Giả thiết coronavirus mới (nCoV) rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán cần được khám phá đầy đủ.
Trong hơn 1 năm, giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán được các tổ chức tin tức và công ty truyền thông xã hội lớn của Mỹ coi là thuyết âm mưu thuần túy.
Ví dụ, Facebook, Instagram đã kiểm duyệt mạnh mẽ các tham chiếu đến giả thuyết này và thậm chí đình chỉ các tài khoản vì liên tục chia sẻ thông tin. Thay vì điều tra câu chuyện, báo chí Mỹ đã bác bỏ nó như một ý tưởng điên rồ hoặc lý thuyết ngoài lề.
Đột nhiên, khi không có bất kỳ bằng chứng mới nào, các phương tiện truyền thông chính thống đã chấp nhận giả thuyết đó là đáng tin cậy, rằng thảm họa sức khỏe toàn cầu lớn nhất trong hơn 1 thế kỷ có thể do loại vi rút thoát ra sau khi được chế tạo trong phòng thí nghiệm Vũ Hán gây nên. Những mạng xã hội truyền thông Mỹ cũng đột ngột ngừng xóa các bài đăng cho rằng nCoV là do con người tạo ra.
Các nhà phê bình theo chủ nghĩa tự do gọi sự đảo ngược là "thất bại" do "tư duy nhóm" của người Mỹ.
Đầu tháng này, cựu Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo cho biết ông phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tìm ra sự thật về nguồn gốc của nCoV khi còn đương chức. Theo ông, ngay cả cộng đồng tình báo Mỹ cũng "không muốn thế giới biết Trung Quốc đang trong quá trình che đậy vài triệu thiệt hại về nhân mạng".
Nỗ lực phối hợp nhằm che giấu sự thật còn được mở rộng sang các tổ chức khoa học và thể chế quan liêu của Mỹ, phần lớn là do các cơ quan chính phủ Mỹ tài trợ cho các thí nghiệm trên coronavirus tại Viện Vi rút học Vũ Hán liên kết với quân đội Trung Quốc, và cũng vì một số phòng thí nghiệm của Mỹ vẫn đang tham gia nghiên cứu tương tự để tạo ra các siêu vi rút.
Một số nhà khoa học đi đầu trong việc loại bỏ giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm đã che giấu những xung đột lợi ích của họ, bao gồm cả mối quan hệ của họ với các nhà khoa học Trung Quốc.
Ngày nay, sự chú ý mới của quốc tế về lý thuyết nCoV rò rỉ trong phòng thí nghiệm có thể báo hiệu áp lực lớn hơn với Trung Quốc khiến nước này phải cố gắng dọn dẹp sạch sẽ nguồn gốc của đại dịch.
Ở Mỹ trước đây, khi chính quyền Trump thúc đẩy lý thuyết nCoV rò rỉ trong phòng thí nghiệm, các tổ chức truyền thông xã hội và tin tức thiên cánh tả gần như tìm cách triệt hạ nó. Song nay đã có sự đảo ngược quan điểm của các tổ chức này bắt đầu vài ngày trước khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố hôm 26.5 rằng rò rỉ nCoV từ phòng thí nghiệm là một trong "hai kịch bản có thể xảy ra" về nguồn gốc COVID-19. Việc nhập cuộc của ông Biden diễn ra sau khi Trung Quốc đóng cửa, không cho phép Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra thêm.
Hôm 26.5, Tổng thống Joe Biden nói đã chỉ đạo tình báo Mỹ tăng gấp đôi nỗ lực trong việc điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và báo cáo lại cho ông sau 90 ngày. Ông Biden cho biết các cơ quan tình báo Mỹ đã chia rẽ về việc liệu COVID-19 “xuất hiện từ sự tiếp xúc của con người với động vật bị nhiễm bệnh hay từ tai nạn trong phòng thí nghiệm”.
