Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay đang mắc phải là lợi ích nhóm, sự bất đồng về quyền lợi của các bộ ngành, “quyền anh, quyền tôi” khi ra các nghị định, thông tư.

TS. Nguyễn Đức Kiên: Vướng mắc lớn nhất là lợi ích nhóm khi ra nghị định, thông tư

Trí Lâm | 12/08/2016, 05:38

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay đang mắc phải là lợi ích nhóm, sự bất đồng về quyền lợi của các bộ ngành, “quyền anh, quyền tôi” khi ra các nghị định, thông tư.

Thông tin trên được nêu ra tại hội thảo “Luật sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 11.8.

Thủ tục ngày càng nhiêu khê, phức tạp

Đề xuất phải có “1 luật để sửa nhiều luật” không quá mới mẻ và đã từng được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu ra trước diễn đàn quốc hội. Điều này xuất phát từ việc các luật về đầu tư, kinh doanh hiện nay có quá nhiều bất cập, nhiêu khê, cản trở doanh nghiệp.

Nói tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành than thở rằng, thủ tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam ngày càng nhiêu khê, phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài khiến các dự án chậm khởi công, chậm đưa ra thị trường và tăng giá bán, dẫn đến tiêu hao tài sản và công sức của doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo“Luật sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” - ảnh Trí Lâm

Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ông Đực đã nêu ra nhiều ví dụ để minh chứng cho nhận định của mình. Theo đó, để thực hiện dự án bất động sản, doanh nghiệp phải xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư, trong khi cùng lúc phải xin quyết định phê duyệt theo Luật Kinh doanh bất động sản. Như vậy, doanh nghiệp phải thực hiện 2 lần việc xin quyết định chủ trương, gây mất thời gian, tốn kém.

“Qua 3 thời kỳ, trước 2006, từ 2006 đến 2010 và từ năm 2010 đến nay, mỗi một giai đoạn lại chồng thêm một số thủ tục và tăng thêm thời gian làm thủ tục từ 1 - 2 năm. Trong khi đó, có nhiều thủ tục không cần thiết hoặc những thủ tục đó có thể hậu kiểm, bổ sung sau”, ông Đực nói.

Đại diện Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế cũng cho hay, các thủ tục đầu tư với dự án sử dụng đất còn chưa hợp lý, thiếu logic.

Ví dụ, với thủ tục thành lập một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể phải có 3 loại giấy phép, gồm: chấp thuận chủ trương đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bị yêu cầu các loại giấy phép khác như: Giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán buôn…

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, hiện nay có sự mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với các quy định của các luật chuyên ngành khác.

“Những vấn đề này đang gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình thực thi và tuân thủ” – ông Cung nói.

Vướng mắc lớn nhất là “lợi ích nhóm”

Không phản đối việc đề xuất “1 luật sửa nhiều luật” nhưng TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại cho rằng những đề xuất như hiện nay chưa chạm được tới thực chất của vấn đề, nếu cứ thực hiện sẽ không khả thi.

Theo ông Nguyễn Đức Kiến, vấn đề lớn nhất hiện nay đang mắc phải là lợi ích nhóm, sự bất đồng về quyền lợi của các bộ ngành, “quyền anh, quyền tôi” khi ra các nghị định, thông tư. Muốn làm một luật để sửa nhiều luật cần trả lời được câu hỏi: Tại sao có những nghị định, thông tư như thế?

Để trả lời câu hỏi trên, ông Kiên cho rằng, vai trò của nhà nước là điều tiết lợi nhuận nên cần có sự cân nhắc, nhìn nhận vấn đề một cách đa diện.

Dẫn ra ví dụ, ông Kiên cho rằng khi Bộ xây dựng trình luật Xây dựng, có nhiều người phản đối nhưng lại được Chính phủ thông qua. Bởi vấn đề này liên quan tới quyền lợi của nhiều bên, từ nhà đầu tư, tới người dân, đại chúng. Và trong trường hợp này thì Chính phủ đang đứng về phía quyền lợi chung của cộng đồng.

Cũng nói thêm về Luật Xây dựng, ông Kiên cho rằng các kiến nghị sửa đổi của doanh nghiệp vướng chủ yếu ở các nghị định, thông tư. Do đó, cái cần phải sửa ở đây là sửa các thông tư, nghị định chứ không phải sửa luật.

Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương lại cho rằng, cần phải tập trung vào sửa những điều khoản của luật, không sửa các quy định trong nghị định hay thông tư để sửa tận gốc rễ của vấn đề.

Theo ông Hiếu, có hai hướng sửa. Thứ nhất là tập trung vào những điều khoản của luật chưa rõ ràng, chưa hợp lý xét ở góc độ của từng ngành luật. Thứ hai, rà soát quy định của nhiều ngành luật dưới cùng một góc độ, một hệ quy chiếu để tìm ra những quy định chưa tương thích, chưa hợp lý và tạo ra bất cập cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trước đó, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, ngay bản thân một số luật vừa ban hành đã thấy có nhiều điểm bất hợp lý, cần phải thay đổi. Do đó, cần phải ban hành một luật để sửa đổi nhiều luật khác liên quan đến doanh nghiệp, kinh doanh. Trước đây chúng ta đã có tiền lệ là dùng luật thuế để sửa nhiều luật thuế.

Ông Lộc cho biết, hướng làm là cộng đồng doanh nghiệp sẽ đề xuất những vướng mắc, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ ngồi lại xem xét, thảo luận và điều chỉnh. Trước đây, trong quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh, các kiến nghị chỉ được đưa vào để sửa đổi từng bộ luật chứ chưa có hẳn một bộ luật để sửa đổi sai sót của các luật khác.

“Luật bất hợp lý thì phải sửa đổi chính bản thân luật, phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp.Cải cách hành chính cần phải đi liền với cải cách tư pháp” – ông Lộc khẳng định.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS. Nguyễn Đức Kiên: Vướng mắc lớn nhất là lợi ích nhóm khi ra nghị định, thông tư