Quan chức ngoại giao cấp cao Ukraine hôm 13.4 cho biết Kyiv sẽ không từ bỏ yêu cầu Nga rút khỏi Crimea, cũng như các khu vực khác mà Moscow đơn phương sáp nhập gần đây.

Ukraine kiên quyết đòi Nga rút khỏi Crimea

Hoàng Vũ (theo AP) | 14/04/2023, 14:20

Quan chức ngoại giao cấp cao Ukraine hôm 13.4 cho biết Kyiv sẽ không từ bỏ yêu cầu Nga rút khỏi Crimea, cũng như các khu vực khác mà Moscow đơn phương sáp nhập gần đây.

“Tất cả lãnh thổ của đất nước tôi phải được đối xử bình đẳng. Chúng tôi thống nhất với các nguyên tắc hiến chương của Liên Hợp Quốc và niềm tin chung rằng Crimea là của Ukraine và nó sẽ trở lại dưới sự kiểm soát của Ukraine”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu trực tuyến tại Hội nghị An ninh Biển Đen ở thủ đô Bucharest (Romania).

ngt-ukraine.png
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu trực tuyến tại Hội nghị An ninh Biển Đen tổ chức tại thủ đô Bucharest (Romania) hôm 13.4 - Ảnh: AP

Nga đã sử dụng nhiều cơ sở quân sự tại Crimea (vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga sáp nhập từ năm 2014), gồm cả cảng Sevastopol, nơi có hạm đội Biển Đen, và căn cứ không quân Saki, để tiến hành các cuộc tấn công tên lửa trên khắp Ukraine và hỗ trợ lực lượng mặt đất ở phía nam và phía đông.

Ukraine được cho là đang ưu tiên các cuộc tấn công gây thiệt hại hoặc phá hủy tài sản quân sự của Nga ở Crimea. Tuy nhiên Kyiv đang tránh nhận trách nhiệm trực tiếp về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, cũng như Crimea.

Điện Kremlin muốn Kyiv thừa nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea cũng như công nhận việc sáp nhập các tỉnh Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia của Ukraine hồi tháng 9 năm ngoái. Ukraine đã từ chối những yêu cầu đó và tuyên bố không đàm phán với Moscow cho đến khi quân đội của Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ đang bị kiểm soát.

Mặc dù không có dấu hiệu của các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra, hai bên đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh và tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mà Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Thỏa thuận này đã giúp giảm bớt những lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và một phần châu Á, nơi nhiều người đang phải vật lộn với nạn đói. Tuy nhiên, Moscow nhiều lần đe dọa rút khỏi thỏa thuận này.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga hôm 13.4 nói rằng sẽ không có cuộc thảo luận nào về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sau ngày 18.5 cho đến khi đạt được tiến bộ trong việc kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cũng như nối lại việc cung cấp máy móc, phụ tùng và dịch vụ nông nghiệp cho Moscow.

Trên chiến trường, các nhà phân tích quân sự cho biết một cuộc phản công dự kiến của Ukraine trong những tháng tới có thể nhằm vào hành lang trên bộ giữa Nga và Crimea, với hy vọng chia cắt lực lượng của Nga thành hai phần. Đây sẽ là một thách thức quân sự khó khăn. Hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng của Nga có hệ thống phòng thủ khá kiên cố tại Crimea.

Bài liên quan
Ứng viên vị trí đặc phái viên của ông Trump phụ trách vấn đề Nga - Ukraine
Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc chọn cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Richard Grenell làm đặc phái viên phụ trách vấn đề Nga - Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ukraine kiên quyết đòi Nga rút khỏi Crimea