điều kiện tăng trưởng mà Việt Nam nhận được chưa thuận lợi như ở thời điểm năm 2015, khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2015 đạt mức kỷ lục trên 22,76 tỉ USD. Điều này có nghĩa là, nếu kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục tốt và trở lại tình trạng tăng trưởng lành mạnh như giai đoạn 2004-2005, thì với thuận lợi đến từ TPP và các FTA thông qua nguồn vốn đầu tư nước ngoài, việc đạt được tốc độ trên 7,5% là điều hoàn toàn có thể.
Không nên đặt nặng vấn đề tốc độ tăng trưởng
Điều đáng nói nhất thông qua sự việc lần này là ở thời điểm hiện tại, Việt Nam không nên quá đặt nặng vấn đề tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng GDP trên thực tế không phải là một chỉ số nói lên nhiều điều đối với nền kinh tế. Nếu như quá đặt nặng vấn đề tăng trưởng GDP, có thể sẽ đưa nền kinh tế vào hướng phát triển sai lầm mà giai đoạn khủng hoảng 2007-2011 vừa qua là một ví dụ. Cách tốt nhất để có được tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất là hãy quên nó đi và cố gắng phát huy hết mọi tiềm năng mà nền kinh tế có được ở mức độ lớn nhất, khi đó một chỉ số tăng trưởng GDP cao sẽ tự đến mà chúng ta không cần phải đi tìm. Đặt ra câu hỏi tại sao vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng tăng trưởng của Bloomberg không phải là Việt Nam, chủ yếu là một câu hỏi mở về việc phát huy tối đa các tiềm năng mà Việt Nam đang sở hữu.
Thay vì đặt nặng vấn đề tốc độ tăng trưởng, đã đến lúc Việt Nam cần một mục tiêu phát triển cốt lõi hơn, mà thu nhập bình quân đầu người là một ví dụ. Việc hướng đến cải thiện thu nhập đầu người đang là xu hướng ở các nước phát triển, hướng tới một chiến lược phát triển kinh tế bền vững. Một nền kinh tế sẽ không thể được xem là phát triển kể cả khi nó có một tốc độ tăng GDP cao ngất ngưởng, nhưng phần lớn lợi ích của sự tăng trưởng đó lại không trải rộng ra khắp xã hội và người hưởng thụ lợi ích đó lại không phải là đại bộ phận người dân. Một nền kinh tế không bền vững nếu càng phát triển nhanh sẽ càng dễ rơi vào trì trệ.
Ở thời điểm hiện tại, tính bền vững của nền kinh tế Việt Nam rõ ràng là chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn quá thấp, mới chỉ đạt hơn 2.100 USD/người, thấp hơn mức trung bình 10.000 USD/người của thế giới khá nhiều. Điều đáng nói hơn nữa là khoảng cách ấy có vẻ như đang ngày càng bị nới rộng. Mức 2.100 USD/người của Việt Nam hiện nay mới chỉ bằng mức của Malaysia năm 1988, của Thái Lan năm 1993 và Hàn Quốc năm 1982. Theo ước tính, phải đến năm 2035 Việt Nam mới đạt được mức 10.000-15.000 USD/người, tức là bằng với Malaysia ở thời điểm hiện tại.
Năm 2016 vì thế đang được đánh giá là năm bản lề, khi không chỉ là thời điểm Việt Nam nhận được những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế, mà còn là thời điểm Việt Nam cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng thích hợp và bền vững hơn cho tương lai. Tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã có gần 30 năm mở cửa và phát triển kinh tế lấy tăng trưởng GDP làm chủ đạo và có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần lấy mô hình phát triển lấy thu nhập bình quân đầu người làm nền tảng chủ đạo.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Cafebiz, CafeF)
Bài liên quan
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Nhiều di tích ở Hà Nội mở cửa miễn phí
Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, hàng loạt di tích lịch sử ở Hà Nội thông báo mở cửa miễn phí đón tiếp du khách tới tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam được dự báo tăng trưởng cao thứ hai thế giới 2016: Tại sao không phải là thứ nhất?