Chính quyền Mỹ sẽ sớm yêu cầu các Viện Khổng Tử hoạt động tại các trường đại học Mỹ đăng ký vào diện “phái bộ nước ngoài”, tương tự những gì Washington gần đây áp dụng với một số đơn vị truyền thông Trung Quốc.

Viện Khổng Tử ở Mỹ sắp phải đăng ký là 'phái bộ nước ngoài'

13/08/2020, 16:11

Chính quyền Mỹ sẽ sớm yêu cầu các Viện Khổng Tử hoạt động tại các trường đại học Mỹ đăng ký vào diện “phái bộ nước ngoài”, tương tự những gì Washington gần đây áp dụng với một số đơn vị truyền thông Trung Quốc.

Viện Khổng Tử của Trung Quốc đã có hơn 500 cơ sở giáo dục đại học trên toàn cầu - Ảnh: SCMP

Theo báo SCMP, Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến sẽ thông báo sớm nhất vào ngày 13.8 (giờ Mỹ), với nội dung các Viện Khổng Tử ở Mỹ, đa phần có trụ sở tại các trường đại học, cần phải đăng ký là "cơ quan đại diện nước ngoài". Điều đó được hiểu rằng các viện này phải tuân thủ những yêu cầu về hành chính như các đại sứ quán và lãnh sự quán.

Năm ngoái, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Mỹ cam kết sẽ giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở trên, sau khi nhiều nghị sĩ chỉ trích rằng những Viện Khổng Tử thực chất là cánh tay tuyên truyền của Trung Quốc. Động thái mới nhất của chính quyền Trump được cho sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng với Bắc Kinh khi hai nước hiện xung đột về nhiều mặt, từ vấn đề Hồng Kông, Biển Đông và tranh chấp thương mại.

Hành động tương tự đã được áp dụng đối với một số đơn vị truyền thông Trung Quốc vào đầu năm nay. Cụ thể, hồi cuối tháng 2, Mỹ bắt đầu xem 5 cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ như các cơ quan ngoại giao nước ngoài.

Trung Quốc thành lập Viện Khổng Tử gần như trên khắp thế giới. Cơ sở đầu tiên được mở tại Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2004, tới nay đã có hơn 500 học viện và gần 2.000 phòng học Khổng Tử ở 154 quốc gia, đa số đặt bên trong khuôn viên các trường đại học hoặc tổ chức giáo dục ở nước ngoài.

Viện Khổng Tử - được ví như những cơ sở khác của nước ngoài, như Trung tâm Văn hóa Pháp, Học viện Quốc tế Tây Ban Nha, Hội đồng Anh... nhằm dạy cho sinh viên về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc thông qua những lớp học và sách giáo khoa do viện này cấp.

Mặc dù Bắc Kinh ra sức tuyên truyền mục tiêu của các Viện Khổng Tử là giảng dạy, đào tạo giáo viên tiếng Trung, tổ chức thi trình độ Hán ngữ, chiếu phim Trung Quốc, tư vấn du học, tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị... nhằm đưa văn hóa Trung Hoa ra thế giới, nhưng có vẻ mục đích chính của nó không hoàn toàn như thế.

Nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản lên tiếng cảnh báo Viện Khổng Tử là nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm tăng cường sức ảnh hưởng chính trị và gieo thông tin lệch lạc “tẩy não” giới trẻ để can dự vào chính trường nước sở tại. Thụy Điển nhận định rằng Viện Khổng Tử là nơi để chính phủ Trung Quốc tuyên truyền chính trị, trong khi Canada coi việc thành lập Viện Khổng Tử là bước đầu tiên để Trung Quốc thực hiện ý đồ xâm nhập.

Nhiều nhà quan sát cho rằng các lớp học triển khai bởi Viện Khổng Tử chỉ đưa ra một cái nhìn có chọn lọc về cuộc sống của người Trung Quốc và cố tình tránh các chủ đề nhạy cảm như sự kiện Thiên An Môn hay các vấn đề về Tây Tạng, người thiểu số Duy Ngô Nhĩ...

Trong bối cảnh vấp phải làn sóng phản đối khắp thế giới với các cáo buộc gián điệp, Bộ Giáo dục Trung Quốc hồi tháng 7 đã từ bỏ thương hiệu Viện Khổng Tử, đổi tên thành “Trung tâm Hợp tác và giáo dục ngôn ngữ”.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viện Khổng Tử ở Mỹ sắp phải đăng ký là 'phái bộ nước ngoài'