Cả nước hiện có 1.931 hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng 13% và 12% tổng số HTX nông nghiệp cả nước.

Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để HTX nông nghiệp cất cánh

Lam Thanh | 24/11/2023, 18:35

Cả nước hiện có 1.931 hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng 13% và 12% tổng số HTX nông nghiệp cả nước.

Mỗi nông dân phải có khả năng khai thác nền tảng dữ liệu

Ngày 24.11, tại diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”, các báo cáo cho biết đến hết tháng 10.2023, cả nước có 95 liên hiệp HTX nông nghiệp, 20.309 HTX nông nghiệp, 34.555 tổ hợp tác. Dự báo hết năm 2023, cả nước có 20.357 HTX.

Năm 2023, doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp dự kiến đạt khoảng 2,5 tỉ đồng/năm. Lãi bình quân HTX nông nghiệp đạt 400 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên HTX nông nghiệp đạt 52 triệu đồng/năm.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng lâu nay nhiều người vẫn nghĩ nói tới HTX là thấy yếu thế, nghèo về nhiều thứ, nhân lực, tài lực, kinh nghiệm. Song, suy nghĩ này cần thay đổi vì HTX có nhiều “cái giàu”: giàu tính cộng đồng, tình cảm, liên kết, đất đai, nguồn lực con người. Thành viên HTX có rất nhiều kinh nghiệm.

“Có nông dân không học kỹ sư nhưng sáng tạo hơn kỹ sư, kinh nghiệm sản xuất của họ khiến nhà khoa học ngỡ ngàng”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nói.

van.jpeg
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu - Ảnh: Lam Thanh

Tuy nhiên, bà Cao Xuân Thu Vân cũng thừa nhận yếu kém của HTX là liên kết sản xuất chuỗi, từ sản xuất tới phân phối. Hay nói cách khác, yếu nhất hiện nay là yếu quản trị.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), cả nước có 1.931 HTX ứng dụng công nghệ cao hoặc công nghệ số trong sản xuất, tương ứng 13% và 12% tổng số HTX nông nghiệp cả nước.

Đề cập đến vấn đề chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp, ông Lê Đức Thịnh cho biết đây là vấn đề Bộ NN-PTNT rất chú trọng.

“Mỗi nông dân trong tương lai đều có thể truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng”, ông Thịnh nói về mục tiêu hướng tới.

Ông Thịnh cho hay Bộ NN-PTNT đã tập huấn nâng cao nhận thức cho hơn 1.400 cán bộ quản lý và thành viên HTX nông nghiệp ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm (ghi chép nhật ký sản xuất; truy xuất nguồn gốc; tự tạo và in QR Code để in tem, bao bì; lưu trữ, cập nhật và cho phép đối tác truy cập toàn bộ hoặc từng phần nhật ký sản xuất...) và phần mềm kế toán HTX, giúp thực hành tư duy “kinh tế nông nghiệp và kế toán”.

Ngoài ra, bộ đã triển khai sàn giao dịch điện tử tiêu thụ sản phẩm cho HTX (thị trường xuất khẩu) sử dụng công nghệ blockchain (giúp dữ liệu không thể thay đổi, minh bạch quy trình, thông tin của sản phẩm); viễn thám vệ tinh số hóa trên nền bản đồ (để chứng minh năng lực cung ứng, cho phép giám sát áp dụng quy trình đặt hàng sản xuất, thu mua sản phẩm tương lai); internet vạn vật (IoT) - giám sát chất lượng lữu trữ, vận chuyển, canh tác, sản xuất thông minh, thu thập dữ liệu tự động…

thinh.jpeg
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Lam Thanh

Bộ cũng xây dựng và quản lý thông tin, dữ liệu vùng nguyên liệu, bao gồm các thông tin, dữ liệu về: nông hóa thổ nhưỡng; loại hình nông sản đang sản xuất và có thể sản xuất; kho học liệu “Elearning” và trang bị kỹ năng số cho các HTX trong các vùng nguyên liệu; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng; xây dựng hệ thống tạo mã tem chống giả QR-code tích hợp thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thiết lập và vận hành cổng kết nối dữ liệu, cho phép kết nối với các bên sản xuất để thu thập thông tin, dữ liệu cho CSDL về vùng nguyên liệu…

Chuyển đổi xanh, HTX nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển

TS Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ NN-PTNN (Ban Kinh tế trung ương) cho biết nông nghiệp bền vững phát triển hài hòa dựa trên 3 trụ cột: có sự tăng trưởng ổn định, lâu dài; bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm sự công bằng quyền và lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động nông nghiệp và không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các thế hệ trong tương lai.

Ông Hùng cho hay vấn đề này được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nghị quyết số 20 của Trung ương Đảng (khóa 13) nêu rõ: “Có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức”.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên. Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng trong tiến trình chuyển đổi xanh, các HTX nông nghiệp sẽ có cơ hội nâng cao năng lực quản trị, năng lực nội tại của mình thông qua việc đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ và lao động của HTX.

“Chuyển đổi xanh thúc đẩy các HTX nông nghiệp gia tăng tiết kiệm chi phí thông qua việc giảm con giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao, nâng cao lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông nghiệp, mang lại lợi ích lớn hơn cho HTX và các thành viên”, ông Hùng nói.

hung.jpeg
TS Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ NN-PTNN (Ban Kinh tế trung ương) phát biểu

Tuy vậy, ông Hùng cũng cho rằng quá trình chuyển đổi xanh mang đến nhiều thách thức cho các HTX nông nghiệp, như sự phát triển không đồng đều của HTX giữa các địa phương, vùng, miền, dẫn đến việc các HTX khó hấp thụ được các cơ chế, chính sách chuyển đổi xanh.

Ngoài ra, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của HTX còn nặng về hình thức; năng lực nội tại của HTX còn yếu, mô hình tổ chức lỏng lẻo, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế; lợi ích mang lại cho thành viên thấp dẫn đến khó áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; khó hấp thụ được các chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn…

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, HTX cần chính sách đặc thù chứ không phải chính sách ưu tiên. “Trên thế giới, vai trò của HTX rất quan trọng. Tại Hà Lan, thành viên HTX gấp 3 lần dân số, bởi một người có thể làm thành viên nhiều HTX. Còn ở Hàn Quốc, mô hình HTX có nhiều thành viên, giáo viên của họ là thành viên HTX, phụ huynh học sinh là thành viên HTX. Các nước trên thế giới cũng có HTX giáo dục, y tế. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nêu ví dụ.

Bài liên quan
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để HTX nông nghiệp cất cánh