Thấy bé than đau chân rồi khóc, sau đó lại hết, gia đình tưởng bé nhõng nhẽo, ai ngờ bác sĩ phát hiện bé bị bệnh moyamoya (hẹp động mạch cảnh) – nguyên nhân gây đột quỵ có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Ngày 23.3, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay vừa phát hiện và phẫu thuật thành công một bé gái bị đột quỵ do hẹp động mạch cảnh cả 2 bên mà gia đình nghĩ bé nhõng nhẽo.
Theo người nhà của bé gái N.T.T.N. (5 tuổi, quê ở Đắk Nông), khoảng tháng 5.2020, lúc bé quay lại học sau kỳ nghỉ dịch COVID-19 thì cô giáo phát hiện bé bị yếu 1 tay, chân bên trái rồi khóc, nên báo với gia đình, nhưng sau đó cô giáo nói cháu đã bình thường trở lại rồi. Lúc đó, gia đình nghĩ bé nhõng nhẽo không chịu đi học nên làm vậy. Tuy nhiên, sau đó về nhà một thời gian thì phát hiện bé cũng có dấu hiệu trên, gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) kiểm tra.
Bác sĩ Phan Minh Trí - Khoa ngoại tổng hợp cho biết, lúc nhập viện bệnh nhi tỉnh táo; nhiều cơn đột quỵ lặp lại khi khóc, vận động mạnh; sinh hiệu ổn, tự ăn uống tốt. Tại đây, sau khi tiến hành làm cách kỹ thuật cận lâm sàng, chụp MRI thì phát hiện bé bị bệnh moyamoya (hẹp động mạch cảnh) cả 2 bên.
Bé gái này bị tắc nghẽn 2 động mạch. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp bắc cầu mạch máu gián tiếp trong ngoài sọ bên phải.
“Do đây là bệnh nhi, các mạch máu rất li ti nên không thể can thiệp trực tiếp để nong nơi hẹp động mạch cảnh, cho nên ê kíp mổ phải tiến hành phẫu thuật bắc cầu bằng cách lấy động mạch thái dương nông để làm động mạch bắc cầu, nhằm xử lý tình trạng hẹp động mạch cảnh của bệnh nhi này”, bác sĩ Trí giải thích.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải rất cẩn thận để giữ động mạch thái dương nông, không cho tổn thương, và bộc lộ vùng não cần hồi phục và khâu động mạch vừa tìm được được.
“Sau phẫu thuật 24 giờ bé đã ngưng thở máy, vết mổ khô và sau đó ăn uống đi lại bình thường. Hiện bé đã được cho xuất viện. Tuy nhiên, bé vẫn phải tái khám định kỳ để các bác sĩ theo dõi trong thời gian 6 tháng xem mạch máu nối sau khi phẫu thuật bắc cầu đã dẫn truyền máu tốt không”, bác sĩ Trí cho hay.
Theo bác sĩ Trí, nhiều người quan niệm sai lầm khi cho rằng đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, rất ít khi gặp ở trẻ con. Trong thời gian gần đây, Bệnh Viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ được gia đình đưa vào bệnh viện trong nhiều tình huống khác nhau có liên quan đến đột quỵ, từ tê, yếu tay chân cho đến hôn mê sâu. Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em, trong đó nguyên nhân chủ yếu do mắc bệnh moyamoya.
Đây là bệnh lý gây ra bởi tình trạng viêm vô căn gây tắc dần hệ động mạch cảnh trong (động mạch chính cấp máu nuôi não). Theo thời gian, não bệnh nhân sẽ bị tổn hại do quá trình thiếu máu, cuối cùng dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, bác sĩ Trí cho biết tỷ lệ trẻ mắc bệnh moyamoya rất thấp, chỉ 0,9/100.000 trẻ. Triệu chứng ban đầu là bị liệt đột ngột rồi tự phục hồi. Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra căn bệnh này ở trẻ.
Để phát hiện được chính xác căn bệnh moyamoya cần phải chụp MRI và chụp DSA (chụp mạch máu não) ở những cơ sở y tế chuyên sâu, bác sĩ có kinh nghiệm để đọc được chính xác hình ảnh, nếu không sẽ không thể chẩn đoán chính xác.
“Khi thấy trẻ nói đau mỏi chân, tay lười học nhưng sau đó tự khỏi mà lặp đi, lặp lại nhiều lần, ngày càng nặng thêm thì trẻ đang có dấu hiệu của bệnh đột quỵ, nên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên sâu, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Trí khuyến cáo.