Khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tinh vi, các hãng hàng không đang khám phá khả năng công nghệ này thay thế một trong số thành viên trong buồng lái. Nhưng vấn đề là liệu hành khách có đồng ý hay không.
Tuần qua, Chủ tịch hãng hàng không Emirates Tim Clark nói với đài CNBC: “AI sẽ có tác động lớn đến ngành hàng không. Chuyến bay chỉ 1 phi công là một khả năng. Bạn cần dành thời gian để xem AI làm được gì để cải thiện hoạt động bay”.
Viễn cảnh trên có thể gây sốc cho hành khách vốn quen nhìn thấy 2 phi công trong buồng lái, hay thậm chí 3 phi công với chuyến bay đường dài. Tuy nhiên với ngành hàng không, giảm phụ thuộc vào con người nhờ công nghệ tiến bộ là điều tất yếu.
Những năm 1950, trong buồng lái có đến 5 người: hoa tiêu, kỹ sư hàng không, nhân viên vận hành vô tuyến cùng 2 phi công. Nhờ công nghệ tiến bộ mà số thành viên trong buồng lái giảm còn 2, và trong tương lai có thể chỉ còn 1.
Quy định phải có 2 phi công là biện pháp dự phòng cho trường hợp 1 trong 2 người mất khả năng điều khiển máy bay. Nhưng giờ đây công nghệ rất phát triển, AI thậm chí có thể được sử dụng để cho máy bay hạ cánh tại sân bay chọn trước nếu tình huống khẩn cấp xảy ra.
Các máy bay hiện đã tự động hóa nhiều tác vụ, phần lớn thời gian bay đều dùng chế độ tự lái (autopilot). Không loại trừ trong tương lai AI đóng vai trò lớn hơn và con người chỉ có mặt thực hiện nhiệm vụ giám sát.
Chuyến bay thử nghiệm khả năng trên khó xảy ra sớm. Tuy vậy có thể thử nghiệm cho phép 2 phi công cùng AI thay phiên điều khiển chuyến bay đường dài, hoặc sử dụng trợ giúp từ trạm mặt đất cho nhiệm vụ cất hạ cánh trong khi phần còn lại của chuyến bay được giám sát bởi 1 phi công.
Nhưng giới phi công không bị thuyết phục. Nhiều sự cố trong quá khứ cho thấy khi xảy ra tình huống khẩn cấp, phi công được đào tạo hoàn toàn đủ khả năng điều khiển máy bay hạ cánh an toàn cho dù là hạ cánh trên sông, điều mà AI khó có thể làm được.