Nhà văn Phương Phương phải đối mặt với phản ứng dữ dội của chủ nghĩa dân tộc vì nhật ký ghi lại cuộc sống ở Vũ Hán trong những ngày đầu đợt bùng phát coronavirus. Thế nhưng, bà cho biết sẽ không im lặng.

‘Viết 60 nhật ký về Vũ Hán trong đại dịch, tôi bị chính quyền coi là kẻ thù, dân dọa giết’

Nhân Hoàng | 19/01/2021, 12:30

Nhà văn Phương Phương phải đối mặt với phản ứng dữ dội của chủ nghĩa dân tộc vì nhật ký ghi lại cuộc sống ở Vũ Hán trong những ngày đầu đợt bùng phát coronavirus. Thế nhưng, bà cho biết sẽ không im lặng.

Phương Phương, tác giả nhật ký Vũ Hán bị người Trung Quốc phỉ báng, lên tiếng sau 1 năm.

"Khi đối mặt với một thảm họa, điều quan trọng là phải nói lên ý kiến ​​của bạn và đưa ra lời khuyên của bạn", bà nói với BBC tiếng Trung trong một cuộc phỏng vấn qua email hiếm hoi với truyền thông quốc tế.

Cuối tháng 1.2020, khi Vũ Hán trở thành nơi đầu tiên trên thế giới rơi vào tình trạng đóng cửa hoàn toàn, nhiều người trong số 11 triệu cư dân thành phố đã tìm thấy niềm an ủi khi đọc nhật ký trực tuyến của Phương Phương, nhà văn người Trung Quốc. Họ được cung cấp một cái nhìn sơ lược về thành phố nơi coronavirus xuất hiện đầu tiên.

Các bài đăng hàng ngày của người phụ nữ 65 tuổi trên tài khoản Weibo cá nhân, kể lại cuộc sống một mình với chó cưng trong thời gian bị phong tỏa, cũng như những gì bà mô tả là mặt tối trong phản ứng của chính quyền.

Ban đầu chúng được đón nhận nồng nhiệt, nhưng sau đó đã gây ra làn sóng chỉ trích từ những người coi nỗ lực của bà là thiếu yêu nước.

Là một phần của chương trình 100 Women trên BBC, Phương Phương nói lý do tại sao dù bị lên án nhưng bà không hối hận khi nói ra.

'Tường thuật sống động'

viet-60-nhat-ky-trong-dai-dich-0333333.jpg
Để ngăn chặn sự lây lan coronavirus ở Vũ Hán, các nhà chức trách đã áp đặt các hạn chế chưa từng có

Phương Phương nói rằng viết nhật ký như một phần của quá trình giúp bà "điều chỉnh tâm trí" và suy ngẫm về những gì đang xảy ra trong thời gian bị phong tỏa.

Phương Phương nắm bắt được cảm giác bị bà cô lập với phần còn lại của thế giới; nỗi đau và nỗi buồn của tập thể khi chứng kiến ​​cảnh mất mát sinh mạng; sự giận dữ với các quan chức địa phương vì những gì bà coi là cách xử lý sai lầm của họ với cuộc khủng hoảng.

Lúc đầu, nhật ký trực tuyến của Phương Phương đã được ca ngợi trong nước khi China News Service (hãng thông tấn nhà nước lớn thứ hai tại Trung Quốc sau Tân Hoa Xã) mô tả các bài đăng của bà là đầy cảm hứng, "với lời kể sống động, cảm xúc thực và phong cách thẳng thắn".

Thế nhưng phản ứng đã thay đổi đáng kể khi Phương Phương thu hút được sự chú ý của quốc tế. Những lời chỉ trích Phương Phương xuất hiện khi có tin nhật ký của bà sẽ được dịch sang tiếng Anh và nhà xuất bản HarperCollins (Mỹ) lựa chọn.

"Vì 60 nhật ký mà tôi đã viết trong đại dịch, tôi bị chính quyền coi như kẻ thù", Phương Phương nói.

viet-60-nhat-ky-trong-dai-dich-03333.jpg
Phương Phương nhận được nhiều danh hiệu, bao gồm cả Giải thưởng Văn học Lỗ Tấn

Theo Phương Phương, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã được lệnh không đăng bất kỳ bài báo nào của bà. Sách của Phương Phương, bao gồm cả tác phẩm mới và tái bản, đã bị các nhà xuất bản Trung Quốc xa lánh.

