Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định hiện nay rất nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt là các mũi 3, 4 và các mũi tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi.

Vẫn chưa quyết liệt việc yêu cầu dân tiêm vắc xin phòng COVID-19

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 21/08/2022, 15:42

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định hiện nay rất nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt là các mũi 3, 4 và các mũi tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi.

Sáng nay 21.8, tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết nhiều địa phương vẫn không đạt tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 dù Bộ Y tế đã thúc giục nhiều lần.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định hiện nay rất nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm vắc xin COVID-19, đặc biệt là các mũi 3, 4 và các mũi tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi. Việc chỉ đạo điều hành thúc giục người dân tiêm vắc xin COVID-19 mũi nhắc lại vẫn chưa thật sự quyết liệt. Đặc biệt sắp tới là năm học mới, học sinh đi học sẽ tiếp xúc, dễ lây bệnh cho nhau là điều dễ xảy ra.

Theo báo cáo của Bộ Y tế trước đó, các ca COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng, nhiều biến thể mới xâm nhập vào Việt Nam và chỉ còn 10 ngày nữa là tới hạn phải đạt mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, nhưng nhiều tỉnh thành tiêm mũi 2 rất chậm, chỉ đạt từ 17 - 31%, thấp hơn nhiều mức bình quân chung.

Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đích danh các tỉnh thành đang có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, TP.HCM, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đồng Nai... Việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-12 tuổi là mục tiêu quan trọng, sau hơn 4 tháng triển khai tiêm cả nước chỉ có tỷ lệ tiêm trung bình là 80% ở mũi 1 và 50% ở mũi 2. Có rất nhiều tỉnh thành tiêm rất chậm cả 2 mũi, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước rất nhiều, thậm chí có nơi như Quảng Nam tỷ lệ tiêm mũi 2 mới 17%, chỉ bằng gần 1/3 mức chung mũi 2 của cả nước.

tiem-tre-2.jpg
Nhiều tỉnh thành bắt đầu lơ là việc tiêm phòng vắc xin COVID-19, đặc biệt là tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi

Trước đó, thông tin tại cuộc họp của Hội đồng chuyên môn ngày 19.8 của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân COVID-19 nặng đang gia tăng, hiện các trường hợp nặng và tử vong chưa tiêm vắc xin COVID-19 chiếm tỷ lệ 23 - 25% ở các tuyến. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tỷ lệ tử vong do không tiêm vắc xin là 50%. Do đó, tại cuộc họp của Hội đồng chuyên môn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã yêu cầu các địa phương cần rà soát, lập danh sách quản lý, theo dõi và tiêm vắc xin cho đối tượng tuổi cao, mắc bệnh nền đúng thời gian để đảm bảo hiệu lực của vắc xin.

Hiện nay, tình trạng tồn đọng nhiều vắc xin COVID-19 tại trung ương và các địa phương đang tiếp diễn, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.

Nhiều người cho rằng dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát và nếu người dân có bị nhiễm cũng dễ dàng vượt qua do có kháng thể hoặc đã miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, chúng ta không được chủ quan, lơ là vì dịch vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ quay lại tăng số mắc, trên thực tế một số quốc gia đã tăng ca bệnh trở lại. Đối tượng cần tiêm vắc xin COVID-19 trong dân còn rất nhiều chứ không phải do thừa vắc xin, chính vì thế Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần rà soát đối tượng tiêm. Tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tiêm vắc xin cho các đối tượng theo hướng dẫn. Căn cứ vào kế hoạch được phân bổ vắc xin, cần xây dựng kế hoạch tiêm từng tuần, tiêm ở địa phương nào, đơn vị nào, ai chịu trách nhiệm giám sát...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng việc tiêm vắc xin không phải là bắt buộc, tuy nhiên ngành y tế khuyến khích việc tiêm vắc xin đối với tất cả người dân. Theo lý giải, các trường hợp tử vong do COVID-19 chiếm khoảng 80% không tiêm vắc xin hoặc không tiêm đủ mũi, phần lớn các ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền. Chúng ta cần hiểu rằng mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vắc xin hay do đã mắc COVID-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian và cần được khôi phục bằng cách tiêm mũi bổ sung. Đối với trẻ em, mặc dù các triệu chứng của COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn nhưng các em phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vẫn chưa quyết liệt việc yêu cầu dân tiêm vắc xin phòng COVID-19