Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình nhấn mạnh trách nhiệm của họ với thế giới trong việc tránh xung đột khi người đứng đầu hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu hội đàm nhiều giờ vào hôm nay.
"Với tôi, trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ là đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai quốc gia của chúng ta không trở thành xung đột, cho dù có chủ ý hay ngoài ý muốn. Đơn giản thôi, cạnh tranh thẳng thắn", ông Biden nói.
Hai cường quốc bất đồng về nguồn gốc đại dịch, các quy tắc thương mại và cạnh tranh, kho vũ khí hạt nhân ngày càng mở rộng của Trung Quốc và việc gia tăng áp lực với Đài Loan cùng các vấn đề khác.
Gọi ông Biden là "người bạn cũ", ông Tập Cận Bình nói rằng hai bên phải tăng cường giao tiếp và hợp tác để giải quyết nhiều thách thức mà họ phải đối mặt. Tổng thống Biden trước đây đã phản đối việc mô tả mối quan hệ giữa họ như tình bạn cũ.
Phát biểu thông qua phiên dịch viên, ông Tập Cận Bình nói: "Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường giao tiếp và hợp tác".
Tổng thống Biden hứa sẽ giải quyết các lĩnh vực quan tâm, bao gồm nhân quyền và các vấn đề khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nói thêm rằng "ông và tôi chưa bao giờ chính thức với nhau như vậy".
Cuộc đàm phán do Tổng thống Biden khởi xướng và bắt đầu lúc 7 giờ 46 sáng 16.11 giờ Việt Nam nhằm làm cho mối quan hệ bớt gay gắt hơn.
Hai bên tạm nghỉ 15 phút sau phiên họp đầu tiên kéo dài gần 2 giờ, hơn nửa tiếng so với dự kiến, theo báo cáo từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, trước khi tiếp tục cuộc hội đàm.
Những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo đã được một nhóm nhỏ phóng viên cùng ông Biden quan sát từ Phòng Roosevelt của Nhà Trắng trước khi các nguyên thủ và phụ tá hàng đầu nói chuyện riêng. Tổng thống Mỹ nở nụ cười tươi khi Chủ tịch Trung Quốc xuất hiện trên màn hình lớn trong phòng họp.
Ông Biden và Tập Cận Bình đã không có cuộc gặp trực tiếp nào kể từ khi Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Lần gần nhất họ nói chuyện là qua điện thoại vào tháng 9.2021.
Các quan chức Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng với bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào giữa hai bên, bao gồm cả về thương mại, nơi Trung Quốc đang tụt hậu trong cam kết mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Không có trong chương trình nghị sự là thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc từ ông Biden mà Bắc Kinh và các nhóm kinh doanh hy vọng sẽ được giảm bớt.
Nhà Trắng đã từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu Mỹ có cử các quan chức đến Thế vận hội (Olymic) Mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2.2022 hay không. Các nhà hoạt động và nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục chính quyền Biden tẩy chay thế vận hội này.
Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho biết: “Cả hai bên đang cố gắng thiết lập mục tiêu của cuộc gọi là tạo ra sự ổn định trong mối quan hệ, thông qua ngôn ngữ tập thể và khung tổng thể của cuộc trò chuyện cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ. Câu hỏi là liệu họ có đạt được thỏa thuận về bất cứ điều gì hay ít nhất, đồng ý không đồng ý và tránh các bước leo thang”.
TẦM NHÌN CẠNH TRANH
Chủ tịch Tập Cận Bình đang hướng tới Thế vận hội và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm tới, nơi ông được cho sẽ đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có, cũng muốn tránh căng thẳng gia tăng với Mỹ.
Thế nhưng, ông Tập Cận Bình được cho là sẽ đẩy lùi nỗ lực của Mỹ nhằm tạo thêm không gian cho Đài Loan trong hệ thống quốc tế. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan của mình và thề sẽ đưa đảo này vào quyền kiểm soát, thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Triệu Lập Kiên phát biểu trong cuộc họp thường kỳ hôm 16.11: "Người ta hy vọng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau nửa chừng, tăng cường đối thoại và hợp tác, quản lý hiệu quả sự khác biệt, xử lý đúng các vấn đề nhạy cảm và khám phá các cách thức tôn trọng lẫn nhau và hòa bình cùng tồn tại".
Tuần trước, lãnh đạo hai nước đã vạch ra những tầm nhìn cạnh tranh, trong đó ông Biden nhấn mạnh cam kết của Mỹ về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", điều mà Mỹ cho rằng phải đối mặt với sự "ép buộc" ngày càng tăng của Trung Quốc, trong khi ông Tập cảnh báo việc quay trở lại Chiến tranh Lạnh căng thẳng.
Một bài được xuất bản bởi Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc) hôm 16.11 đã gọi Đài Loan là "ranh giới đỏ cuối cùng của Trung Quốc".
Đài Loan không phải là điểm chớp nhoáng duy nhất. Các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội Mỹ muốn ông Biden coi các biện pháp giảm thiểu rủi ro hạt nhân với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, sau khi Lầu Năm Góc báo cáo rằng Bắc Kinh đang mở rộng đáng kể các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Trung Quốc cho rằng kho vũ khí của họ kém Mỹ và Nga, đồng thời cho biết sẵn sàng đối thoại nếu Mỹ giảm kho vũ khí hạt nhân xuống mức của Trung Quốc.
"Đây là cơ hội để Tổng thống Biden thể hiện sự đanh thép, sức mạnh về phía Mỹ, để nói rõ rằng chúng ta sẽ đứng về phía các đồng minh của mình và chúng ta sẽ không tán thành hay dung túng cho những hành vi ác ý mà Trung Quốc đã gây ra", theo Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (đảng Cộng hòa), người từng là đại sứ tại Nhật Bản dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.