TS. Nguyễn Trí Hiếu đã chia sẻ quan điểm riêng dưới góc độ một chuyên gia kinh tế về thương vụ VinaCapital và Ba Huân.

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Không bất ngờ khi VinaCapital 'chia tay' Ba Huân

13/08/2018, 09:45

TS. Nguyễn Trí Hiếu đã chia sẻ quan điểm riêng dưới góc độ một chuyên gia kinh tế về thương vụ VinaCapital và Ba Huân.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

VinaCapital đã quyết định dừng đầu tư vào Công ty CP Ba Huân (vốn đầu tư dự định trước đó là 32,5 triệu USD) sau khi Ba Huân gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ nhờ hỗ trợ việc chấm dứt hợp tác. Quan điểm của ông về thương vụ VinaCapital và Ba Huân như thế nào?

- Tôi không chắc chắn trong đó còn những yếu tố nào nhưng rõ ràng việc chia tay giữa VinaCapital và Ba Huân là do hai bên đã không tìm được tiếng nói chung để đi con đường hợp tác của họ.

Rút kinh nghiệm trường hợp này, khi hai bên ký hợp tác tất cả các bên nắm rất rõ quyền và trách nhiệm, nếu bỏ qua vì áp lực thời gian, áp lực tài chính chấp nhận một số điều khoản đến cuối cùng khả năng xảy ra sự xung đột là rất lớn.

Một số vấn đề doanh nghiệp có thể vướng phải trong quá trình hợp tác có thể kể đến như. Thứ nhất, trở ngại về ngôn ngữ, văn bản tiếng Anh dịch ra tiếng Việt trong nhiều trường hợp không đúng nghĩa, sát nghĩa. Ngôn ngữ là hình tượng sinh học cùng sự phát triển kinh tế xã hội, ngôn từ tài chính trong tiếng Anh có hàng trăm năm nên ngôn ngữ tiếng Việt có thể không đi theo được ngôn ngữ tiếng Anh chuyên ngành nên dịch có thể không sát nghĩa thậm chí sai nghĩa, ngay cả văn bản của Chính phủ cũng có thể sai, đừng nói tư nhân.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp áp lực tài chính, sẵn sàng chấp nhận có tiền đã rồi những điều khoản kia tính sau nhưng làm như vậy rất rủi ro. Nhiều ý không nắm bắt được lúc đầu hoặc làm ngơ sẽ trở lại tác động mạnh khi kết quả hoạt động kinh doanh không khả quan như dự báo.

Thứ ba, đây cũng là kinh nghiệm của tôi là nhiều doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ quy ước với nhau. Đây là điều đáng buồn ở nhiều trường hợp khác doanh nghiệp Việt Nam dĩ hòa vi quý, tranh chấp rồi xử lý với nhau mà không mang luật ra trong khi doanh nghiệp nước ngoài bút sa gà chết, cứ thế thi hành theo các điều khoản đã ký kết và sẵn sàng đi vào tranh tụng nên có thực trạng một số doanh nghiệp Việt làm ngơ vấn đề tuân thủ và cam kết, nghĩ rằng chuyện có thể giải quyết bằng tình cảm và thương lượng.

Thêm vấn đề là một số doanh nghiệp khi có trục trặc viết đơn kêu cứu hay nhờ Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ giải quyết. Các doanh nghiệp phải hiểu đây là hợp đồng giữa doanh nghiệp với nhau, không liên quan đến chính sách của Chính phủ, nếu có thì mới nhờ Chính phủ can thiệp, hỗ trợ ở đây doanh nghiệp tự giải quyết hoăc tòa án giải quyết, nên việc Ba Huân viết thư lên Chính phủ yêu cầu hỗ trợ là cách làm không hợp lý.

Về quyết định dừng đầu tư của VinaCapital, tôi không bất ngờ vì có thể đây là cả quá trình để đi đến quyết định này hai bên đã trao đổi và không tìm được điểm chung do một bên có thể nghĩ mình bị ép, một bên nghĩ đã ký kết hợp đồng phải tuân thủ và có những điều khoản sẽ xử lý nếu không tìm được tiếng nói chung.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Ba Huân cho biết, tỷ suất hoàn vốn đầu tư (IRR) 22%/năm là mức quá cao, gần gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng. Theo ông, tỷ suất hoàn vốn đầu tư như vậy cao hay thấp và vì sao?

- Lợi suất nội bộ ở mức nào không có tiêu chuẩn để cho rằng nó quá cao hoặc quá thấp và chúng ta không thể so sánh với lãi suất huy động, lãi suất cho vay của ngân hàng. Khách hàng cho ngân hàng vay, khách hàng không đầu tư vào ngân hàng và mức lãi suất có thể 7% còn đầu tư vào doanh nghiệp có thể rủi ro và đây là hai hoạt động tài chính hoàn toàn khác nhau với một bên cho vay lấy lại tiền và một bên đầu tư đầu tư vĩnh viễn trừ trường hợp hai bên thỏa thuận rút vốn.

Tỷ suất hoàn vốn đầu tư 22%/năm có quá cao hay không? Tôi cho rằng không vì chính tôi đã từng tài trợ doanh nghiệp bên Mỹ họ chấp nhận mức cao hơn cả 22%/năm, bên cạnh việc chấp nhận mức cao, nhà đầu tư có thể được tặng một số cổ phần trong doanh nghiệp nữa nên hai bên thương lượng với nhau ở mức nào ngay từ đầu đã chặt chẽ và đi đến thương thảo với nhau, và cần tuân thủ không thể nhìn lại rồi thấy rằng 22% là ép quá mức.

Con số này cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ rủi ro của đầu tư, đầu tư vào doanh nghiệp đang yếu kém thì thường nhà đầu tư đòi hỏi tỷ suất hoàn vốn rất cao. Thứ 2, tùy thuộc vào số vốn đầu tư, nếu bỏ vốn 10% tổng cổ phần sẽ khác việc bỏ 50% vốn phải đòi hỏi lợi suất cao hơn... Có nhiều điều kiện khác tạo nên lợi suất nên khó có thể nói lợi suất nào là lợi suất chuẩn cho đầu tư vì mỗi hợp đồng đầu tư, giao dịch đầu tư có đặc thù riêng.

Thương vụ này có thể gây tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ra sao, thưa ông?

- Sẽ không có lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vì nhà đầu tư nước ngoài làm việc chuẩn mực nếu thấy nhà đầu tư trong nước làm việc không chuẩn mực thì sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ.

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp nếu làm việc với các đối tác ngoại cần có sự tư vấn của các công ty từng làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài để có tư vấn thích hợp vì những nhà đầu tư nước ngoài có thể có tinh thần họ khác, ngôn ngữ khác và đòi hỏi của họ khác.

Nhiều doanh nghiệp cũng lo sợ về việc có thể bị thâu tóm bởi các “cá mập” nước ngoài, thực tế có nhiều tình huống có thể không lường được, nếu một bên yếu thế, một bên ở vị thế thuận lợi họ có thể thâu tóm, nên doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Thảo/BizLive

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS.Nguyễn Trí Hiếu: Không bất ngờ khi VinaCapital 'chia tay' Ba Huân