Tại hạt Harris thuộc bang Texas, ngày bỏ phiếu sớm đầu tiên ghi nhận đến 128.000 người đi bầu. Ngày thứ hai là 115.000, ngày thứ ba 105.000.

Tỷ lệ cử tri đi bầu của Mỹ có thể cao kỷ lục

Cẩm Bình | 23/10/2020, 10:33

Tại hạt Harris thuộc bang Texas, ngày bỏ phiếu sớm đầu tiên ghi nhận đến 128.000 người đi bầu. Ngày thứ hai là 115.000, ngày thứ ba 105.000.

Qua 8 ngày thì toàn hạt Harris thuộc bang Texas có 801.000 người đi bầu - tương đương hơn 93% số cử tri bỏ phiếu sớm của địa phương năm 2016. Hoạt động bỏ phiếu sớm còn kéo dài 10 ngày nữa.

Tỷ lệ cử tri đi bầu - tính cả bỏ phiếu trực tiếp lẫn bỏ phiếu qua đường bưu điện - cao bất thường ở hạt Harris khiến Texas (vốn thuộc nhóm tỷ lệ thấp nhất cả nước) trở thành điểm sáng trong bỏ phiếu sớm năm nay. Đến nay toàn bang có 5,3 triệu người đi bầu - đạt gần 60% tổng số cử tri bỏ phiếu 4 năm trước.

Quan chức hạt Harris Chris Hollins nhận xét những con số ấn tượng trên vượt quá mọi mong đợi, và đây có thể cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất từ trước đến nay của địa phương.

Vài tháng trước từng dấy lên lo ngại dịch bệnh COVID-19 sẽ gây khó khăn lớn cho bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhưng giờ đây hàng loạt địa phương đều lần lượt phá vỡ kỷ lục bỏ phiếu sớm: Bắc Carolina, Georgia, Michigan cùng một số bang tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa không chênh lệch nhau bao nhiêu (swing state) thì hoặc đã vượt qua hoặc sắp chạm mốc 40% số người đi bầu 4 năm trước. Tính đến chiều 21.10 có hơn 42 triệu người bỏ phiếu sớm - gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm 2016.

Theo giáo sư chính trị học Michael McDonald thuộc đại học Florida - người đang theo dõi chặt chẽ diễn biến bầu cử: “Điều này chưa từng có tiền lệ”.

Vượt qua 30% số cử tri bỏ phiếu sớm năm 2016

Khi còn chưa đầy 2 tuần nữa tới ngày bầu cử chính thức, số cử tri bỏ phiếu sớm trên toàn quốc đã vượt mốc 30% người đi bầu 4 năm trước. Giáo sư MacDonald dự báo con số sẽ chạm mốc 85 triệu người, và tổng số cử tri đi bầu (cả trước lẫn ngay ngày bầu cử) sẽ là 150 triệu.

Đây là kết quả của việc giới chức nhiều tiểu bang vài năm nay sửa đổi quy định nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho bỏ phiếu sớm mà đặc biệt là bỏ phiếu qua đường bưu điện. Hơn nữa, họ cũng thực hiện công tác báo cáo số liệu thống kê hằng ngày tốt hơn.

Thành phần thúc đẩy bỏ phiếu qua đường bưu điện gia tăng là người ủng hộ đảng Dân chủ. Trong 19,1 triệu lá phiếu gửi bởi cử tri ở 19 bang báo cáo dữ liệu đăng ký thì có 10 triệu lá phiếu của người ủng hộ đảng Dân chủ - tương đương 52%. Tổng thống Donald Trump phản đối gay gắt bỏ phiếu qua đường bưu điện nên có khả năng hầu hết người ủng hộ ông không dùng cách thức này. Tuy nhiên, cũng có 5 triệu lá phiếu gửi bởi cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa, hơn 4 triệu lá phiếu gửi bởi cử tri không thuộc đảng phái nào.

5f8f44b200db5.image.jpg
Số cử tri toàn quốc bỏ phiếu sớm toàn nước Mỹ đã vượt mốc 30% người đi bầu 4 năm trước - Ảnh: AP

Tỷ lệ đi bầu cao nhất trong hơn 1 thế kỷ?

Nếu cử tri bỏ phiếu ngày bầu cử đúng như mong đợi, giáo sư MacDonald tin tưởng Mỹ có thể đạt tỷ lệ đi bầu cao nhất từ năm 1908 đến nay.

Năm đó, ứng viên đảng Cộng hòa William Howard Taft đánh bại đối thủ đảng Dân chủ William Jennings Bryan, với 65,7% dân số đủ điều kiện bỏ phiếu tham gia bầu cử. Do Tu chính án 19 chưa được thông qua nên đối tượng đủ điều kiện bỏ phiếu không tính phụ nữ và luật pháp ở miền nam nước Mỹ cũng hạn chế cho người da đen đi bầu.

Tỷ lệ đi bầu giảm từ năm 1972, suốt những năm 1980 cùng 1990 thì chỉ vào khoảng 50%. Mức thấp nhất gần đây là 51,7% năm 1996. Tỷ lệ bắt đầu tăng vào năm 2004 rồi giữ vững ở khoảng 60%. Năm 2016 có 60,1% dân số đủ điều kiện bỏ phiếu tham gia bầu cử.

Theo giáo sư MacDonald, bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay sẽ đạt đến mức như năm 1908 - đòi hỏi 150 triệu cử tri.

Quan chức Hollins cho rằng chính hoạt động “đưa tin sai lệch” và gây khó khăn cho cử tri của Tổng thống Trump cùng đảng Cộng hòa thúc đẩy họ đi bỏ phiếu. Trong tháng 10, Thống đốc bang Texas Greg Abbott (đảng viên Cộng hòa) hạ lệnh mỗi hạt trên địa bàn chỉ lập 1 điểm nhận gửi phiếu bầu qua đường bưu điện.

“Tôi nghĩ cử tri muốn thể hiện phản ứng: Đừng gây hấn với Texas. Nỗ lực buộc người dân ở nhà đã phản tác dụng, mọi người thực sự có động lực ra ngoài”, theo quan chức Hollins.

img_8601-768x512.jpg
Bỏ phiếu qua đường bưu điện - Ảnh: Miami Herald

Tổng thống Trump trông chờ ngày bầu cử

Ở một số bang, tỷ lệ người ủng hộ đảng Cộng hòa bỏ phiếu sớm trực tiếp bằng hoặc vượt qua tỷ lệ người ủng hộ đảng Dân chủ bỏ phiếu sớm trực tiếp. Tuy nhiên, lợi thế này chẳng thể sánh với lượng phiếu bỏ qua đường bưu điện khổng lồ của người ủng hộ đảng Dân chủ.

Giáo sư MacDonald nhận xét: “Người ủng hộ đảng Cộng hòa muốn tập trung bỏ phiếu vào ngay ngày bầu cử, nên chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump ắt hẳn rất hy vọng tất cả cử tri sẽ đi bầu. Thật rủi ro”.

Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu - Đổi mới Bầu cử (CEIR) David Becker đánh giá cử tri - bất kể ủng hộ đảng nào - cũng đang rất nhiệt tình bỏ phiếu. Người dân nay quen với trạng thái bình thường mới trong dịch bệnh nên lập sẵn kế hoạch đi bầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỷ lệ cử tri đi bầu của Mỹ có thể cao kỷ lục