Một nhà xuất bản sách giáo khoa của Úc mới đây thông báo sẽ thu hồi hơn 700 quyển sách dạy tiếng Trung có bản đồ “đường 9 đoạn” thể hiện yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông vốn đã bị chính phủ Úc phản đối gay gắt.
Theo báo The Guardian, Nhà xuất bản Cengage Learning Asia của Úc đã thừa nhận "sai sót trong khâu biên tập" và cam kết thu hồi những quyển chưa kịp bán. Cengage xác nhận 633 bản đã được bán ở Úc và 100 bản bên ngoài Úc. Nhà xuất bản này phân trần rằng có một bản thảo khác sử dụng bản đồ không có đường lưỡi bò.
Đại diện của NXB Cengage cho hay, do "không xác định được chủ sở hữu bản đồ là ai", biên tập viên đã đổi sang một bản đồ Trung Quốc khác và "không để ý đến những đường đứt đoạn trên Biển Đông". Bên dưới được ghi chú thích "bản đồ Trung Quốc".
“Chúng tôi xin lỗi độc giả vì sự bất cẩn này. Chúng tôi đã yêu cầu thu hồi sách và chỉ định một biên tập viên xem xét tiêu đề và các quy trình khắc phục của nó”, NXB Cengage thông báo và cho biết sẽ thu hồi khoảng 750 bản ở Úc và Singapore.
Trước khi bị thu hồi, quyển sách dạy tiếng Trung này đã được sử dụng tại ít nhất 11 trường ở bang Victoria (Úc), bao gồm cả các trường tư thục danh tiếng như Camberwell Grammar School và Ruyton Girls ’School.
“Rất dễ gây hiểu lầm khi miêu tả đường 9 đoạn như một bản đồ hợp pháp của Trung Quốc và khu vực. Để tấm bản đồ như vậy xuất hiện trong sách giáo khoa Úc không chỉ đi ngược lại luật pháp quốc tế mà còn trái với quan điểm của chính phủ Úc về đường lưỡi bò phi lý”, Giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu Trường cao đẳng An ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc, nhận định.
Nhưng cơ quan quản lý chương trình giảng dạy của bang Victoria nhấn mạnh rằng họ chưa bao giờ xác nhận cuốn sách, trong khi Nhà xuất bản Cengage, vẫn duy trì việc đưa bản đồ vào khóa học tiếng Trung cao cấp.
Trưởng bộ môn tiếng Trung tại hai trường tư thục danh tiếng nhất ở Melbourne, Scotch College và Camberwell Grammar - Xu Jixing và Ha Wei - hai tác giả của quyển sách giáo khoa nói trên, đã phủ nhận việc đưa bản đồ vào trong sách. Cả hai khẳng định chưa bao giờ có ý định biến sách giáo khoa "thành công cụ tuyên truyền", hay thể hiện "quan điểm chính trị" trong chương trình dạy tiếng Trung và mục đích của khóa học là để giúp người Úc hiểu biết hơn về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
“Chúng tôi đã sử dụng hầu hết các nguồn tài nguyên có thể tìm thấy vào thời điểm chúng tôi viết cuốn sách. Chúng tôi chỉ có ý định cung cấp một số thông tin cơ bản mà không có bất kỳ định kiến chính trị hay lập trường chính trị nào để độc giả của chúng tôi đưa ra đánh giá phê bình của họ”, ông Xu cho biết và tiết lộ đã ở Úc gần 30 năm “và yêu thích bầu không khí tự do về chính trị trong cuộc sống ở Úc”.
Còn tác giả Ha Wei khẳng định cuốn sách được sử dụng tại trường Camberwell Grammar “như một tài liệu tham khảo, không bắt buộc đối với tất cả mọi người”.
Những mối quan tâm về sách dạy tiếng Trung Quốc lần đầu tiên được điều tra bởi The Citizen, một ấn phẩm của Trung tâm Báo chí Tiến bộ thuộc Đại học Melbourne.
Điều tra sâu hơn của The Citizen cho thấy quyển sách dạy tiếng Trung do hai tác giả nói trên soạn thảo đã dành tới 2 trang nói về "Mộng Trung Hoa". Khái niệm này được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hồi năm 2012 với tham vọng khôi phục sự vĩ đại của Trung Quốc. Khái niệm này cũng được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy tại các trường học ở Trung Quốc theo chỉ đạo của Trưởng ban Tuyên giáo đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hai trang sách đề cập đến khái niệm "Mộng Trung Hoa" - Ảnh: The Citizen
Cuốn sách cũng thảo luận về những ưu điểm của sáng kiến “Vành đai và con đường” của ông Tập và nhu cầu của Trung Quốc để xây dựng “Sức mạnh quốc gia toàn diện”. Một đoạn trích viết: “Người Trung Quốc coi khái niệm của phương Tây về các quyền tự do cá nhân và chính trị là không khả thi ở một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc… Thay vào đó, họ coi trọng một chính phủ trung ương mạnh mẽ do những người có lợi ích của nhân dân làm trọng tâm”.
Thời gian qua, Úc chưa có tuyên bố rõ ràng về việc có ủng hộ lập trường cứng rắn của Mỹ về Biển Đông hay không. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc chỉ đưa ra một tuyên bố báo chí yêu cầu các bên tôn trọng luật pháp quốc tế (đặc biệt là UNCLOS 1982) và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực về Biển Đông. Úc lâu nay cũng đã từ chối tham gia với Mỹ trong các hoạt động tự do hàng hải trong vòng 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc có yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông do lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của nước này với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, căng thẳng ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc leo thang trong những tháng gần đây kể từ khi Thủ tướng Scott Morrison cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Úc kêu gọi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19. Đáp trả, Bắc Kinh cũng đã hạn chế thương mại với Canberra khi áp mức thuế 80% đối với lúa mạch Úc và đình chỉ nhập khẩu hàng từ 4 nhà sản xuất nông nghiệp Úc, đồng thời khuyến cáo người dân Trung Quốc không đến Úc, cũng như cảnh báo du học sinh nước này cân nhắc rủi ro khi học tập tại Úc.
Kể từ tháng 4.2020, Úc đã có nhiều bước đi đáng chú ý thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn về Biển Đông. Tàu chiến Úc HMAS Parramatta đã tham gia tập trận chung với tàu chiến Mỹ tại khu vực Biển Đông hồi tháng 4. Trong tháng 7, có 5 chiến hạm Úc gồm HMAS Canberra, HMAS Hobart, HMAS Stuart, HMAS Arunta và HMAS Sirius cũng đã lần lượt đi qua Biển Đông, trong đó có khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trước khi tham gia tập trận chung với tàu chiến Nhật Bản và Mỹ tại vùng biển Philippines.
Trong công hàm trình lên Liên Hợp Quốc hồi tháng trước, Úc đã tuyên bố yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc bao gồm cả những vấn đề liên quan đến việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi cạn và rạn san hô ở Biển Đông “không có cơ sở pháp lý”.
"Úc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử hay quyền và lợi ích hàng hải được thiết lập trong quá trình hoạt động có tính lịch sử lâu dài ở Biển Đông. Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định chủ quyền cho các thực thể hàng hải hoặc nhóm đảo ở Biển Đông”, tuyên bố nêu rõ.
Hoàng Vũ (theo The Guardian)