"Với một nhà văn, đó là một điều rất tàn nhẫn. Có lẽ vì tôi đã bày tỏ sự đồng cảm với những người dân thường hơn là hoan nghênh chính phủ. Tôi đã không tâng bốc hay khen ngợi chính phủ, vì vậy tôi có tội", Phương Phương chia sẻ.

Cơn bão tấn công

viet-60-nhat-ky-trong-dai-dich-0333.jpg
Phương Phương nói chuyện với truyền thông ở Vũ Hán ngày 22.2.2020

Phương Phương đã viết về mọi thứ, từ những thách thức trong cuộc sống hàng ngày đến tác động tinh thần của sự cô lập. Phương Phương kể phải nhận phản ứng dữ dội từ dân mạng.

Phương Phương nói nhận được hàng chục ngàn tin nhắn lăng mạ, bao gồm cả những lời dọa giết. Trên mạng xã hội, Phương Phương bị gán cho là kẻ phản bội, bị cáo buộc âm mưu với phương Tây tấn công nhà nước Trung Quốc, thậm chí có người còn cho rằng bà được cơ quan tình báo Mỹ (CIA) trả tiền để viết nhật ký.

Phương Phương cho biết đã rất ngạc nhiên và bối rối trước sự tàn khốc của các cuộc tấn hội đồng xấu xa này.

"Tôi rất khó hiểu được sự căm ghét của họ với tôi. Quan điểm của tôi rất khách quan và nhẹ nhàng", bà nói.

Các cuộc tấn công mà Phương Phương nói khiến bà nhớ đến Cách mạng Văn hóa 1966-1976, một thời kỳ cai trị của đám đông bạo lực dẫn đến việc thanh trừng trí thức và "kẻ thù giai cấp", bao gồm cả những người có quan hệ với phương Tây.

Trung Quốc rất nhạy cảm về hình ảnh của mình ở nước ngoài và nhật ký của Phương Phương được đưa ra trong thời điểm nước này đang chịu áp lực quốc tế to lớn vì cáo buộc che đậy thông tin coronavirus.

Fang Kecheng, Giáo sư báo chí tại Đại học Trung văn Hương Cảng, nói rằng các cuộc tấn hội đồng vào Phương Phương theo mô hình của chủ nghĩa dân tộc trực tuyến.

"Chủ nghĩa dân tộc đã trở thành xu hướng chủ đạo trên internet Trung Quốc trong những năm gần đây, và chủ nghĩa tự do đã bị gạt ra ngoài lề. Những người sử dụng internet theo chủ nghĩa dân tộc rất tích cực và họ đã trở thành những kẻ troll chủ nghĩa dân tộc", Giáo sư Fang Kecheng nhận xét.

Ông Fang Kecheng nói rằng chủ nghĩa dân tộc trực tuyến đã được các nhà chức trách Trung Quốc "ngầm tán thành" vì có thể giúp tăng cường sự ủng hộ với chính phủ nhưng cũng có thể phản tác dụng nếu điều này trở nên triệt để.

viet-60-nhat-ky-trong-dai-dich-033.jpg
Hồng vệ binh của Cách mạng Văn hóa đã tìm cách tiêu diệt bốn cái cũ: Phong tục cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ và tư tưởng cũ

Phương Phương cho hay: "Những từ được sử dụng đặc biệt trong cuộc Cách mạng Văn hóa, chẳng hạn như đấu tranh giai cấp và chế độ độc tài của giai cấp vô sản. Điều đó có nghĩa là những cải cách của Trung Quốc đang trên đà thất bại và thoái trào".

Sự cần thiết của phong tỏa

Sau khi chứng kiến ​​coronavirus lây lan đến hầu hết mọi nơi trên thế giới, Phương Phương nói rằng quyết định của Trung Quốc áp đặt phong tỏa 76 ngày ở Vũ Hán là đúng đắn, một lập trường được phản ánh trong các mục nhật ký của bà vào thời điểm đó.

Bà nói: “Việc đóng cửa là một cái giá quá đắt mà chúng tôi phải trả để đổi lấy giờ đây chúng tôi có thể sống tự do ở Vũ Hán mà không có coronavirus”.

