Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện ra một kiểu gen khiến người dân khu vực Đông Á có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Phát hiện mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature Genetics cho thấy mối liên quan giữa khả năng dung nạp rượu kém do gene và nguy cơ dạ dày di truyền thể khuếch tán.
Tiến sĩ William Dahut, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho biết nghiên cứu trên đã thu thập tế bào từ gần 1.500 bệnh nhân ung thư dạ dày ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ. Đây cũng là nghiên cứu phân tích bộ gene rộng rãi đầu tiên về ung thư dạ dày.
Tiến sĩ Dahut cho biết: "Có sự liên hệ giữa sự phát triển đột biến và một kiểu gene cụ thể ở người Đông Á vốn cản trở quá trình chuyển hóa rượu. Có vẻ như có kiểu gene này, chúng có nhiều khả năng phát triển một đột biến cụ thể của khối u".
Người dân ở Đông Á từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi ung thư dạ dày một cách không tương xứng so với các nước phương Tây. Một nửa số trường hợp ung thư dạ dày trên toàn thế giới xảy ra ở Trung Quốc và đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại Nhật Bản. Tuy nhiên, tại Mỹ, ung thư dạ dày chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng số ca ung thư mới được chẩn đoán mỗi năm.
Những người gốc Đông Á có nhiều khả năng thừa hưởng một đột biến gene không thường thấy ở các nhóm dân tộc khác làm ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa rượu. Theo Tatsuhiro Shibata, đồng tác giả nghiên cứu, đây cũng chính là đột biến gây ra hiện tượng đỏ da mặt sau khi uống rượu.
Shibata, người đứng đầu Bộ phận Di truyền Ung thư tại Viện Nghiên cứu Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản, cho biết ông hy vọng những phát hiện này giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng phát hiện các mô hình khởi phát ung thư dạ dày.
"Chúng tôi có thể phát triển một số cách cụ thể để phát hiện các khu vực và có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư", ông Shibata nói thêm.
Ajay Goel, người nghiên cứu phát hiện ung thư đường tiêu hóa tại Trung tâm Y tế City of Hope (Mỹ) cho biết người dân khu vực Đông Á có nhiều khả năng mắc ung thư dạ dày hơn các nhóm người khác, do họ thừa hưởng một đột biến gen cản trở quá trình dung nạp rượu. Việc không thể xử lý rượu đúng cách khiến nó tồn tại lâu trong dạ dày, khiến những người uống rượu thường xuyên có nhiều khả năng bị viêm dạ dày mãn tính.
Goel nói: "Điều đó dẫn đến tình trạng viêm mãn tính trong dạ dày. Và cuối cùng, qua nhiều năm tiếp xúc lặp đi lặp lại, những bệnh nhân này có xu hướng tăng tỷ lệ mắc ung thư dạ dày".
Các trường hợp ung thư dạ dày cũng phổ biến hơn nhiều về mặt thống kê ở nam giới so với nữ giới song điều này có ý nghĩa từ góc độ hành vi hơn là do bất kỳ yếu tố di truyền nào. Dữ liệu cho thấy đàn ông Đông Á có xu hướng uống nhiều rượu hơn đáng kể so với phụ nữ.
Như với bất kỳ loại ung thư nào, phát hiện sớm là rất quan trọng để điều trị ung thư dạ dày. Nhưng do tương đối ít gặp ở phương Tây so với các loại ung thư khác, chẳng hạn như ung thư vú, cổ tử cung và ruột kết, người dân Mỹ không thường xuyên sàng lọc ung thư dạ dày.
Dahut nói: "Thông tin ngày càng quan trọng về sức mạnh của việc biết bộ gene của chính mình".