Vật thể lạ hình cầu rơi tại địa phận Tuyên Quang, Yên Bái có thể là bình nhiên liệu của tên lửa đẩy vệ tinh của Nga, các chuyên gia nhận định.

Vật thể lạ ở Tuyên Quang, Yên Bái có thể của vệ tinh Nga

Một Thế Giới | 05/01/2016, 06:03

Vật thể lạ hình cầu rơi tại địa phận Tuyên Quang, Yên Bái có thể là bình nhiên liệu của tên lửa đẩy vệ tinh của Nga, các chuyên gia nhận định.

Trao đổi với VietNamNet, GS Nguyễn Khoa Sơn, Phó chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam cho biết, dựa trên những thông tin ông nắm được thì vật thể lạ phát hiện tại Tuyên Quang và Yên Bái tương tự với các bình nhiên liệu của động cơ phản lực khí nén của tên lửa đẩy vệ tinh.
Tương tự như bình nhiên liệu
GS Sơn cho hay, động cơ phản lực khí nén được trang bị ở tầng trên cùng của tên lửa đẩy, cũng là tầng chứa vệ tinh.
Tên lửa đẩy vệ tinh thường có nhiều tầng đẩy, có nhiệm vụ đưa toàn bộ vệ tinh nặng hàng chục tấn vượt qua sức hút của Trái đất lên quỹ đạo.
Khi các tầng đẩy đầu tiên đẩy vệ tinh lên quỹ đạo cỡ vài trăm kilomet thì tầng trên cùng sẽ tách ra.
Tầng này được trang bị các động cơ phản lực khí nén (khí hydranzine hoặc N203) chứa trong các bình cầu có nhiệm vụ đưa vệ tinh lên quỹ đạo cao hơn.
Khi lên tới độ cao vài chục ngàn kilomet thì vệ tinh sẽ tách ra khỏi tầng đẩy trên cùng để bay vào quỹ đạo làm việc còn tầng đẩy sẽ quay về Trái đất.
vat the la
Tầng đẩy trên cùng Briz-M trên tên lửa đẩy Proton chứa các bình nhiên liệu hình cầu tương tự vật thể lạ phát hiện tại Tuyên Quang và Yên Bái.
GS Sơn cũng cho biết, trong tháng 12 vừa qua, có 2 vụ phóng vệ tinh của Nga là vệ tinh viễn thông EKSPRESS-AMU1 phóng ngày 25/12/2015 và vệ tinh thời tiết Elektro-L2 phóng ngày 12/12/2015.
Cả 2 tên lửa này đều được phóng từ sân bay Baikonur nhưng EKSPRESS-AMU1 được phóng bằng tên lửa Proton còn tên lửa Zenit.
Tuy nhiên, các tầng trên cùng của cả 2 tên lửa này đều có các bình chứa nhiên liệu hình cầu tương tự vật thể phát hiện tại Tuyên Quang và Yên Bái.
Kết hợp với thông tin trên các vật thể lạ có in chữ tiếng Nga, GS Sơn cho rằng, rất có thể vật thể lạ liên quan tới hai vụ phóng vệ tinh của Nga. Tuy nhiên, GS Sơn cũng cho biết đây chỉ là phỏng đoán.
vat the la
Tầng trên cùng của tên lửa Zenit (Fregat-SB) cũng mang các khối hình cầu tương tự.
Trong thời gian cuối tháng 12, Trung Quốc cũng phóng một vệ tinh Gaofen4 từ Tứ Xuyên. Tuy nhiên, không có thông tin về quỹ đạo cũng như tầng đẩy trên cùng của vệ tinh này, GS Sơn thông tin.
Không phải của vệ tinh?
Trong khi đó, Ths. Vũ Việt Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, vật thể lạ khó có khả năng là của một vệ tinh nào đó.
“Trong vệ tinh hầu như không có thiết bị hay chi tiết nào có hình thù như vậy”, ông Phương nhận định.
Theo ông Phương thì các thiết bị của vệ tinh một khi bị trả về Trái đất sẽ bị đốt cháy hết khi đi qua khí quyển.
Về ý kiến cho rằng, đây là một bộ phận của động cơ đẩy vệ tinh, ông Phương cho rằng, đúng là có những bộ phận có hình thù như vậy. Tuy nhiên, quỹ đạo của các động cơ đẩy bao giờ cũng được tính toán để bay ra phía biển chứ không rơi xuống đất liền.
“Cá nhân tôi không nghĩ như vậy”, ông Phương khẳng định.
Giải thích về điều này, GS Nguyễn Khoa Sơn cho rằng, theo tính toán thì 2 tầng đẩy trên cùng của vệ tinh Nga sau khi đều rơi xuống Ấn Độ Dương sau khi bay qua Ấn Độ, song “không loại trừ trường hợp nó không thực hiện đúng tính toán”.
vat the la
Quỹ đạo theo tính toán của tên lửa đẩy vệ tinh Ekspress-Amu1 của Nga.
“Có thể là do sai sót nào đó trong tính toán nên các bình nhiên liệu này mới rơi xuống Việt Nam”, GS Sơn cho hay. “Trên thế giới đã từng xảy ra sự cố rơi xuống các khu dân cư và gây ra tai nạn”.
Giải thích lý do vì sao các vật thể lạ đi qua khí quyển mà không bị cháy, GS Sơn cho rằng, các quả cầu này bằng hợp kim nhôm, rỗng khi hết nhiên liệu nên rất nhẹ, do đó ít chịu lực cản không khí hơn và không bị cháy khi đi qua khí quyển Trái đất.
Trước đó, sáng 2/1, sau một tiếng nổ rất lớn, người dân xã Tân Đồng và Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) tìm thấy một vật thể lạ tại vườn nhà bà Trần Thị Lợi ở thôn 1, xã Tân Đồng. Do hiếu kỳ, một số người dân đã bẩy vật này lên khỏi mặt đất để lại một hố tròn sâu chừng 20cm, nơi rộng nhất chừng 30cm.
Cùng thời gian trên, người dân xã Tân Mỹ, huyện Chuyên Hóa (Tuyên Quang) nghe tiếng nổ lớn và thấy một vật thể lạ rơi xuống vườn nhà dân. Vật thể có hình cầu bằng thép, đường kính 80-100cm, trọng lượng khoảng 45-50kg.
Theo kết luận ban đầu của cơ quan chức năng, đây không phải bom mìn, vật liệu nổ, không phải thiên thạch mà có thể là bình chứa oxy hoặc bình chứa hydro của một thiết bị trên không trung do trục trặc về kỹ thuật nên đã rơi xuống địa bàn.
Lê Văn/VNN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vật thể lạ ở Tuyên Quang, Yên Bái có thể của vệ tinh Nga