Vũ Hán đã không báo cáo về ca mắc COVID-19 nào ở địa phương nào kể từ tháng 5.2020, không tính các trường hợp không có triệu chứng.

"Nếu các biện pháp nghiêm khắc không được áp dụng, tình hình ở Vũ Hán sẽ càng vượt khỏi tầm kiểm soát. Vì vậy, tôi bày tỏ sự ủng hộ với hầu hết các biện pháp kiểm soát dịch bệnh", Phương Phương cho hay.

viet-60-nhat-ky-trong-dai-dich-03.jpg
Các cơ quan chức năng ở Vũ Hán tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt để tìm thêm các trường hợp nhiễm coronavirus

Phương Phương nói các quốc gia khác có thể học hỏi từ khía cạnh trong cách tiếp cận của Trung Quốc.

"Trong thời gian bùng phát COVID-19, tất cả các cuộc tụ tập đều bị cấm, mọi người phải đeo khẩu trang và cần có mã QR sức khỏe để vào một khu nhà ở. Tôi nghĩ rằng tất cả biện pháp rất tốt này đã giúp Trung Quốc kiểm soát được coronavirus", bà chia sẻ.

Bài học kinh nghiệm

Thành công cuối cùng của Trung Quốc trong việc ngăn chặn coronavirus trong nước không phủ nhận sự cần thiết phải điều tra xử lý ban đầu với đợt bùng phát của các cơ quan chức năng.

Phương Phương nói: “Không có cuộc điều tra kỹ lưỡng về lý do tại sao phải mất quá nhiều thời gian để giải quyết sự bùng phát dịch bệnh”.

viet-60-nhat-ky-trong-dai-dich-0.jpg
Bức tranh tường của Ai Fen, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, một trong những bác sĩ đầu tiên lên tiếng báo động về COVID-19

Phương Phương đặt câu hỏi tại sao ban đầu các nhà chức trách nói rằng loại virus này "có thể phòng ngừa và kiểm soát được". Song, Phương Phương cho rằng thế giới, không riêng Trung Quốc, cần phải học hỏi từ đại dịch.

"Chính sự thiếu hiểu biết và kiêu ngạo của con người đã để virus lây lan rộng rãi và lâu như vậy", Phương Phương chia sẻ.

Giáo sư Michael Berry, người đã dịch nhật ký của Phương Phương sang tiếng Anh, tin rằng "sự kiên cường của bà bắt nguồn từ suy nghĩ rằng bà đang làm điều đúng đắn".

"Bà ấy không phải là một nhà bất đồng chính kiến, không kêu gọi lật đổ chính phủ. Bà là một cá nhân ghi lại những gì đã thấy, cảm thấy và trải qua trong cuộc phong tỏa ở Vũ Hán", ông nói.

viet-60-nhat-ky-trong-dai-dich.jpg
Phương Phương nói rằng viết nhật ký trong thời gian phong tỏa giúp bà thấy hạnh phúc

Michael Berry lập luận, khi làm điều đó, Phương Phương khám phá ra những câu hỏi lớn hơn "không chỉ việc xử lý đại dịch, mà còn về loại xã hội mà công dân Trung Quốc muốn tạo ra cho chính họ".

Ở Vũ Hán, cuộc sống cá nhân Phương Phương bị giáng một đòn mạnh khi con chó 16 tuổi của bà, người bạn đồng hành liên tục trong suốt thời gian bị phong tỏa, chết vào tháng 4.2020. Song, bà vẫn kiên cường.

Phương Phương vẫn đang viết với hy vọng rằng các tác phẩm của bà sẽ một lần nữa được xuất bản ở đất nước mình và nói rằng không hối tiếc.

"Tôi chắc chắn sẽ không thỏa hiệp và không cần thiết phải im lặng", bà khẳng định.

Bài liên quan
Người đưa tin dịch COVID-19 tại Vũ Hán bị tuyên án 4 năm tù
Tòa án quận Phố Đông (Thượng Hải) ngày 28.12 tuyên Trương Triển - người đăng tải bài viết cùng hình ảnh Vũ Hán thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát - 4 năm tù giam vì tội “kiếm chuyện, gây rối”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Viết 60 nhật ký về Vũ Hán trong đại dịch, tôi bị chính quyền coi là kẻ thù, dân dọa giết’