Vi rút rò rỉ từ các phòng thí nghiệm không phải là hiếm. Năm 1979, bệnh than đã thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm của Liên Xô ở thành phố Yekaterinburg, trước đây được gọi là Sverdlovsk, giết chết 64 người.
Sau khi dịch SARS bùng phát năm 2003, các phòng thí nghiệm khắp thế giới bắt đầu nghiên cứu về vi rút này. Kể từ thời điểm đó, đã có không dưới 6 vụ rò rỉ SARS trong phòng thí nghiệm. Vụ đầu tiên xảy ra tại Đại học Quốc gia Singapore, khi một sinh viên đã nhiễm bệnh từ một mẫu nhiễm vi rút. Tiếp theo là sự cố tại Đài Loan khi một nhà nghiên cứu nhiễm vi rút, có thể là trong quá trình khử khuẩn các chất thải từ phòng thí nghiệm. Sau đó, một số vụ rò rỉ đã xảy ra tại Viện Vi rút học Quốc gia Trung Quốc. Trong đó, một nhà nghiên cứu đã lây vi rút cho mẹ cô khiến bà qua đời vì SARS.
Dù đại dịch COVID-19 gây rối loạn toàn cầu bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán là trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc về siêu vi rút, cũng như thực tế là các nhà khoa học quốc tế đã sớm nhận thấy cấu tạo di truyền nCoV có phần khác với coronavirus tự nhiên, lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm liên tục bị bác bỏ cho đến khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ và xem xét giả thiết đó.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (đảng Cộng hòa) cho rằng việc bác bỏ nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm như vậy "đóng một vai trò quan trọng trong việc Biden đánh bại Trump ở cuộc đua Tổng thống Mỹ năm 2020".
Trước thời Trump, iện Y tế Quốc gia Mỹ đã chi 3,4 triệu USD cho cho Viện Vi rút học Vũ Hán thông qua EcoHealth Alliance có trụ sở tại New York, với nguồn quỹ lớn nhất là Lầu Năm Góc. Thế nhưng, Lầu Năm Góc vẫn chưa phủ nhận một cách dứt khoát rằng bất kỳ khoản tiền gần 39 triệu USD nào mà họ đã cung cấp cho EcoHealth Alliance cuối cùng đều ở Vũ Hán.
Một tờ thông tin do chính quyền Trump công bố trong những ngày cuối nhiệm kỳ bày tỏ lo ngại về việc "liệu có bất kỳ khoản tài trợ nghiên cứu nào của họ được chuyển hướng sang các dự án quân sự bí mật của Trung Quốc tại Viện Vi rút học Vũ Hán hay không?".
Về cơ bản, sự im lặng kéo dài trong cuộc thảo luận mở quốc tế về việc liệu đại dịch có khởi nguồn bởi sự rò rỉ một loại vi rút được tăng cường chức năng từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán do Mỹ tài trợ hay không, có thể khiến sự thật bị che giấu mãi mãi. Việc mất thời gian quý báu có thể hỗ trợ rất nhiều cho việc Trung Quốc che đậy nguồn gốc COVID-19.
Nếu trong 1 năm rưỡi kể từ khi đại dịch bắt đầu, Mỹ không tìm thấy thông tin tình báo cuối cùng hỗ trợ cho một trong hai giả thuyết – vi rút lan truyền từ động vật sang người hoặc rò rỉ trong phòng thí nghiệm, thì bằng chứng vững chắc mới khó có thể xuất hiện trong thời hạn 90 ngày do Tổng thống Biden đề ra.
“Đến giờ, Trung Quốc có khả năng đã tiêu hủy mọi bằng chứng buộc tội họ về sự cẩu thả hoặc liên quan trong thảm họa tồi tệ nhất trong thời đại của chúng ta. Nếu không có bằng chứng thuyết phục nào xuất hiện về nguồn gốc của đại dịch thì điều đó có thể khiến Trung Quốc thoát khỏi tầm ngắm”, Brahma Chellaney, tác giả của 9 cuốn sách về châu Á và một số vấn đề chiến lược của thế giới, nhận định.