Gdańsk có nhiều yếu tố lịch sử – văn hoá giống TP.HCM: cũng là thành phố nơi cửa sông – vịnh biển, trải qua nhiều thể chế, chính quyền…

TS Nguyễn Thị Hậu: Họ ‘dọn dẹp’ lịch sử như thế đó

bai cao | 08/02/2019, 21:18

Gdańsk có nhiều yếu tố lịch sử – văn hoá giống TP.HCM: cũng là thành phố nơi cửa sông – vịnh biển, trải qua nhiều thể chế, chính quyền…

Hệ thống bảo tàng nghệ thuật, lịch sử, tàu bảo tàng SS Soldek thả neo trên sông Motlawa, là tàu thủy đầu tiên của Ba Lan được đóng sau chiến tranh.

1. Gdańsk là một thành phố bên bờ biển Baltic, hải cảng chính của Ba Lan. Thời trung và cận đại với lịch sử rất phức tạp nhưng từ 1945, sau chiến tranh thế giới thứ hai Gdańsk thuộc về Ba Lan.

Tôi đến Gdańsk vào những ngày tháng bảy mát mẻ, thành phố cảng thỉnh thoảng có những cơn mưa rào lớn và nhanh như mưa Sài Gòn. Sau mưa trên đường phố những vòm lá xanh càng xanh tươi, trên dãy phố dài những ngôi nhà bằng gạch càng đỏ thẫm dưới bầu trời còn nặng mây xám.Ở Gdańsk bạn có thể đến nhiều nơi tham quan, nghỉ ngơi và tận hưởng nhịp sống bình yên nhưng trước hết, Gdańsk là thành phố công nghiệp – cảng thị phát triển từ lâu đời.

Trong danh sách dài di tích lịch sử văn hoá ở Gdańsk, bên cạnh những nhà thờ, lâu đài, công trình thời trung cổ… tôi chú ý đến hai “điểm đến” đặc biệt: bán đảo Westerplatte – nơi Thế chiến 2 bắt đầu ngày 1/9/1939, và công trình European Solidarity Centre, một trung tâm văn hoá – khoa học hiện đại nghiên cứu về quá trình dân chủ hoá của đất nước Ba Lan từ thập niên 1980. Đây là hai giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Ba Lan. Tuy nhiên, sự quan tâm của tôi đến hai nơi này là để tìm hiểu Gdańsk nhìn về lịch sử như thế nào để có thể phát triển, ngày nay là thành phố quan trọng trong vùng đô thị lớn thứ tư của Ba Lan.

2. Khu di tích Westerplatte.Cuộc xâm lược Ba Lan là sự khởi đầu Thế chiến 2, khi chiến hạm SMS Schleswig-Holstein của Đức pháo kích bán đảo Westerplatte tại Danzig (tên gọi theo tiếng Đức lúc bấy giờ của Gdańsk), sau đó bộ binh Đức đổ bộ lên bán đảo. Quân phòng thủ Ba Lan ở Westerplatte đã kháng cự trong một tuần lễ. Ngày 1/9/1939 sau một cuộc chiến đấu dữ dội, quân Ba Lan tại điểm phòng thủ cuối cùng là nhà Bưu điện đã hy sinh. Để tưởng niệm cuộc chiến đấu kiên cường này, tại Westerplatte có một quần thể di tích, đài tưởng niệm giản dị nhưng mang lại nhiều cảm xúc.

Trong một khu vực rộng lớn còn bảo tồn được những toà nhà, pháo đài, công sự chiến đấu đã bị sập đổ, khu mộ các vị chỉ huy quân đội đã hy sinh tại đây, nhiều vị trí trước đây là công sự nay trưng bày pano hình ảnh về cuộc chiến ác liệt bảy ngày đêm bảo vệ Westerplatte… Đài tưởng niệm công cuộc phòng thủ bờ biển xây dựng trên một ngọn đồi, tượng đài cao 23 mét bao gồm 236 khối đá granite ghép với nhau, hướng ra hải cảng tạo một ấn tượng mạnh. Dưới khu tượng đài nổi bật trên thảm cỏ xanh là hàng chữ Ba Lan màu trắng rất lớn, đại ý “Sẽ không còn một cuộc chiến tranh nào nữa”.

Một bảo tàng đang được xây dựng ở đây để trưng bày đầy đủ hơn những gì diễn ra trong bảy ngày chiến đấu và toàn bộ cuộc chiến phòng thủ năm 1939. Bảo tàng sẽ được khánh thành vào ngày 1/9/2019 kỷ niệm 80 năm chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Hiện nay website của bảo tàng đã hoạt động, giới thiệu quá trình xây dựng, sứ mệnh của bảo tàng đối với xã hội, nội dung trưng bày bằng hình ảnh 3D và một số hoạt động khác… Điều đó tạo nên sức hấp dẫn lớn vì Westerplatte không chỉ là di tích lịch sử của Ba Lan mà còn là nơi người nước ngoài khắp thế giới tìm đến.

