Hai nước Việt Nam, Đan Mạch sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hợp tác hiện tại trong nhiều lĩnh vực, hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Khoa học - công nghệ

Việt Nam - Đan Mạch đẩy mạnh hợp tác, hướng tới chuyển đổi xanh

Thu Anh 05/12/2023 16:54

Hai nước Việt Nam, Đan Mạch sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hợp tác hiện tại trong nhiều lĩnh vực, hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hướng tới một nền kinh tế carbon thấp

COP28 là COP quan trọng nhất kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua. Theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhân loại bắt buộc phải giảm lượng phát thải toàn cầu để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sau đó là phát thải ròng ở mức âm nếu muốn duy trì mục tiêu hạn chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris.

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này đã gửi đến cộng đồng quốc tế một tín hiệu rõ ràng về định hướng và quyết tâm của Việt Nam hướng tới phát triển một nền kinh tế carbon thấp, bền vững.

Đan Mạch cũng đặt mục tiêu giảm 70% lượng phát thải vào năm 2030, 100% vào năm 2045 và 110% vào năm 2050, trở thành quốc gia phát thải ròng âm vào năm 2050.

5.png
Chuyển đổi xanh có thể là động lực giúp phát triển kinh tế xanh - Ảnh: ĐSQ

Theo đánh giá của Đại sứ quán Đan Mạch, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và có một ngành công nghiệp phát triển ngày càng tốn nhiều năng lượng.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng là đối tác quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu khi là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, cũng như đang phải đối mặt với nhu cầu về năng lượng sạch ngày càng tăng từ các nhà đầu tư nước ngoài khi thiết lập nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Tại COP28, Đan Mạch công bố hỗ trợ tổng cộng 50 triệu USD cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Một nửa số này được phân bổ cho quỹ tổn thất và thiệt hại mới được thành lập ngay ngày đầu tiên của COP28.

Đan Mạch cũng sẽ khởi động sáng kiến thành lập liên minh Nhóm các nước phát thải âm (GONE), tạo ra một cuộc chạy đua để đạt vị trí dẫn đầu giữa các quốc gia trong việc đưa ra các mục tiêu tham vọng giảm thiểu các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

1.png
Hướng tới một nền kinh tế carbon thấp - Ảnh; ĐSQ

Đan Mạch luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam

Ở cuộc gặp tại COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cùng đánh giá cao quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả giữa Việt Nam và Đan Mạch, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng.

Trên cơ sở Quan hệ đối tác chiến lược xanh vừa được hai thủ tướng công bố ngày 1.11.2023, hai nhà lãnh đạo chính phủ cũng nhất trí chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.

Theo Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Nhóm đối tác quốc tế (IPG) và Đan Mạch luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phấn đấu để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đan Mạch có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi xanh; và thực tế từ Đan Mạch cho thấy chuyển đổi xanh có thể là động lực tạo ra nhiều việc làm và phát triển kinh tế xanh.

“Chúng tôi cam kết tiếp tục trao đổi kinh nghiệm cũng như công nghệ để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam”, Thủ tướng Đan Mạch chia sẻ.

Ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cũng cho biết, tại COP28, Đan Mạch sẽ thúc đẩy việc đạt được một thỏa thuận về việc giảm dần và chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, đặt ra các mục tiêu tăng vượt bậc tỷ lệ năng lượng tái tạo cũng như tăng cường việc sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tại Việt Nam, thông qua Chương trình đối tác năng lượng giữa hai nước, Đan Mạch đang hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện để đạt các mục tiêu tham vọng này.

Chương trình Đối tác năng lượng có mục tiêu hỗ trợ và trao đổi với các cơ quan hữu quan Việt Nam những kiến thức, công cụ cần thiết để xây dựng chính sách, kế hoạch chuyển đổi ngành năng lượng, cũng như thực hiện các chính sách và kế hoạch này.

“Việc thiết lập Quan hệ đối tác xanh gần đây giữa hai nước đã mở ra một cơ hội lớn hơn nữa trong việc củng cố quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và hướng tới một nền kinh tế carbon thấp trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế”, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết.

Bài liên quan
Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để HTX nông nghiệp cất cánh
Cả nước hiện có 1.931 hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng 13% và 12% tổng số HTX nông nghiệp cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
21 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam - Đan Mạch đẩy mạnh hợp tác, hướng tới chuyển đổi xanh