Khi vào TPP, Việt Nam được nhận định rằng khi vốn đầu tư tăng lên, tiền lương của 5 nhóm nhóm ngành sẽ tăng cao trong giai đoạn 2020-2035, trong đó nhóm ngành tay nghề thấp tăng nhanh nhất.

Vào TPP, tiền lương nhóm ngành tay nghề thấp sẽ tăng nhanh nhất

Một Thế Giới | 03/12/2015, 05:38

Khi vào TPP, Việt Nam được nhận định rằng khi vốn đầu tư tăng lên, tiền lương của 5 nhóm nhóm ngành sẽ tăng cao trong giai đoạn 2020-2035, trong đó nhóm ngành tay nghề thấp tăng nhanh nhất.

Tiền lương tăng lên

Theo báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 2.12, Việt Nam được nhận định rằng khi vốn đầu tư tăng lên, tiền lương của 5 nhóm nhóm ngành sẽ tăng cao trong giai đoạn 2020-2035, trong đó nhóm ngành tay nghề thấp tăng nhanh nhất.

Báo cáo cho biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ước tính sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và việc làm.  

Ông Sandeep Mahajan - chuyên gia kinh tế của WB nói trong số các nước tham gia TPP, Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và có một số lợi thế so sánh đặc biệt mà không nước nào có được, cụ thể là ngành công nghiệp chế tạo sử dụng nhiều lao động với các ngành hiện nay đang chịu thuế suất cao như dệt may.

Báo cáo cũng cho hay bằng việc tăng cường tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn, TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại nói chung, dự kiến tăng thêm khối lượng FDI vốn đã cao vào Việt Nam và làm tăng năng lực xuất khẩu, kể các các nhà cung cấp thượng nguồn cho các ngành hiện đang bị chi phối bởi quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ (ví dụ dệt may)

Báo cáo của WB tính toán, TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% lượng tích lũy tài sản cho Việt Nam trong vòng 20 năm tới. Đồng thời, việc cắt giảm các biện pháp phi thuế quan cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo các chuyên gia của WB, đầu tư dự kiến sẽ tăng trên 20% khi TPP đi vào thực hiện và sẽ làm tăng đáng kể lượng vốn đầu tư và tăng trưởng dài hạn. 

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhận định TPP sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng khả năng thâm nhập thị trường và mở rộng cơ hội xuất khẩu.

“Hầu hết các loại thuế quan và nhiều biện pháp phi thuế quan đối với sản phẩm công nghiệp sẽ bị loại bỏ và cắt giảm ngay lập tức; thuế quan và các chính sách hạn chế khác đối với sản phẩm nông nghiệp sẽ bị loại bỏ và cắt giảm dần”, bà Victoria Kwakwa cho hay.

Thúc đẩy quá trình tái cơ cấu

Theo báo cáo của WB, TPP không chỉ loại bỏ rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn mà còn góp phần nâng cao chất lượng luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lý doanh nghiệp… mà còn có nhiều chương có các quy định khuyến khích cải cách thể chế nhằm tăng cường và chuẩn hóa các quy định, minh bạch và hỗ trợ cải cách thể chế ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, TPP cũng dự kiến sẽ tiếp tục tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo, sản lượng ngành công nghiệp chế tạo có thể tăng với mức cộng dồn 30% trên mức cơ sở, dịch vụ tăng 5%, nông nghiệp, dầu khí, khai khoáng sẽ giảm nhẹ…

TPP còn có thể kích thích đầu tư và dự đoán đầu tư sẽ tăng mạnh so với đường cơ sở trong giai đoạn 2015-2025. Đầu tư tăng do tỷ suất lợi nhuận tăng, trong khi tỷ suất lợi nhuận lại phụ thuộc vào chi phí vốn vay và lãi vay và hai yếu tố này bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng xuất khẩu vào các nước TPP.

Báo cáo chỉ ra TPP được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phát triển một nền kinh tế cạnh tranh và sáng tạo hơn. Về lâu dài, Việt Nam cần chú trọng trong tăng trưởng thành phần công nghệ trong xuất hàng xuất khẩu.

Nhập khẩu hàng dệt may, phụ kiện và da giày cũng được dự báo sẽ gia tăng nhanh chóng từ các nước trong khối, do quy tắc xuất xứ trong TPP.

Chuyên gia kinh tế của WB, TS Phạm Minh Đức cho rằng do hiện nay Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và quy chế xuất xứ nghiêm ngặt của TPP nên trước mắt Việt Nam sẽ không tận dụng được tối đa cơ hội do TPP mang lại.

Đồng thời, ông Đức cho hay ở một khía cạnh khác, quy tắc xuất xứ cũng tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển mạnh hơn chuỗi giá trị trong nước.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo rằng việc đầu tư vào các ngành thượng nguồn và phụ trợ, nhất là trong ngành dệt, phải đi kèm với việc kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường.

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào TPP, tiền lương nhóm ngành tay nghề thấp sẽ tăng nhanh nhất