Đài tưởng niệm công cuộc phòng thủ bờ biển xây dựng trên một ngọn đồi, tượng đài cao 23 mét bao gồm 236 khối đá granite ghép với nhau, hướng ra hải cảng tạo một ấn tượng mạnh.

3. European solidarity centre (ESC)là trung tâm văn hoá – khoa học lưu giữ gần như toàn bộ tư liệu, hình ảnh, hiện vật, những ký ức… về lịch sử Công đoàn Đoàn kết và các phong trào dẫn đến tiến trình dân chủ ở Ba Lan và các nước Đông Âu. Công trình khánh thành vào năm 2014 và năm 2016 đạt giải thưởng bảo tàng của Hội đồng châu Âu.

Toà nhà có thiết kế độc đáo trông như một chiếc tàu khổng lồ, toàn thân mang màu gỉ sắt của con tàu – như một biểu tượng của thành phố công nghiệp đóng tàu lớn nhất biển Baltic. Cấu trúc có sáu tầng gồm ba khu vực nối liền với nhau bởi hệ thống thang máy hiện đại và những hành lang, cầu thang như trên một con tàu. Từ sân thượng ở tầng sáu du khách có thể nhìn toàn cảnh vịnh biển, hải cảng và thành phố Gdańsk.

Phần bảo tàng có diện tích gần ba nghìn mét vuông chiếm trọn tầng một và hai của toà nhà. Các phương pháp trưng bày truyền thống kết hợp các giải pháp công nghệ mới nhất (nghe, nhìn, tương tác, trải nghiệm…) được sử dụng để thể hiện nội dung và các chủ đề của bảo tàng. Du khách sẽ như được chứng kiến các nhân vật, sự kiện lịch sử qua không gian trưng bày 3D, được truy cập vào kho lưu trữ hình ảnh, phim, tài liệu, bản đồ, báo chí về giai đoạn này và các sự kiện lịch sử…

Đây là một bảo tàng trình bày về lịch sử “vừa mới xảy ra” một cách khoa học nhờ hệ thống tài liệu hiện vật phong phú, thu thập từ nhiều nguồn trong và ngoài Ba Lan, phản ánh sự kiện từ nhiều góc tiếp cận… Các phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp hiện vật tự “nói lên” câu chuyện của chúng.Người tham quan như được tham dự vào các sự kiện đó, trở thành nhân chứng của lịch sử.Đấy chính là cách mà bảo tàng làm cho mọi người quan tâm và từ đó “buộc phải” tìm hiểu về lịch sử.

ESC được coi là mô hình bảo tồn thành công “ký ức cộng đồng” thời hiện đại.

4. Thành phố Gdańskcó nhiều công trình kiến trúc rất đẹp từ thời trung đại. Dọc theo và ở gần Long Street và Long Market, một đường phố lớn cho người đi bộ – còn gọi là đường Hoàng Gia – được bao quanh bởi các toà nhà tái thiết theo kiến trúc lịch sử thế kỷ 17. Nơi này hấp dẫn du khách bởi giá trị nghệ thuật, bởi vẻ đẹp cổ xưa nhưng lịch sử ở đây như những câu chuyện cổ tích, có ý nghĩa nhưng đã quá xa xôi với con người hiện đại.

Các di tích lịch sử thời cận – hiện đại ngoài hai công trình kể trên còn có hệ thống bảo tàng nghệ thuật, lịch sử, tàu bảo tàng SS Soldek thả neo trên sông Motława, là tàu thuỷ đầu tiên của Ba Lan được đóng sau chiến tranh. Điều đáng nói là những nơi này thu hút khách tham quan đông không kém di tích kiến trúc lịch sử.

Lịch sử “vừa mới đi qua” còn để lại nhiều dấu ấn thậm chí cả những “vết thương”. Chính vì vậy, ngoài chức năng thường có, sứ mệnh của các bảo tàng và khu di tích ở Gdańsk nói riêng và Ba Lan nói chung là tạo ra một môi trường giáo dục toàn diện về lịch sử, thực hiện những dự án cho thanh thiếu niên và cộng đồng nâng cao trách nhiệm với lịch sử.

Gdańsk có nhiều yếu tố lịch sử – văn hoá giống TP.HCM: cũng là thành phố nơi cửa sông – vịnh biển, trải qua nhiều thể chế, chính quyền, có những biến động lớn về dân cư và hiện nay hầu như đây là thành phố của người nhập cư. Một trong những điều làm nên sự gắn kết cộng đồng, tạo nên đặc trưng của Gdańsk cũng là nguồn lực để thành phố phát triển chính là “sứ mệnh từ lịch sử”. Người dân thông qua hoạt động khoa học của các bảo tàng, di tích, từ những sinh hoạt văn hoá cộng đồng… đã thấy mình “thuộc về” thành phố này khi lịch sử nơi đây trở thành một phần ký ức của họ.

Bài, ảnhNguyễn Thị Hậu(theo TGTT)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Thị Hậu: Họ ‘dọn dẹp’ lịch sử như thế đó