Văn phòng bà Thái Anh Văn cho biết Đài Loan sẽ là “lực lượng tốt” và tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn nữa từ quốc tế, sau khi hòn đảo này giành sự ủng hộ chưa từng có từ nhóm 7 nền dân chủ lớn.
Sau khi thảo luận về cách đi đến một lập trường thống nhất về Trung Quốc, các nhà lãnh đạo 7 nền kinh tế giàu có (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada) hôm 13.6 đã ban hành một thông cáo cuối cùng mang tính chỉ trích cao, đi sâu vào những vấn đề nhạy cảm nhất với Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo G7 đã chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền ở Tân Cương, kêu gọi giữ mức độ tự chủ cao cho Hồng Kông, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Người phát ngôn Văn phòng bà Thái Anh Văn - Xavier Chang cho biết đây là lần đầu tiên thông cáo chung của các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển và lần đầu tiên có "nội dung thân thiện với Đài Loan". Ông bày tỏ cảm ơn sâu sắc về sự ủng hộ của G7.
Ông Xavier Chang cho biết thêm, Đài Loan cùng các nước thành viên G7 chia sẻ các giá trị cơ bản như dân chủ, tự do và nhân quyền.
“Đài Loan chắc chắn sẽ tuân thủ vai trò của mình như một thành viên có trách nhiệm trong khu vực và cũng sẽ kiên quyết bảo vệ hệ thống dân chủ cùng các giá trị phổ quát được chia sẻ”, ông Xavier Chang cam kết.
Ông Xavier Chang nói Đài Loan sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của mình với các nước G7 và các nước cùng chí hướng khác, đồng thời cố gắng nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế.
Theo Xavier Chang, Đài Loan cũng sẽ đóng góp một cách vững chắc lực lượng tốt nhất cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường áp lực chống lại Đài Loan, với các cuộc tập trận quân sự thường xuyên gần hòn đảo này.
Trong khi hầu hết các nước, bao gồm cả các thành viên G7, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhóm này cùng các đồng minh phương Tây khác đã và đang ủng hộ hòn đảo này.
Điều đó bao gồm việc kêu gọi cho Đài Loan được tiếp cận thích hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong đại dịch coronavirus. Đài Loan không phải là một thành viên WHO do sự phản đối của Trung Quốc, vốn coi đây chỉ là một trong những tỉnh của mình.
Ngoài vấn đề về Đài Loan, Tân Cương và Hồng Kông, G7 yêu cầu cuộc điều tra đầy đủ và kỹ lưỡng về nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc.
G7 cũng kêu gọi một sự minh bạch về nghiên cứu nguồn gốc COVID-19 giai đoạn 2 ở Trung Quốc, với các chuyên gia đứng đầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập.
"Chúng tôi chưa được tiếp cận các phòng thí nghiệm", Tổng thống Biden nói với các phóng viên.
Ông Biden cho biết vẫn chưa chắc chắn có hay không "một con dơi giao tiếp với động vật và môi trường... gây ra COVID-19, hay liệu nó có phải là một thí nghiệm bị thất bại trong phòng thí nghiệm hay không".
Ngoài ra, G7 nhắc đến tình hình trên Biển Đông: “Chúng tôi vẫn quan ngại nghiêm túc về tình hình ở Biển Đông, phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng”.