Được ví như bản giao hưởng của núi rừng hùng vĩ và biển đảo bao la, Cát Bà sở hữu 7 hệ sinh thái đa dạng với cảnh quan ngoạn mục, khí hậu trong lành, cùng vô số trải nghiệm hấp dẫn.
Du lịch

Vì sao Cát Bà được xướng tên 'hòn ngọc của du lịch Việt'?

Hạ Vĩ 17/02/2025 17:17

Được ví như bản giao hưởng của núi rừng hùng vĩ và biển đảo bao la, Cát Bà sở hữu 7 hệ sinh thái đa dạng với cảnh quan ngoạn mục, khí hậu trong lành, cùng vô số trải nghiệm hấp dẫn.

a1-shutterstock_691001038_huge-resize.jpg
Du khách quốc tế thích thú khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của đảo Cát Bà - Ảnh: Shutterstocks

Thielmann (du khách người Đức, 28 tuổi) “lặn lội” hàng nghìn km tới Cát Bà vốn chỉ để… leo vách đá rồi thả mình xuống nước, nhưng bất ngờ bị hòn đảo này mê hoặc. Không chỉ có chàng trai người Đức, bộ môn “deep water soloing” mà Thielmann theo đuổi là một trong trải nghiệm được khách nước ngoài ưa chuộng nhất khi tới Cát Bà. Cùng với đó, hơn 3,6 triệu lượt khách đã tới đây trong năm 2024 để tắm biển, tham quan, nghỉ dưỡng trên vịnh; trekking 10km xuyên rừng nguyên sinh hay tới thăm làng chài cổ Việt Hải, khám phá đảo khỉ, ngắm hoàng hôn ở pháo đài thần công…

Những trải nghiệm du lịch ở Cát Bà được đánh giá là vô cùng độc đáo, song chưa thật hoàn hảo với những khoảng trống về dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp cần được lấp đầy. Dẫu vậy, không ai có thể phủ nhận thiên nhiên và hệ sinh thái “xanh” của Cát Bà thực sự là kho báu đang hiện diện trên vùng vịnh Bắc Bộ với giá trị hết sức to lớn.

a2-quan-dao-cat-ba-nhin-tu-tren-cao-shutterstock_1049033588_huge.jpg
Quần đảo Cát Bà sở hữu hệ sinh thái thiên nhiên độc đáo hàng đầu thế giới - Ảnh: Shutterstock

Quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải (TP.Hải Phòng), gồm 367 hòn đảo trải dài trên diện tích rộng khoảng 300km2. Nơi đây, có Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Vườn quốc gia Cát Bà, có diện tích khu vực di sản thế giới 22.250ha, khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng.

Khu Di sản quần đảo Cát Bà là những ví dụ nổi bật, tiêu biểu cho các hệ sinh thái biển-đảo nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình của châu Á với 7 hệ sinh thái liền kề, kế tiếp nhau phát triển gồm: Hệ sinh thái rừng mưa nguyên sinh trên đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam; Hệ sinh thái rạn san hô phát triển bậc nhất Vịnh Bắc Bộ; Hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất ở đảo Việt Nam; Hệ sinh thái vùng triều với các khảm sinh vật bám đặc sắc ít nơi có được; Hệ sinh thái hồ nước mặn; Hệ sinh thái hang động trên cạn và hang ngầm nước ngọt; Hệ sinh thái đáy biển Cát Bà.

Diện tích rừng nguyên sinh khoảng 1.045ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản. Đặc biệt, voọc Cát Bà là loài quý hiếm được ghi vào Sách đỏ thế giới, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ở đây có nhiều loại thực vật đặc hữu, chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi, mà không nơi nào trên thế giới có được.

a3-pexels-taryn-elliott-4253835-rs.jpg
Đảo Cát Bà sở hữu nhiều dư địa để phát triển du lịch cao cấp, chi tiêu cao

Tháng 9.2023, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Từ đây, du lịch Cát Bà được trao thêm cơ hội bứt phá, tăng tốc trong giai đoạn mới.

Để nắm bắt vận hội đó, bên cạnh phát huy giá trị “kho báu” thiên nhiên, mở rộng trải nghiệm du lịch 4 mùa để hút du khách, Cát Bà cũng định hướng phát triển thành điểm đến du lịch “xanh” đẳng cấp tầm cỡ quốc tế.

Theo PGS-TS Đỗ Công Thung, sở hữu “lá phổi xanh khổng lồ” là Vườn quốc gia Cát Bà hơn 26.000ha thì “tự thân” Cát Bà cũng đã có khả năng giảm thải ô nhiễm, thanh lọc không khí. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để phát triển bền vững và vươn tầm đến mục tiêu cao hơn là trở thành đảo sinh thái, thông minh.

“Bởi vậy, Cát Bà cần một quy hoạch tổng thể, một quy hoạch chuẩn để phát triển du lịch dài hạn và bền vững, liên kết chặt chẽ với các ngành khác để thống nhất mục tiêu và hành động chung về giảm thiểu ô nhiễm. Đó là ưu tiên thứ nhất”.

