Chính quyền Bắc Kinh mới đây đã yêu cầu không quân và hải quân kiềm chế tối đa khi chạm trán tàu chiến, máy bay Mỹ trên Biển Đông trong một nỗ lực tìm cách giảm leo thang căng thẳng với Washington ở vùng biển chiến lược này.

Quân đội Trung Quốc được lệnh phải kiềm chế hết sức khi đối đầu Mỹ ở Biển Đông

12/08/2020, 12:34

Chính quyền Bắc Kinh mới đây đã yêu cầu không quân và hải quân kiềm chế tối đa khi chạm trán tàu chiến, máy bay Mỹ trên Biển Đông trong một nỗ lực tìm cách giảm leo thang căng thẳng với Washington ở vùng biển chiến lược này.

Các nhóm tàu chiến Mỹ diễn tập trên biển - Ảnh: EPA

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết, Trung Quốc đã ra lệnh cho các binh sĩ được lệnh không nổ súng trước. Phi công và sĩ quan hải quân được yêu cầu kiềm chế tối đa trong những cuộc chạm trán ngày càng thường xuyên với tàu chiến, máy bay Mỹ.

Nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng tiết lộ Bắc Kinh đã gửi thông báo cho Washington rằng "quân đội Trung Quốc được lệnh không nổ súng trước" nhằm thể hiện thiện chí. "Rất dễ ra lệnh khai hỏa, nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể kiểm soát hậu quả. Tình hình hiện nay rất căng thẳng và nguy hiểm", nguồn tin cho biết thêm.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng với Washington trên Biển Đông. Hai nước gần đây đã liên tục đẩy mạnh hoạt động quân sự trong khu vực, dẫn tới nguy cơ đụng độ từ những sự cố ngoài ý muốn.

Tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã bày tỏ quan ngại Bắc Kinh hành động "gây bất ổn" ở Biển Đông và gần Đài Loan khi điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phương Hòa. Ông Esper đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Bắc Kinh tuân thủ luật pháp, quy chuẩn và thông lệ quốc tế, cũng như đáp ứng các cam kết của mình.

Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) sau đó tuyên bố hai bên thống nhất sẽ “phát triển hệ thống cần thiết cho liên lạc trong khủng hoảng và giảm thiểu nguy cơ".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tháng trước cũng đã nhấn mạnh rằng ông hy vọng sẽ đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay để cải thiện các kênh “liên lạc trong khủng hoảng” và giải quyết các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa đã kêu gọi phía Mỹ ngừng những lời nói và hành động sai trái, cải thiện việc quản lý và kiểm soát các rủi ro hàng hải, tránh thực hiện các động thái nguy hiểm có thể làm leo thang tình hình và bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trung Quốc thời gian qua đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý của họ vào năm 2016.

Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ 2 nước tiếp tục xấu đi vì hàng loạt vấn đề, từ tranh chấp thương mại, đại dịch COVID-19 đến Hồng Kông và Biển Đông.

Chính phủ Mỹ gần đây đã liên tiếp gửi đi nhiều thông điệp chỉ trích Bắc Kinh về các hoạt động được miêu tả là "vi phạm luật pháp quốc tế", "bắt nạt các nước láng giềng" và "gây bất ổn" tại Biển Đông. Washington cho biết đang điều chỉnh lập trường đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông phù hợp với những nội dung trong phán quyết từ PCA.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 20.7 tuyên bố Washington coi việc Bắc Kinh theo đuổi các nguồn tài nguyên ở Biển Đông là hành vi trái pháp luật, đồng thời khẳng định ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Trước đó, ông Pompeo cũng đã công bố lập trường mới của Mỹ, công khai ủng hộ phán quyết của PCA, phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung Quốc ban đầu phản ứng quyết liệt với các động thái của Mỹ, tuy nhiên trong những tuần gần đây, các nhà ngoại giao “chiến lang” của Bắc Kinh dần thay đổi giọng điệu mang thiến hướng hòa giải, kêu gọi hai bên đối thoại để kiểm soát rủi ro. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng thể hiện đường lối tiếp cận có phần “nhẹ nhàng” hơn khi đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Ông Vương không đề cập đến bất kỳ vấn đề nào liên quan tới "9 chín đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp đối với 90% diện tích Biển Đông. Thay vào đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng vùng biển này là "ngôi nhà chung cho các nước trong khu vực" chứ không nên là "đấu trường cho chính trị quốc tế".

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Đêm nay miền Bắc lạnh, siêu bão Man-Yi đang tiến vào Biển Đông
Siêu bão Man-yi vẫn giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20 km/giờ và hướng vào vùng biển miền Trung. Biển động dữ dội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Trung Quốc được lệnh phải kiềm chế hết sức khi đối đầu Mỹ ở Biển Đông