Tuyên bố chung thượng đỉnh G7 đã lên án Trung Quốc ảnh hưởng an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đề cập các vấn đề như Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.

Tuyên bố chung thượng đỉnh G7 'dằn mặt' Trung Quốc về Biển Đông?

Hoàng Vũ | 14/06/2021, 12:44

Tuyên bố chung thượng đỉnh G7 đã lên án Trung Quốc ảnh hưởng an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đề cập các vấn đề như Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.

Hội nghị thượng định các nước công nghiệp phát triển - G7 đã kết thúc vào hôm 13.6 tại Cornwall (Anh) sau 3 ngày thảo luận với tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về các hành động đối phó đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, đồng thời đưa ra lập trường thống nhất về các giá trị dân chủ và sự hiểu biết chung về các thách thức toàn cầu, bao gồm cả những nguy cơ từ Trung Quốc.

Đề cập đến các giá trị dân chủ, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tại cuộc họp báo bế mạc: "Đây không phải là việc áp đặt các giá trị của chúng tôi đối với phần còn lại của thế giới. Những gì chúng tôi cần làm với tư cách là thành viên của G7 là chứng minh các lợi ích của dân chủ, tự do và nhân quyền cho phần còn lại của thế giới”.

Lưu ý đến tác động thảm khốc của đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và những thách thức mang tính hệ thống ngày càng tăng do các quốc gia như Trung Quốc và Nga gây ra ảnh hưởng lớn hơn đối với các nước đang phát triển, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra nhiều phương hướng và giải pháp cho thế giới.

https-3a-2f-2fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com-2fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4-2fimages-2f8-2f0-2f9-2f8-2f34738908-6-eng-gb-2fcropped-1623627465rtxd86cm.jpg
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại phiên họp toàn thể của hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh hôm 13.6 - Ảnh: Reuters

Về vắc xin COVID-19, các nước G7 (gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada) đã tuyên bố cung cấp 1 tỉ liều trong năm tới, đồng thời đẩy mạnh tự nguyện cấp phép và sản xuất phi lợi nhuận vắc xin trên toàn cầu. Để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, các nhà lãnh đạo cũng đồng ý thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường hỗ trợ khoa học bằng cách đặt mục tiêu phát triển vắc xin, phương pháp điều trị và thử nghiệm trong 100 ngày thay vì 300 ngày.

Bên cạnh đó, G7 cũng kêu gọi tiến hành một cuộc nghiên cứu về nguồn gốc COVID-19 “kịp thời, minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và do các chuyên gia lãnh đạo, bao gồm khuyến nghị trong báo cáo của các chuyên gia ở Trung Quốc".

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng trở thành tâm điểm địa chính trị đối với các thành viên G7, và tuyên bố chung của nhóm hôm 13.6 đã phần nào phản ánh điều đó. “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao trùm và dựa trên pháp quyền", tuyên bố cho hay.

"Rõ ràng là có một số căng thẳng vào lúc này mà chúng tôi nghĩ có thể được giải quyết bằng cách tuân thủ đúng đắn hệ thống quốc tế dựa trên quy tắc mà chúng tôi tin tưởng. Anh và G7 sẽ quyết tâm làm điều đó", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.

G7 cũng cho biết họ đề cao "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích giải pháp hòa bình cho các vấn đề xuyên eo biển này".

Đáng chú ý, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 cũng nêu quan ngại “nghiêm túc về tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông”, đồng thời lên án và phản đối mạnh mẽ “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng". Tuyên bố này dường như ám chỉ Trung Quốc với hàng loạt động thái “bành trướng”, “bắt nạt láng giềng” tại Biển Đông và Hoa Đông.

Bên cạnh đó, Các nước G7 cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt liên quan đến Tân Cương và Hồng Kông.

G7 còn khẳng định sẽ đề ra các biện pháp phối hợp toàn nhóm để chống lại các hành động làm ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc tế tự do, công bằng. “Liên quan đến Trung Quốc và sự cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn về các phương pháp tiếp cận tập thể đối với các chính sách và thực tiễn phi thị trường đầy thách thức làm suy yếu sự vận hành công bằng và minh bạch của nền kinh tế toàn cầu”, tuyên bố chung nêu rõ.

Ngoài ra, thỏa thuận Build Back Better World (B3W, tạm dịch: Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn) đã được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh G7. Đây được coi là sáng kiến ​​đầu tư cơ sở hạ tầng của nhóm dựa trên các giá trị và chuẩn mực dân chủ thúc đẩy "tăng trưởng xanh và sạch" ở các nước đang phát triển. Theo Nikkei, sáng kiến ​​này được nhiều người coi là một biện pháp nhằm đối phó với sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Biến đổi khí hậu và chiến dịch “phục hồi xanh” cũng là những trọng tâm chính của hội nghị thượng đỉnh G7. Các nhà lãnh đạo G7 cam kết viện trợ nhiều hơn cho các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và ngừng các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Họ nhất trí tiếp tục huy động 100 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2025, nhằm giúp các nước đang phát triển cắt giảm khí thải carbon và ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyên bố chung thượng đỉnh G7 'dằn mặt' Trung Quốc về Biển Đông?