Để đưa Cát Bà thành đảo du lịch không khí thải carbon đầu tiên ở nước ta, dự kiến trong tương lai gần, chính quyền và các nhà đầu tư lớn sẽ chung tay để tạo điều kiện cho toàn bộ cư dân trên đảo cũng như khách du lịch sẽ hoàn toàn sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường như cáp treo, xe điện, xe đạp… Hệ thống xe điện công cộng sẽ được quy hoạch đồng bộ trên toàn đảo, với các điểm dừng/đỗ/trạm sạc… đảm bảo thuận lợi cho người dân và du khách. Đây được xem là một trong những dự án du lịch tiên phong của Việt Nam hướng tới không khí thải carbon và dành nhiều diện tích cho cộng đồng.

Kho báu chờ được đánh thức

Theo các chuyên gia, "viên ngọc xanh" của du lịch Việt là danh xưng không hề quá tầm với Cát Bà, nhất là với 6 danh hiệu quốc gia và quốc tế quần đảo này sở hữu. Nhưng để biến chính đảo Cát Bà - trung tâm du lịch của Hải Phòng trở thành “thiên đường” đúng nghĩa, sẽ cần tới chiến lược, hướng đi đúng đắn và một nhà đầu tư xứng tầm. Điều này gợi liên tưởng câu chuyện về hành trình từ đảo quốc nhỏ bé nhất châu Á trở thành một trong những thiên đường nghỉ dưỡng xa xỉ bậc nhất thế giới của Maldives.

a4-thien-nhien-cat-ba-nguon-shutterstock.jpeg
Vịnh Lan Hạ sở hữu nhiều bãi cát hoang sơ ẩn khuất trong những rặng núi đá vôi - Ảnh: Shutterstock

Trước khi có thiên đường Maldives ngày nay, mọi chuyện lẽ ra đã chấm hết nếu như không có cuộc gặp gỡ của nhà thám hiểm người Ý - George Corbin và một người đàn ông Maldives - Ahmed Naseem. Họ cùng nhau mở ra một kỷ nguyên mới cho Maldives bởi tin rằng nơi đây có thể phát triển thành “thiên đường du lịch” dựa vào yếu tố duy nhất: biển ở đây đặc biệt hơn nhiều nơi khác. Đó là những bãi cát trắng phẳng lì do hình thành từ san hô chết. Nước biển nơi này dù rất mặn nhưng trong xanh văn vắt, vì diện tích đảo lớn nhất ở đây cũng không đủ không gian tối thiểu để hình thành một dòng chảy nhỏ nhất đủ để gọi là sông nên không có phù sa hoặc cát đất đổ ra, không gây đục màu nước. Và đặc biệt, nước biển có rất nhiều tầng màu như xanh đậm, xanh dương, xanh ngọc…

a5-du-lich-cat-ba.jpg
Đảo Cát Bà cần hoàn thiện thêm dịch vụ du lịch cao cấp để thực sự bứt phá xứng danh “hòn ngọc” của du lịch Việt

Vẻ trác tuyệt và bí mật từ thiên nhiên không nơi nào có được cũng là những thứ mà Cát Bà đang sở hữu. Thậm chí, nằm ở phía đông của đảo Cát Bà, liền kề vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ còn được xem là một thiên đường ngủ quên. Một vịnh biển êm ả hình vòng cung với nhiều hòn đảo lớn nhỏ mang vô vàn dáng vẻ kỳ thú, tạo nên một bức tranh non nước hữu tình. Vịnh có tới hơn 100 bãi cát vàng hoang sơ gọi mời du khách khám phá. Nhiều bãi cát trải dài giữa hai núi đá, yên tĩnh, không có sóng lớn, thực sự là những bãi tắm lý tưởng để du khách trải nghiệm.

Với các du khách yêu mến Cát Bà, mỗi lần đến lại là một hành trình khám phá hấp dẫn. Sắp tới đây những trải nghiệm đó sẽ được nâng tầm cùng một dự án khu du lịch đẳng cấp và bãi tắm công cộng lớn nhất đảo, nằm ngay Vịnh trung tâm Cát Bà hôm nay vẫn giữ được dáng vẻ nguyên sơ, hấp dẫn cùng những truyền thuyết bao đời về bề dày lịch sử văn hoá. Nơi đây luôn là không gian khơi nguồn cảm hứng bất tận cho du khách bởi sự hòa sắc tuyệt vời của thiên nhiên. Giá trị du lịch đặc sắc, riêng có của đảo Cát Bà - hiếm nơi nào có được, cùng định hướng phát triển “đảo xanh”, bền vững, hứa hẹn giúp Cát Bà ngày càng thu hút thêm du khách, đặc biệt khách quốc tế và khách chi tiêu cao. Khi đó, chỉ những nhà phát triển du lịch có tiềm lực kết hợp chiến lược đầu tư bài bản mới có thể đưa Cát Bà đạt được vị trí xứng tầm trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nghiên cứu khoa học cần có chính sách đột phá
17 phút trước Theo dòng thời sự
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng việc triển khai những hướng đi mới trong nghiên cứu khoa học cần có một chính sách mang tính đột phá, vì hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Cát Bà được xướng tên 'hòn ngọc của du lịch Việt'?